Tiết kiệm hơn 83 nghìn tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước
Theo báo cáo của Chính phủ, nhìn chung, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) đã sử dụng hết để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (23,4 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (14,5 nghìn tỷ đồng).
Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở. Trong đó năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Trong lĩnh vực đầu tư công, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/1/2024 là 661.705 tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch, đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án này đưa vào sử dụng. Tuy vậy, vẫn còn 91/115 bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân lũy kế 13 tháng thấp hơn bình quân của cả nước.
Báo cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Chính phủ cho biết các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện. Cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 23,6 triệu ha (chiếm tỷ lệ 97,6% diện tích cần cấp).
Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha. Lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 42,02%. Các cơ quan, địa phương đã tập trung giám sát, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường vẫn diễn ra; vẫn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép, báo cáo cho hay.
Cũng trong năm 2023, các cơ quan đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể. Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.