Thứ ba, 19/03/2024, 10:09 AM
Đầu tư   •   Thứ sáu, 20/05/2022, 13:37 PM  •  20/05/2022, 13:37

Top 15 mã cổ phiếu ngân hàng có vốn hoá lớn nhất

Cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư bởi đây là nhóm ngành cơ bản của nền kinh tế và có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm bởi tài chính ngân hàng là nhóm ngành cơ bản của nền kinh tế. Ngay cả thời kỳ “bão lửa” trước đây, cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá là cổ phiếu phòng thủ an toàn. Bởi vậy, khi nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt sẽ tạo hiệu ứng tích cực để các nhà đầu tư ưu tiên mua vào nhóm cổ phiếu này.

Sau đây là các ngân hàng có vốn hoá lớn trên thị trường mà nhà đầu tư có thể quan tâm:

1. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của VCB đang đạt mức 357.305 tỷ đồng và ông Phạm Quang Dũng hiện đang đảm giữ chức chủ tịch HĐQT. Ngân hàng chính thức đi vào hoạt động ngày 01/04/1963. 

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại Cổ phần từ ngày 02/06/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Cổ phiếu của Vietcombank chính thức được niêm yết trên HoSE từ năm 2009.

Vietcombank hiện có gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/Đơn vị thành viên trong và ngoài nước gồm: Trụ sở chính tại Hà Nội; 116 Chi nhánh; 474 phòng giao dịch; 04 Công ty con ở trong nước (Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Kiều hối, Công ty Cao ốc Vietcombank 198); 03 Công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 01 Văn phòng đại diện tại TP. HCM; 01 Văn phòng đại diện tại Singapore, 01 Văn phòng đại diện tại Mỹ ; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại TP. HCM; 03 Công ty liên doanh, liên kết. Về nhân sự, Vietcombank hiện có trên 20.000 cán bộ nhân viên.

Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.500 máy ATM và trên 60.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.249 ngân hàng đại lý tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Vị thế của doanh nghiệp

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Top 500 Ngân hàng hàng đầu thế giới theo kết quả bình chọn do Tạp chí The Banker công bố.

Nhiều năm trở lại đây, Vietcombank là ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời luôn duy trì trong top 3 tổng tài sản và lượng tiền gửi không kỳ hạn trong thời gian qua.

Tiềm năng của doanh nghiệp

Theo Maybank Investment Bank, nhờ vào tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao và sức khoẻ tài chính tốt với ROE khoẻ mạnh, Vietcombank được xem là ngân hàng đại diện cho Việt Nam.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest, nhờ luôn duy trì được lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức thấp, cùng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao giúp cho Vietcombank trở thành ngân hàng có chi phí huy động vốn bình quân thấp nhất ngành. Đây là lợi thế cạnh tranh không nhỏ giúp Vietcombank tiếp cận được các khách hàng với chất lượng tín dụng tốt và gia tăng biên lãi thuần - chỉ số cho biết mức lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hóa được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 18,12

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 3,07

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 21,57%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,6%

2. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của BID đang đạt mức 175.024 tỷ đồng, ông Phan Đức Tú hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT. Giá trị vốn điều lệ đang đạt mức 50.585,4 tỷ đồng, với khối lượng 5.058.523.816 cổ phiếu đang được niêm yết. BIDV được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2014

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

BIDV tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính được thành lập vào năm 1957. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động và kinh doanh vốn và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan. BIDV chính thức hoạt động theo hình thức ngân hàng thương mại cổ phần từ năm 2012. 

Hệ thống BIDV hiện nay có 25.000 người lao động, 190 chi nhánh, hiện diện tại 63 tỉnh thành của Việt Nam và tại 6 nước khác. Các công ty con của BIDV gồm có: Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoViet Bank), Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BIC), Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVI), Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV (BIDV-SuMi Trust Leasing, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC)

Vị thế của doanh nghiệp

BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam tính theo quy mô tài sản và là doanh nghiệp đứng thứ 10 trong danh sách 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2018. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, BIDV được xếp vào loại hình công ty cổ phần với cổ đông Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chiếm cổ phần chi phối. 

