Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Khoanh nợ thuế, xóa tiền phạt, chậm nộp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ với báo chí xung quanh việc thực hiện Nghị quyết số 94 sau 3 năm.
Thưa bà, Nghị quyết số 94 đã được thực hiện 3 năm. Bà đánh giá như thế nào về chủ trương này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
Nghị quyết 94 quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước phát sinh trước ngày Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành (trước ngày 1/7/2020).
Đối tượng xử lý nợ bao gồm người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; doanh nghiệp có quyết định giải thể, đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán...
Tính đến 30/6/2023, sau 3 năm tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng; trình cấp có thẩm quyền thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng.
Chúng ta biết, nếu như không khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước thì số thuế đó sẽ tồn tại mãi. Doanh nghiệp muốn hoạt động lại cũng không hoạt động được. Đồng thời, nhìn tỷ lệ số thu về thuế và nợ đọng không tương ứng.
Do đó, khi thực hiện khoanh nợ và xóa nợ, những doanh nghiệp khó khăn trên bờ vực phá sản, giải thể có thể phục hồi sản xuất kinh doanh. Như vậy việc thực hiện Nghị quyết số 94 vừa giúp cho ngân sách minh bạch, vừa giúp doanh nghiệp.
Thưa bà, trên thế giới không có nhiều nước thực hiện việc xóa nợ thuế. Xin bà cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Đóng góp thuế là nghĩa vụ của công dân. Khi phát sinh thuế, người nộp thuế có trách nhiệm phải nộp về ngân sách nhà nước. Tại Luật Quản lý Thuế số 78 chưa quy định chi tiết về việc khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.
Tại Nghị quyết số 94 đã quy định và phân loại rất rõ. Chúng ta chỉ khoanh nợ thuế gốc, chưa xóa nợ thuế; chỉ xóa các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp. Đối với số thuế khoanh nợ sau 3 năm sẽ định hướng xử lý. Như vậy, xét theo thông lệ quốc tế, Việt Nam cũng đã hài hòa và đáp ứng được quy định quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta học tập kinh nghiệm quốc tế nhưng phải tính đến điều kiện thực tế tại Việt Nam. Đơn cử như khi khoanh nợ 3 năm, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản. Sau khi xử lý số tiền thuế giải thể, không còn để xử lý khoanh nợ nữa. Khi đó, chúng ta cũng phải có biện pháp xử lý, không nên để treo khoản nợ đó mãi. Do đó tôi nghĩ Nghị quyết 94 phù hợp và không trái thông lệ quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc khoanh nợ, xóa tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Nói nếu xử lý khoanh nợ và xóa nợ sẽ không bình đẳng giữa người nộp thuế chấp hành nghĩa vụ thuế với người chây ì cũng chưa đúng. Tại Nghị quyết số 94 không xử lý nợ đọng mới mà chỉ xử lý nợ đọng phát sinh khi Luật quản lý Thuế 38 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Vậy rõ ràng, tất cả doanh nghiệp tồn tại cũ mới được xử lý, còn doanh nghiệp hiện nay không được xử lý nợ thuế.
Ngay khi đưa ra dự thảo Nghị quyết số 94 cũng nhiều ý kiến cho rằng sẽ tạo tiền lệ cho những doanh nghiệp chây ì nộp thuế, muốn chờ sửa luật. Tuy vậy tôi cho rằng những suy nghĩ đó không đúng.
Như trên tôi đã đề cập, Nghị quyết số 94 quy định cụ thể đối tượng khoanh nợ, xóa tiền chậm nộp. Để thực hiện đúng Nghị quyết này, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 03 gửi tới cơ quan thuế các cấp và Thông tư 69 hướng dẫn cụ thể.
Trong quy định xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp... đã cụ thể đối tượng, có sự phân cấp. Đối với khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ tiền thuế.
Đối với xử lý xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp: Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Chính phủ (Bộ Tài chính) đang tiếp tục trình Quốc hội cho phép thực hiện tiếp tục một số nội dung trong Nghị quyết số 94. Bà nghĩ sao về đề xuất này?
Nghị quyết số 94 được thực hiện trong 3 năm và đã xử lý được số tiền khá lớn làm cho số dư nợ minh bạch hơn.
Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn nên chưa xử lý hết được số tiền khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Có rất nhiều nguyên nhân như cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ về hộ đăng ký kinh doanh do Bộ kế hoạch Đầu tư quản lý và cơ quan thuế quản lý; xem xét trường hợp 3 năm chuẩn bị giải thể, phá sản nhưng lại quay lại sản xuất, kinh doanh...
Mặc dù hiện nay cơ quan thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin để xem xét, đối chiếu thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh… với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan khác nhưng việc đối chiếu không dễ dàng nên tốc độ xóa nợ vẫn còn chậm. Số nợ thuế của những người chết, mất tích treo lơ lửng như vậy rõ ràng nhìn không minh bạch.
Do đó, tôi cho rằng đề xuất của Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét thực hiện tiếp tục Nghị quyết số 94 là phù hợp.
Xin cảm ơn bà!