Top 3 khái niệm kinh tế vĩ mô cần biết
Các bộ môn kinh tế học có thể được tiếp cận theo nhiều cách. Ngoài phân chia theo các chủ đề như kinh tế học lao động, kinh tế học đô thị, kinh tế học cũng có thể được tiếp cận theo 2 loại hình kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
Trong khi kinh tế học vi mô đưa ra phân tích chi tiết về các quyết định của các cá nhân đối với các hàng hóa cụ thể ví dụ như tại sao các cá nhân ưa thích ô tô hơn xe đạp, thích mua DVD hơn mua sách, kinh tế học vĩ mô lại nhấn mạnh sự tác động qua lại trong toàn bộ nền kinh tế. Kinh tế học vĩ mô đơn giản hóa các cấu phần riêng lẻ để phân tích toàn bộ tác động qua lại của nền kinh tế.
Các nhà kinh tế vĩ mô phân chia hàng hóa trong nền kinh tế thành một giỏ hàng hóa chung gọi là "hàng hóa tiêu dùng" bởi họ muốn nghiên cứu sự tác động qua lại giữa hoạt động mua sắm của hộ gia đình đối với hàng hóa tiêu dùng và quyết định mua sắm của các doanh nghiệp đối với máy móc thiết bị và nhà xưởng.
Các khái niệm kinh tế vĩ mô liên quan đến toàn bộ nền kinh tế nên chúng phổ biến hơn so với các khái niệm kinh tế vi mô. Dưới đây là 3 khái niệm kinh tế vĩ mô cần biết:
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị tổng sản phẩm của một nền kinh tế trong một thời gian nhất định thông thường trong vòng 1 năm. Trong thời kì suy thoái kinh tế, GDP có thể giảm xuống hoặc tăng lên nhưng với tốc độ rất chậm.
GDP biểu thị một cách đầy đủ tất cả các hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường. Tuy nhiên, GDP không tính những sản phẩm được sản xuất ra và bán trong nền kinh tế ngầm như các loại dược phẩm bất hợp pháp. Những loại rau củ quả nằm trong các cửa hàng là một phần của GDP tuy nhiên nếu bạn tiêu dùng rau củ quả trong vườn nhà thì lại không nằm trong GDP.
Mức giá chung
Mức giá chung đo lường giá cả trung bình của các hàng hóa dịch vụ. Mức giá chung thường được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng CPI. CPI được dùng để theo dõi sự thay đổi của chi phí tiêu dùng theo thời gian.
Tuy giá cả của các hàng hóa, dịch vụ khác nhau có mức biến động khác nhau nhưng mức giá chung cho chúng ta biết điều gì xảy ra với giá cả trung bình. Khi mức giá này tăng lên tức là lạm phát xuất hiện.
Tỷ lệ thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm lực lượng lao động không có việc làm nhưng đang tìm kiếm công việc. Nói cách khác, lực lượng lao động là số người ở tuổi lao động có khả năng làm việc, mong muốn làm việc nhưng lại không tìm được việc làm. Một số người giàu có ở trong độ tuổi lao động nhưng không có nhu cầu tìm việc làm hoặc những người ốm yếu không có việc làm không nằm trong lực lượng lao động và cũng không được tính là thất nghiệp.
Thất nghiệp có thể được phân loại theo nhiều hình thức. Nhìn chung, thất nghiệp gây tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội, cá nhân người thất nghiệp và chính gia đình của họ.