BIDV là ngân hàng có hoạt động bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, BIDV đã tận dụng lợi thế của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - Hana Bank, triển khai 7 dự án bán lẻ quan trọng tập trung vào 3 nghiệp vụ bao gồm: dịch vụ cho khách hàng giàu có, tín dụng bán lẻ và chuyển tiền quốc tế.

BIDV đang sở hữu hơn 300 nghìn khách hàng doanh nghiệp và hơn 11,6 triệu khách hàng cá nhân đối trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường. 

Tiềm năng của doanh nghiệp

Quy mô huy động vốn của BIDV giữ vị trí đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, chi phí vốn được tiết giảm giúp gia tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 20,04

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,95

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 12,7%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 0,64%

3. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của TCB đang đạt mức 127.270 tỷ đồng, ông Hồ Hùng Anh hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT.

Được thành lập vào năm 1993. Techcombank được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ quý II năm 2018.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động và kinh doanh vốn, cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan. Đến nay, Techcombank đã cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho hơn 8 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua 1 trụ sở chính, 2 văn phòng đại diện và 309 điểm giao dịch tại 45 tỉnh thành trên cả nước.

Vị thế của doanh nghiệp

Techcombank là ngân hàng có ROA cao nhất toàn ngành ngân hàng, ở mức 3,1% và có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất hệ thống ngân hàng.

Tiềm năng của doanh nghiệp

Việc áp dụng công nghệ eKYC cho mở tài khoản online, cùng với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các tính năng, công cụ cho đầu tư trên nền tảng TCInvest đã giúp số lượng khách hàng mở mới tại TCBS tăng mạnh.

Đối với mảng thanh toán, Techombank tiếp tục duy trì vị thế trong lĩnh vực thanh toán thẻ và thanh toán điện tử (E-banking). Theo đó, năm 2020, với 3,8 triệu khách hàng sử dụng các dịch vụ FMB/FIB, chỉ riêng giao dịch thực hiện qua Ebanking của Techcombank đã đạt tới 383 triệu giao dịch và phần giao dịch thẻ nói chung của khách hàng cá nhân tại Techcombank cũng đạt hơn 69,5 triệu giao dịch. 

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 6,97

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,27

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 21,53%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 3,58%

4. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB)

Giá trị vốn hoá thị của VPB hiện đang đạt mức 136.698 tỷ đồng, ông Ngô Chí Dũng hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT.

VPBank tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, được thành lập vào năm 1993.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực huy động vốn và cho vay tín dụng. Bên cạnh đó, VPBank còn tham gia các hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, đầu tư tài chính, quản lý rủi ro và bảo toàn vốn. VPBank đã phát triển mạng lưới lên 233 chi nhánh / phòng giao dịch với đội ngũ gần 25.000 cán bộ nhân.

Vị thế của doanh nghiệp

VPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai eKYC – định danh khách hàng trực tuyến. Ngân hàng  được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service (Moody’s) nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực.

Tiềm năng của doanh nghiệp

Thời gian gần đây, VPBank tăng trưởng rất mạnh về lợi nhuận và vốn chủ sở hữu. Quý I/2022, VPBank là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống.

Mảng tín dụng tiêu dùng (FE Credit) có tệp khách hàng là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nhưng FE Credit vẫn bảo vệ tốt vị trí dẫn đầu trên thị trường. Ngân hàng cũng cho biết song song với nguồn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, VPBank cũng chủ động đa dạng các nguồn vốn trung dài hạn từ các tổ chức uy tín như Công ty tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức tài chính Proparco, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) với mức giá hợp lý và giảm bớt phụ thuộc vào nguồn huy động từ thị trường trong nước

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 11,5

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,42

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 16,86%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 2,43%

5. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của CTG đang đạt mức 126.871 tỷ đồng, ông Trần Minh Bình hiện đang là chủ tịch HĐQT.

