Chủ nhật, 24/11/2024, 12:03 PM
Tài chính tiêu dùng   •   Thứ ba, 26/10/2021, 13:03 PM  •  26/10/2021, 13:03

10 sai lầm tài chính các cặp vợ chồng son nên tránh

Biết cách giảm thiểu các hiểu lầm tài chính đối với cặp vợ chồng son là điều quan trọng bởi tiền bạc là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân.

Tiền bạc là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân. Trong một cuộc ly hôn, các cặp đôi trẻ tan vỡ với lý do không chung quan điểm về tiền bạc không phải là ít. Vì vậy, biết cách giảm thiểu các tranh chấp tiền bạc đối với cặp vợ chồng son là điều quan trọng.

Tiền bạc không phải là một chủ đề nói chuyện lãng mạn, nhưng là một trong những điều thực tế bạn cần làm để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân. Cùng nhau ngồi lại và thiết lập một kế hoạch tài chính vững chắc là con đường thiết lập một nền tảng tài chính hài hòa về lâu dài. Sau đây là những sai lầm phổ biến mà các cặp vợ chồng son nên tránh để có thể đạt được thành công trong tương lai.

Không nói về trải nghiệm tài chính trong quá khứ

Nhiều cặp vợ chồng son thường tránh nói về các trải nghiệm tiền bạc trong quá khứ. Bạn và bạn đời sẽ không thể cùng quan điểm về một số vấn đề tài chính nhất định trong gia đình, việc kể cho nhau nghe về các trải nghiệm quá khứ là để bạn và đối tác chia sẻ cho nhau niềm tin và kinh nghiệm của bản thân, từ đó đưa ra đánh giá về lý do tại sao bạn hay người ấy đưa ra quyết định khác nhau, qua đó điều chỉnh kế hoạch tài chính đi đúng hướng.

Giữ bí mật tiền bạc

Giữ bí mật tiền bạc giống như không "chung thủy" về tài chính, có thể bao gồm những khoản mua sắm nhỏ hay thậm chí là một khoản nợ lớn có thể đe dọa đến tài chính gia đình mà vợ/chồng không cho bạn biết. Những rắc rối tài chính có thể đẩy hôn nhân đi rất xa. Hãy trung thực với nhau về bất cứ điều gì liên quan tới tiền bạc nếu bạn muốn một cuộc hôn nhân lâu bền.

Không nói về kế hoạch tài chính tương lai

Nhiều quyết định bạn đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính hiện tại mà còn ảnh hưởng đến cách bạn có thể chi tiêu và đảm bảo cuộc sống trong tương lai. Hãy cùng vợ/chồng bạn suy nghĩ và lập kế hoạch tài chính cho tương lai để có thể biến những giấc mơ chung của hai bạn thành sự thật. Đây sẽ là một trong những cuộc nói chuyện thú vị nhất về tiền bạc mà hai bạn có thể có.

Để một người đưa ra tất cả các quyết định tài chính

Để một người xử lý và chi trả cho các hóa đơn hàng ngày là điều tốt, nhưng bạn và vợ/chồng bạn cần có sự hiểu biết về tài chính để cùng nhau bàn bạc ra quyết định cho các vấn đề lớn về tiền bạc. Trước khi đưa ra một quyết định ảnh hưởng lớn đến tài chính, hãy thống nhất với nhau để vừa có thể không xảy ra tranh chấp, vừa đảm bảo rằng một trong hai vợ chồng bạn có thể tiếp tục được kế hoạch đã vạch ra nếu chẳng may bạn không thể làm được.

Không xây dựng quỹ an toàn

Khi đối mặt với một trường hợp khẩn cấp bất ngờ nhưng gia đình bạn không đủ tiền để trang trải, đó là lúc những căng thẳng và cãi vã dễ xảy ra nhất. Để tránh được điều đó trong tương lai, ngay từ bây giờ hai bạn nên cùng nhau xây dựng một quỹ khẩn cấp có thể trang trải ít nhất từ 3 đến 6 tháng sinh hoạt để tránh những bất trắc trong tương lai. Xây dựng quỹ khẩn cấp nên là một trong những mục tiêu đầu tiên một cặp vợ chồng nên đạt được trong kế hoạch tài chính. Sau khi cùng nhau thiết lập một hàng rào tài chính an toàn để bảo vệ gia đình cùng bản thân, các bạn có thể thoải mái nghĩ tới những mục tiêu tài chính lớn hơn.

