6 điều Gen Y không nên làm khi lập kế hoạch tài chính cá nhân
Những người thuộc Gen Y sẽ bước sang độ tuổi 40 trong năm nay - một cột mốc quan trọng để lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Mặc dù trải qua cuộc đại suy thoái và đại dịch Covid-19, nhiều thế hệ Gen Y đã và đang đạt được những thành tựu tài chính vững chắc. Cho dù kế hoạch tài chính của bạn đang đi đúng hướng hay cần sự trợ giúp, dưới đây là những điều nên làm để kế hoạch tài chính của bạn và những người thuộc Gen Y trở nên hữu ích và khả thi:
Đừng bị lôi kéo bởi các khoản đầu tư làm giàu nhanh chóng
Đừng để tiền điện tử hay những khoản đầu tư làm giàu nhanh chóng thay đổi danh mục đầu tư của bạn. Cho dù bạn gặp may và mua được cổ phiếu, lấy lãi vào đúng thời điểm, rất có thể trong tương lai, bạn sẽ phạm phải sai lầm đắt giá và mất một khoản tiền lớn thay vì giàu lên nhanh chóng.
Cách để xây dựng và duy trì sự giàu có trong lâu dài là tiết kiệm sớm và thường xuyên đầu tư một cách khôn ngoan vào một danh mục đầu tư đa dạng. Hãy trở thành một người am hiểu về các khoản đầu tư hoặc làm việc với một người am hiểu về đầu tư để có những quyết định đúng đắn.
Đừng quên trang bị quỹ khẩn cấp và đừng bỏ qua tiền mặt
Giữ một lượng tiền mặt trong ngân hàng phòng khi khẩn cấp là một điều vô cùng quan trọng. Bạn sẽ chẳng thể biết được bao giờ thì bản thân mất đi thu nhập vì một lý do đột ngột nào đó hoặc cần một số tiền mặt nhanh chóng. Không nên lo lắng về việc tiền mặt sinh lời kém, trong những lúc cần thiết thì tính thanh khoản là điều quan trọng nhất.
Ví dụ bạn đang sử dụng thẻ tín dụng lãi suất 20% làm quỹ khẩn cấp, bạn nên thay đổi chiến thuật này ngay vì cách làm này sẽ không có lợi cho kế hoạch tài chính. Thay vào đó, bạn nên dành ra khoản tiền mặt tương đương ít nhất từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt để trang trải các chi phí bất ngờ khác.
Đừng "bỏ trứng vào một giỏ", đa dạng hóa là chìa khóa để kế hoạch tài chính thành công
Hãy thận trọng, không nên để bất kì một loại cổ phiếu nào chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư ngay cả khi bạn cảm thấy công ty đó có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Hãy nhớ rằng khi đầu tư, tiền và lợi ích của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả hoạt động của công ty đó, vì vậy, toàn bộ “trứng” không nên được bỏ vào cùng một “giỏ”, bạn cần đa dạng hóa để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Lời khuyên dành cho bạn là không nên đầu tư quá 10-15% danh mục đầu tư vào bất kì công ty nào bao gồm cả công ty bạn đang làm việc.
Đừng ngừng đóng bảo hiểm nhân thọ
Lập kế hoạch cho những tình huống xấu nhất luôn là điều bạn nên chuẩn bị trước và kĩ lưỡng, nhất là khi bạn đang ở độ tuổi trung niên. Hãy làm việc với các luật sư để có được di chúc, giấy ủy quyền và các giấy tờ chỉ thị liên quan. Điều này sẽ giúp các quyết định tương lai của bạn dễ thực hiện hơn trong trường hợp bạn chằng may đau ốm, mất khả năng lao động hay thậm chí qua đời. Tiếp theo, hãy đảm bảo rằng bạn có đủ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tàn tật, bảo hiểm lao động để đảm bảo cuộc sống cho gia đình khi bạn gặp điều không như ý.
Đừng cố theo kịp xu hướng chi tiêu của những người xung quanh
Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể biết được trạng thái của nhau thông qua mạng xã hội, bao gồm cả xu hướng chi tiêu của bạn bè và những người xung quanh. Bạn không có lý do gì để tiêu hết tài sản chỉ vì muốn bắt kịp bạn bè cả. Nếu bạn đã chi tiêu bằng hoặc cao hơn mức thu nhập của mình trong độ tuổi 20 và 30 chỉ với lý do này, thì đây là lúc thói quen đó cần được chấm dứt.
Chìa khóa đầu tiên để có được nền tảng tài chính tốt về lâu dài là chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn làm điều đó đủ lâu và tiết kiệm các khoản chênh lệch một cách khôn ngoan, bạn sẽ tự tạo cho bản thân nhiều sự lựa chọn hơn trong tương lai.
Đừng chần chừ, hãy lập kế hoạch tài chính cá nhân và thực hiện ngay hôm nay
Đừng khiến bản thân hối tiếc vì đã không bắt đầu kế hoạch đầu tư tài chính sớm hơn, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng bạn vẫn còn nhiều thời gian nên được phép chần chừ. Hãy lập kế hoạch tài chính cá nhân và thực hiện kế hoạch của bạn ngay bây giờ dù chỉ là một hành động nhỏ để có một tương lai tài chính tốt hơn. Trích một phần nhỏ trong khoản lương định kì của bạn sẽ tạo ra kết quả đáng ngạc nhiên trong tương lai. Bên cạnh đó, hãy thiết lập các mục tiêu ưu tiên. Ví dụ như bạn muốn sở hữu một ngôi nhà, hãy xem đó là mục tiêu ưu tiên và bắt đầu nghiên cứu xem cần bao nhiêu để trả số tiền mua nhà, sau đó lập kế hoạch tiết kiệm để đạt được mục tiêu đó.
Giống như gia đình hoặc sự nghiệp, kế hoạch tài chính cũng cần bạn dành thời gian và năng lực để phát triển. Hãy dành thời gian từ ngay bây giờ để bắt đầu hoặc đánh giá lại chiến lược bạn đang áp dụng. Đây không phải là một độ tuổi quá muộn để lập kế hoạch cho sự an toàn tài chính, nhưng bạn cần phải bắt đầu ngay bây giờ.