VietinBank được thành lập từ năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2009.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

VietinBank hiện có 1 Sở giao dịch, 150 Chi nhánh và trên 1.000 Phòng giao dịch/ Quỹ tiết kiệm trải rộng trên toàn quốc. Ngân hàng có quan hệ đại lý với trên 900 ngân hàng, định chế tài chính tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. 

Vị thế của doanh nghiệp

VietinBank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 và là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng châu Á, Hiệp hội Tài chính viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), Tổ chức Phát hành và Thanh toán thẻ VISA, MASTERCARD quốc tế, là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam mở chi nhánh tại châu Âu, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền tài chính Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Tiềm năng của doanh nghiệp

Ngân hàng cho biết đã cơ cấu danh mục tín dụng, đa dạng hóa và ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng từng ngành, lĩnh vực kinh tế. 

Ngoài ra, VietinBank đã nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy bán sản phẩm hiệu quả, có thế mạnh như thị trường thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử cũng như đẩy mạnh chiến dịch về eFAST, eKYC.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 7,8

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,28

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 3,09%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 0,2%

6. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB, HoSE: MBB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của MBB đang đạt mức 102.392 tỷ đồng và ông Lê Hữu Đức hiện đang là chủ tịch HĐQT. Cổ phiếu MBB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2001.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

MB được thành lập từ năm 1994 với mục tiêu ban đầu là đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp quân đội. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động vốn, cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính liên quan. Bên cạnh thị trường truyền thống ban đầu, ngân hàng đã phát triển và đa dạng hóa nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng cho các đối tượng khách hàng khác nhau.

Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã có mạng lưới khắp cả nước với trên 100 chi nhánh và trên 190 điểm giao dịch trải dài khắp 48 tỉnh thành phố. Ngân hàng còn có văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, chi nhánh tại Lào và Campuchia

Vị thế của doanh nghiệp

Tổng giám đốc MB cho biết, số lượng khách hàng mới của năm 2021 gần bằng 26 năm cộng lại. Chuyển dịch số của MB đo bằng số lượng khách hàng được phục vụ trên nền tảng và giao dịch hiện đứng đầu thị trường. Các phân khúc khách hàng lớn, quan trọng đều tăng trưởng, đặc biệt phân khúc bán lẻ, cá nhân, bên cạnh đó, chỉ số về nợ xấu được kiểm soát tốt.

Theo nghiên cứu của MBS, CASA của MBB cũng ghi nhận ở top 2 thị trường trong các năm qua và luôn duy trì trong top 4 về quy mô.

Tiềm năng của doanh nghiệp

MB cho biết đã liên tục triển khai loạt dự án chuyển đổi số với loạt sản phẩm số nổi bật như: App MBBank, Biz MBBank, mô hình giao dịch tự động SmartBank, Smart RM… Gần đây, MB đẩy mạnh cung cấp số tài khoản đẹp cho khách hàng cá nhân, hay số tài khoản trùng với số điện thoại di động đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng và khách hàng.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 7,96

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,51

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 22,56%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 2,3%

7. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB, HoSE: ACB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của ACB đang đạt 78.356 tỷ đồng, ông Trần Hùng Huy hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT. Được thành lập năm 1993, ACB chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào 09/12/2021.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, kinh doanh vốn và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan. Mạng lưới giao dịch của ngân hàng gồm 350 chi nhánh/ phòng giao dịch, 11.000 máy ATM, 850 đại lý Western Union trên toàn quốc. ACB chú trọng kết hợp các công nghệ hiện đại nhằm nâng cấp hệ thống ATM, website, dịch vụ thanh toán khách hàng… liên tục cải tiến và tạo ra những dịch vụ đa dạng, tiện lợi cho khách hàng

Vị thế của doanh nghiệp

Nằm trong Top 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất khối ngân hàng đại chúng niêm yết. Các quy trình nghiệp vụ chính được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Công nghệ ACB bắt đầu trực tuyến hóa các giao dịch ngân hàng từ tháng 10/2001 thông qua hệ quản trị nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ (TCBS- The Complete Banking Solution), có cơ sở dữ liệu tập trung và xử lý giao dịch theo thời gian thực. ACB là thành viên của SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication).

