Cung tiền do ai kiểm soát và top 3 yếu tố tác động đến cung tiền
Cung tiền là gì?
Trong kinh tế học, cung tiền là tất cả tiền mặt và tiền tệ đang lưu thông trong một quốc gia. Cung tiền của một quốc gia có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh tế vĩ mô của một quốc gia, đặc biệt là liên quan đến lãi suất, lạm phát và chu kỳ kinh doanh. Cung tiền bao gồm tiền mặt trong lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng và tổng các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. "Tiền" ở đây thường bao gồm tiền tệ lưu thông và tiền gửi không kỳ hạn (tài sản dễ dàng tiếp cận của người gửi tiền trên sổ sách của các tổ chức tài chính).
Cung tiền do ai kiểm soát?
Ngân hàng trung ương đóng vai trò quyết định mức cung tiền trong một quốc gia. Cụ thể, ngân hàng cung ứng cho các ngân hàng thương mại và lưu thông tư nhân. Số nhân tiền là mức độ mà theo đó cung ứng tiền tệ là bội số của cơ sở tiền. Số nhân tiền càng lớn nếu tỷ lệ dữ trữ tiền mặt của các ngân hàng thương mại càng nhỏ và tỷ lệ mà khu vực tư nhân mong muốn giữ tiền mặt so với tiền gửi ngân hàng càng nhỏ.
Do vậy, ngân hàng có thể tác động đến cung tiền bằng cách thay đổi số nhân tiền và cơ sở tiền. Có 3 yếu tố tác động đến cung tiền trong một quốc gia.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là tỷ lệ tối thiểu giữa dự trữ tiền mặt so với tiền gửi mà ngân hàng trung ương quy định cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại có thể dự trữ lượng tiền lớn hơn tỷ lệ này nhưng tuyệt đối không được thấp hơn. Nếu tỉ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn so với quy định, các ngân hàng thương mại phải vay thêm tiền ngay để duy trì tỉ lệ dự trữ bắt buộc.
Ví dụ, các ngân hàng thương mại có 1 tỷ tiền mặt và muốn duy trì lượng dự trữ tiền mặt bằng 5% so với tổng số tiền gửi. Như vậy, tổng số tiền gửi nhiều gấp 20 lần so với lượng dự trữ tiền mặt, điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ tạo ra 20 tỷ từ 1 tỷ dự trữ tiền mặt. Nếu ngân hàng trung ương đưa ra yêu cầu bắt buộc tỷ lệ dự trữ tối thiểu phải là 10% thì các ngân hàng chỉ có thể tạo ra được 10 tỷ tiền gửi thì 1 tỷ dự trữ tiền mặt. Lượng cung tiền giảm từ 20 tỷ xuống còn 10 tỷ.
Nhìn chung, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm bớt tiền gửi của các ngân hàng, làm giảm giá trị của số nhân tiền và dẫn đến giảm cung tiền.
Lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu cũng là một yếu tố tác động đến số nhân tiền. Lãi suất chiết khấu là lãi suất đánh vào các khoản vay của ngân hàng thương mại từ ngân hàng trung ương. Giả sử các ngân hàng cho rằng tỷ số an toàn tối thiểu giữa tiền mặt và tiền gửi là 10%. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa lãi suất thu được từ việc cho vay thêm và chi phí liên quan nếu bỗng nhiên có một sự rút tiền ồ ạt làm tỷ lệ dự trữ giảm xuống dưới con số giới hạn 10%. Nếu các ngân hàng thương mại vay tiền từ ngân hàng trung ương với lãi suất thị trường thì họ sẽ không bị tổn thất khi thiếu tiền mặt, các ngân hàng trung ương sẽ vay nhiều nhất có thể để đưa tiền mặt về mức dự trữ bắt buộc.
Nhưng nếu ngân hàng trung ương chỉ cho vay với mức lãi suất lớn hơn mức lãi suất trên thị trường, các ngân hàng thương mại sẽ không dám để dự trữ tiền mặt thấp hơn giới hạn cho phép và giữ tiền mặt bổ sung để tránh phải vay tiền với mức lãi suất cao khi khách hàng bất ngờ rút nhiều tiền hơn.
Bằng cách ấn định lãi suất chiết khấu cao hơn mức lãi suất trên thị trường, ngân hàng trung ương khiến các ngân hàng thương mại dự trữ nhiều tiền mặt hơn khiến số nhân tiền giảm và cung tiền thấp hơn.
Nghiệp vụ thị trường mở
Trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất chiếu khấu là 2 yếu tố tác động đến cung tiền thông qua số nhân tiền, nghiệp vụ thị trường mở là một yếu tố tác động đến cung tiền thông qua thay đổi cơ sở tiền. Một nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện khi ngân hàng trung ương thay đổi cơ sở tiền bằng cách mua vào hoặc bán ra các trái phiếu trên thị trường.
Giả sử ngân hàng trung ương in ra 100 tỷ đồng giấy bạc mới và dùng chúng để mua trái phiếu trên thị trường mở. Như vậy bây giờ trong khu vực tư nhân có ít đi 100 tỷ đồng trái phiếu nhưng cơ sở tiền đã tăng thêm 100 tỷ. Một phần tiền mặt có thêm sẽ được giữ trong lưu thông tư nhân nhưng hầu hết sẽ được gửi vào các ngân hàng thương mại để tăng các khoản cho vay. Ngược lại, nếu ngân hàng trung ương bán 100 tỷ trái phiếu đang nắm giữ, cơ sở tiền sẽ bị giảm đi 100 tỷ. Tỷ lệ dự trữ tiền mặt trong các ngân hàng thương mại giảm xuống và họ buộc phải giảm lượng tiền cho vay. Lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế giảm xuống.
Ngày nay, nghiệp vụ thị trường mở là kênh chủ yếu mà ngân hàng trung ương sử dụng để tác động đến cung tiền trong nền kinh tế.