Tránh những cuộc trò chuyện về tiền bạc

Đôi khi, những cuộc trò chuyện về tiền bạc mang lại nhiều căng thẳng hơn là niềm vui, vì vậy các bạn có xu hướng tránh không nhắc tới. Những cuộc trò chuyện về tiền bạc là không thể tránh được trong một gia đình, hãy chuẩn bị cho mọi tình huống khi bạn và vợ/ chồng bạn đang có thời gian và trạng thái tâm lý ổn định. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải đưa ra quyết định xem có nên giúp đỡ một thành viên trong gia đình không hay lập kế hoạch tài chính cho những điều có thể xảy ra khi chẳng may vợ/chồng bạn bị bệnh, tai nạn hay thậm chí là qua đời. Bên cạnh đó, hãy nghĩ xem liệu bạn hay bạn đời có cần bảo hiểm nhân thọ hay không và cần trong bao lâu. Việc chuẩn bị trước cho mọi tình huống không bao giờ là thừa, hãy nói chuyện cùng nhau để củng cố thêm mối quan hệ của các bạn.

Không đồng ý với việc ai sẽ chi trả cho cái gì

Các quyết định tài chính sẽ khác nhau với mỗi hộ gia đình. Hãy đảm bảo rằng cả hai bạn đều cảm thấy thoải mái với việc phân chia các tài khoản và phân công ai sẽ chi trả cho cái gì. Sau khi đã phân chia vai trò của nhau trong tài chính gia đình, hãy tự động hóa nhiều khoản thanh toán nhất có thể để không bị trễ hạn nộp.

Để con thấy sự bất mãn của bạn đối với tài chính gia đình

Người lớn là tấm gương của trẻ nhỏ. Con cái bạn đang học tất cả mọi thứ từ bạn, kể cả cách chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Nếu bạn không có cùng quan điểm với vợ/chồng về cách chi tiêu trong gia đình, hai bạn hãy ngồi lại thương lượng với nhau thay vì thể hiện sự không hài lòng một cách tiêu cực và đổ lỗi cho người còn lại khi có điều không như ý xảy ra. Con bạn sẽ học tập các hành vi của bạn và áp dụng những hành động đó lên các quyết định tài chính tương lai của chúng.

Không yêu cầu giúp đỡ khi cần

Đôi khi, ngay cả những người thông thái nhất cũng cần lời khuyên. Dù bạn hiểu biết đến đâu, làm việc với một chuyên gia tài chính gia đình cũng có thể giúp bạn xác định rõ hơn các mục tiêu tài chính và đảm bảo bạn cùng vợ/chồng bạn đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó, một chuyên gia tài chính có thể đóng vai trò hòa giải khi cuộc nói chuyện về tài chính của vợ chồng bạn trở nên căng thẳng. Hãy tìm đến một chuyên gia tài chính gia đình và đề nghị rằng cả vợ chồng bạn muốn được hợp tác.

Nghĩ rằng bạn đã giải quyết xong mọi vấn đề tài chính

Nhu cầu và mục tiêu tài chính của vợ chồng bạn thay đổi theo từng thời kì. Trong mỗi giai đoạn hôn nhân, những nhu cầu tiền bạc phát sinh sẽ không giống nhau, đôi khi bạn không thể dự đoán hết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có một số loại bảo hiểm hoặc kế hoạch tài chính sẽ thay đổi nếu bạn có con hoặc mua nhà trong tương lai. Vì vậy, hãy thường xuyên cùng nhau trò chuyện về tiền bạc để hiểu nhau hơn, xây dựng một kế hoạch tài chính tương lai mà hai bạn đều cảm thấy hài lòng.

Vũ Trang
Theo Kiplinger/Tổng hợp

Vingroup phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho Vinfast vay sản xuất ôtô

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ năm, 17/08/2023, 11:41 AM
Tập đoàn Vingroup (Hose: VIC) công bố thông tin phát hành 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng để cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ôtô tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Viettel Money là gì? Cách nạp tiền, rút tiền với Viettel Money

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ năm, 02/12/2021, 04:43 AM
Không chỉ là Mobile Money, Viettel Money là hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hội tụ nhiều tính năng và lợi thế cạnh tranh so với các phương thức thanh toán khác.

7 cách tiết kiệm tiền khi mua sắm trực tuyến

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ ba, 02/11/2021, 06:36 AM
Mua sắm trực tuyến đang trở thành một xu thế thời thượng nhưng không phải ai cũng biết cách tiết kiệm tiền khi mua sắm trực tuyến.

7 điều lầm tưởng về tài chính cá nhân mà chúng ta vẫn tự dối lòng

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ năm, 28/10/2021, 22:03 PM
Có thể bạn không để ý, nhưng vẫn có những điều lầm tưởng về tài chính cá nhân gây cho bạn những thiệt hại không ngờ đến.