Tiềm năng của doanh nghiệp

ACB ghi nhận tín dụng tăng trưởng cao sau trong thời gian gần đây, nhanh hơn mức tăng trưởng của toàn ngành. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với lợi thế nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào từ lợi nhuận giữ lại và việc đáp ứng sớm lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, ACB sẽ tiếp tục được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành trong các năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 8,18

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,99

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 23,90

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,6

8. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB, HoSE: VIB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của VIB đang đạt mức 40.304 tỷ đồng, ông  Đặng Khắc Vỹ hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT. VIB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ tháng 10/2020.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) được thành lập vào năm 1996. VIB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực huy động vốn, cho vay tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng còn tham gia các hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, đầu tư tài chính, quản lý rủi ro và bảo toàn vốn. VIB hiện có hơn 10.000 cán bộ nhân viên phục vụ gần 3 triệu khách hàng tại 165 chi nhánh và phòng giao dịch ở 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.

Vị thế của doanh nghiệp

Tỷ lệ CASA ở mức 11,9%. Tiền gửi khách hàng bằng 150,349 tỷ đồng, tăng 22,88% so với cùng kỳ. Chi phí huy động vốn bình quân (COF) bằng 4,61%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), đứng ở vị trí thứ 1 trong khối ngân hàng đại chúng niêm yết. 

Tiềm năng của doanh nghiệp

VIB đã ký kết thỏa thuận đối tác với Prudential Việt Nam, trở thành đối tác cùng triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (Bancassurance). Trước Bizverse, VIB cũng đã hợp tác với Fiza để cung cấp giải pháp mở thẻ dựa vào công nghệ eKYC cho người dùng Việt đang sử dụng nền tảng Zalo.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 6,34

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,54

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 30,33%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 2,31%

9. Ngân hàng Thương mại. Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của TPB đang đạt mức 50.458 tỷ đồng, ông Đỗ Minh Phú hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT. TPBank được thành lập vào năm 2008 và được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2018.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

TPBank có tổng cộng hơn 65 Chi nhánh/PGD đặt tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó nhiều nhất phải kể đến Hà Nội với 25 Chi nhánh/PGD, TP HCM với 19 Chi nhánh/PGD, Nghệ An với 2 Chi nhánh/PGD, ... và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Vị thế của doanh nghiệp

TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên công bố đáp ứng hoàn toàn các bộ yêu cầu về tuân thủ của Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9. TPBank được biết tới như một trong những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Tiềm năng của doanh nghiệp

TPBank nhận được hỗ trợ lớn từ các cổ đông chiến lược bao gồm Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn Công nghệ FPT, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd (Singapore), Công ty Tài chính Quốc tế IFC (trực thuộc World Bank) và quỹ đầu tư PYN Elite Fund.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 9,63

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,8

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 22,6%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,93%

10. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB)

Hiện tại, giá trị vốn hoá của STB đang đạt mức 41.003 tỷ đồng, ông Dương Công Minh hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT công ty.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Sacombank được thành lập vào năm 1991 trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp cùng với 03 hợp tác xã tín dụng là tân Bình, Thành Công và Lữ Gia. Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngân hàng này đã trải qua nhiều giai đoạn tái cấu trúc và hiện vẫn đang trong một giai đoạn tái cấu trúc sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.

Vị thế của doanh nghiệp

Theo công bố của ngân hàng, Sacombank là một trong những ngân hàng đạt tăng trưởng doanh số kiều hối cao nhất thị trường với 93% so với cùng kỳ, trở thành ngân hàng có doanh số kiều hối lớn với những đối tác hàng đầu thế giới như MoneyGram,Xoom, Ria, Remitly...

Tiềm năng của doanh nghiệp

Ngân hàng cho biết đang tăng cường đầu tư vào công nghệ. Cụ thế, Sacombank tiếp tục tối ưu nền tảng xử lý, hướng đến quản lý quy trình kinh doanh số BPM (Business Process Management) hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ Smart Queue, robot (RPA, Robotic Process Automation) nhập liệu và chữ ký số để tối ưu hiệu quả vận hành. 

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 13,34

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,16

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 10,79%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 0,67%

11. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB)

Hiện tại, giá trị vốn hoá của HDB đang đạt mức 49.299 tỷ đồng, ông Kim Byoungho hiện đang đảm giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng.

HDBank tiền thân là Ngân hàng Phát triển Nhà TP. HCM được thành lập vào năm 1989.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Ngân hàng có 308 chi nhánh/PGD và VPĐD, hơn 20.900 điểm giao dịch tài chính, 14.761 nhân viên phục vụ khoảng 11 triệu khách hàng. Liên kết và hợp tác với tập đoàn Sovico - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. 

Vị thế của doanh nghiệp

HDBank tập trung vào các mảng bán lẻ và SME, đang có tốc độ tăng trưởng cao. HDBank nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại HD Saison Finance, một trong 3 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam.

Tiềm năng của doanh nghiệp

HDBank tiến hành M&A mạnh mẽ với hai thương vụ thành công, khi mua lại Công ty tài chính Societe Generale Viet Finance trực thuộc tập đoàn Societe Generale (Cộng hòa Pháp) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiA Bank) để trở thành định chế tài chính lớn tại Việt Nam.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 8

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,49

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 21,82%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,75%

12. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB, HoSE: SHB)

Hiện tại, giá trị vốn hoá của SHB đang ở mức 38.936 tỷ đồng và ông Đỗ Quang Hiển hiện đang là chủ tịch HĐQT công ty.

Ngày 20/04/2009, SHB chính thức giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). 

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

SHB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông Thôn Nhơn Ái, được thành lập từ năm 1993. Hoạt động kinh doanh chính của SHB bao gồm huy động vốn, tiếp nhận vốn, cho vay, hùn vốn liên doanh, dịch vụ thanh toán. SHB đã phát triển mạnh mẽ với gần 8.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 537 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.

Vị thế của doanh nghiệp

SHB cho biết ngân hàng đã được xếp trong top các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế. 

Tiềm năng của doanh nghiệp

SHB bắt đầu tập trung nguồn lực vào triển khai dự án Big data, Data warehouse và Data analytic. SHB đã triển khai các giải pháp phần mềm như ERP, Planning & Bugetting, Profitability, ALM, FTP. SHB đã hoàn thành ICAAP sớm hơn 1 năm so với quy định của NHNN, đưa SHB trở thành 1 trong những NH đầu tiên đáp ứng đầy đủ 3 trụ cột của Basel II.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 6,86

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,02

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 16,81%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,09%

13. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB)

Hiện tại, giá trị vốn hoá của SSB đạt 57.512 tỷ đồng, ông Lê Văn Tần hiện đang đảm giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng. SSB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ tháng 12/2020.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

SeABank được thành lập vào năm 1994. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính liên quan. Thành lập từ năm 1994, hiện nay, vốn điều lệ của SeABank là 14.785 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 212 nghìn tỷ đồng và một mạng lưới hoạt động trên khắp 3 miền đất nước với gần 180 chi nhánh và điểm giao dịch.

Vị thế của doanh nghiệp

SeABank là một trong 5 ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn quy định; được Moody’s xếp hạng tín nhiệm mức B1. Hệ thống đối tác của SeABank được đánh giá cao với các công ty tầm cỡ như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tập đoàn BRG, Prudential Việt Nam, Sumitomo Việt Nam,...

Tiềm năng của doanh nghiệp

Kho bạc Nhà nước lựa chọn SeABank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên, thực hiện triển khai thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử; SeABank cũng được kết nối với Tổng cục Hải quan triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 20,28

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,54

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 16,12%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 1,33%

14. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của EIB đang đạt mức 45.734,90 tỷ đồng, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang giữ chức chủ tịch HĐQT.

Eximbank được thành lập vào năm 1989 và được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2009.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

Eximbank có địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước với trụ sở chính đặt tại TP. HCM và 207 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc và đã thiết lập quan hệ đại lý với 869 ngân hàng tại 84 quốc gia trên thế giới. 

Vị thế của doanh nghiệp

Eximbank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit.  Eximbank trở thành thành viên chính thức của tổ chức thẻ Mastercard, một trong những tổ chức thẻ lớn và uy tín trên thế giới hiện nay. Trải qua gần 15 năm hợp tác, Eximbank và Mastercard đã triển khai nhiều dòng sản phẩm thẻ cũng như nhiều tiện ích trong dịch vụ phát hành - thanh toán thẻ.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 38,73

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,03

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 5,58%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 0,59%

15. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB, HoSE: MSB)

Hiện nay, giá trị vốn hoá của MSB đang đạt 29.939 tỷ đồng với ông Trần Anh Tuấn đang giữ chức chủ tịch HĐQT. MSB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ tháng 12/2020.

Năng lực hiện có của doanh nghiệp

MSB được thành lập vào năm 1991 theo Giấy phép hoạt động số 0001/NH-GP của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính liên quan. MSB đã phát triển mạng lưới trên toàn quốc với 01 hội sở chính, 62 chi nhánh và 201 phòng giao dịch. Ngân hàng đã thiết lập mối quan hệ đại lý với hơn 500 ngân hàng tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vị thế của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, MSB là ngân hàng đầu tiên xin được giấy phép thanh toán quốc tế và là ngân hàng đầu tiên ứng dụng mạng máy tính LAN và WAN nhằm rút ngắn thời gian chuyển tiền. MSB chính thức được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Xếp hạng Tiền gửi dài hạn (cả nội tệ và ngoại tệ) và Nhà phát hành của MSB được nâng từ B2 lên B1, đồng thời Triển vọng của hai hạng mục này đều được đánh giá là “Ổn định”. Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA đã điều chỉnh được nâng hạng từ b3 lên b2.

Các chỉ tiêu tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 7,25

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,3

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 20,74%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA): 2,12%

Huy Hoàng

Chỉ số VN-Index có thể tích lũy quanh vùng 1.235-1250 điểm

Đầu tư   •   Thứ năm, 14/03/2024, 13:50 PM
Chứng khoán AIS dự báo, trong phiên tiếp theo, chỉ số VN-Index có thể tích lũy quanh vùng 1.235-1.250 điểm để kiểm định lại cung cầu ngắn hạn.

Giá vàng giảm sốc gần 2 triệu đồng/lượng, người mua lỗ nặng

Đầu tư   •   Thứ năm, 14/03/2024, 13:50 PM
Vàng SJC giảm mạnh 1,5 triệu đồng/lượng, cùng lúc đó, vàng nhẫn lao dốc tới 2 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua. Người mua lỗ ngay 4 triệu đồng chỉ sau một ngày.

Phó thủ tướng: Mong doanh nghiệp bất động sản bán nhà giá phù hợp

Đầu tư   •   Thứ ba, 12/03/2024, 16:49 PM
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư tính toán chi phí, đưa ra các sản phẩm nhà ở có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, lợi nhuận hợp lý, hài hòa lợi ích với nhà nước, người dân.

Hải Phòng: Tìm chủ đầu tư cho Dự án khu đô thị hơn 4.800 tỷ đồng

Đầu tư   •   Thứ ba, 12/03/2024, 16:49 PM
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa có thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương.

VNDirect: Nhà đầu tư nên thận trọng khi mua mới

Đầu tư   •   Thứ ba, 12/03/2024, 16:49 PM
Nhóm phân tích VNDirect cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng trong khi việc thực hiện các giao dịch mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy (vay margin) cao.