Thứ bảy, 23/11/2024, 14:15 PM
Tài chính cá nhân   •   Thứ ba, 10/05/2022, 17:58 PM  •  10/05/2022, 17:58

Top 9 cổ phiếu ngành thủy sản đáng chú ý

Các cổ phiếu ngành thủy sản nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư bởi là một những ngành được xác định là mũi nhọn quốc gia.

Theo Tổng Cục Thủy sản, ngành thủy sản được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ. Cụ thể, nhu cầu toàn cầu có thể sẽ tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, song bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng trong doanh thu và tình hình kinh doanh dần chuyển biến tích cực, dòng tiền đổ vào các cổ phiếu ngành thủy sản vẫn được dự báo khả quan.

Sau đây là 9 cổ phiếu ngành thủy sản mà nhà đầu tư có thể quan tâm:

VHC hoạt động chính trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá Tra, Basa đông lạnh

1. Cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn được thành lập vào năm 1997. Ngày 24/12/2007, VHC chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). VHC được dẫn dắt bởi Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh.

Hiện giá trị vốn hoá của VHC đang ở mức trên 18.000 tỷ đồng.

Năng lực hiện có của công ty

Công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra, basa đông lạnh với các sản phẩm chính là cá tra, basa, lóc, rô phi, phi lê mang thương hiệu Vĩnh hoàn. Công suất đầu ra đạt 1.000 tấn phi lê nguyên liệu/ngày. VHC đã nâng công suất nhà máy C&G từ 2.000 lên 3.500 tấn/năm để đáp ứng nhu cầu được dự đoán tăng cao. 

Vị thế của công ty

VHC là công ty dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam từ năm 2010 đến nay, chiếm thị phần 15% của toàn ngành. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại các chuỗi bán lẻ danh tiếng như Walmart, Target, Trader Joe, và Kroger, và được phân phối bởi các công ty về dịch vụ thực phẩm hàng đầu của Mỹ như Sysco, Gordon Food Service, US Foods.

VHC cũng đang dẫn đầu trong số lượng các vùng nuôi đạt chứng nhận tại Việt Nam với diện tích vùng nuôi đạt chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC), Best Aquaculture Practices (BAP), Global Good Agricultural Practice (GlobalGAP) lần lượt đạt 180 ha, 135 ha, và 155 ha.

Tiềm năng của công ty

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với việc ký kết và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), giá trị xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới do các chính sạch ưu đãi thuế quan cho các nhà xuất khẩu thủy sản. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất chế biến thủy sản. VHC với tư cách là doanh nghiệp đầu ngành sẽ là bên hưởng lợi trực tiếp từ điều này.

Mặt khác, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng mô hình kinh tế tuần hoàn với các dự án như nhà máy thức ăn chăn nuôi, khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao cũng như mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng sẽ giúp VHC gia tăng sản lượng cá tự nuôi, giảm các chi phí đầu vào, hạn chế ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu trên thị trường, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm nhưng lại thuận tiện cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 12,2

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 3

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 19,87%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 13,79%

MPC tập trung vào kinh doanh xuất khẩu thủy sản với mặt hàng chính là tôm đông lạnh

2. Cổ phiếu MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) tiền thân là Xí nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú, được thành lập năm 1992. MPC được giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 10/2017. 

Hiện giá trị vốn hoá thị trường của MPC ở mức trên 7.800 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT MPC là bà Chu Thị Bình.

Năng lực hiện có của công ty

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến kinh doanh xuất khẩu thủy sản với mặt hàng chính là tôm đông lạnh. MPC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2006. 

MPC sở hữu Nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau với công suất 36.000 tấn/năm, Nhà máy chế biến thủy sản tại Hậu Giang với công suất 40.000 tấn/năm, vùng nuôi thủy sản công nghiệp tại Kiên Giang với quy mô 600 ha, vùng nuôi thủy sản tại Vũng tàu với diện tích 300 ha, và vùng nuôi thủy sản sinh thái tại Cà Mau với diện tích 320 ha

Vị thế của công ty

Công ty là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global Gap. MPC là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Công ty là một trong 171 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trưởng EU và là công ty duy nhất có ký quỹ để xuất hàng theo hình thức DDP vào Mỹ thông qua Công ty Mseafood. Công ty là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global Gap về nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu.

Tiềm năng của công ty

MPC đang triển khai dự án Khu phức hợp trên 10.000 ha đất tại tỉnh Kiên Giang, với tổng mức đầu tư là 50.000 tỷ đồng. Khu phức hợp dự kiến sẽ mất khoảng 6 năm để triển khai các hạng mục như hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội, công nghệ, sàn giao dịch tôm, nuôi trồng và phụ phẩm sau khi dự án được phê duyệt. Hạng mục sản xuất con giống và thức ăn được triển khai sau 1 năm. Hạng mục chế biến và thương mại triển khai sau 2 năm với công suất nhà máy đầu tiên trên 40 ngàn tấn tôm thành phẩm/năm và sẽ nâng lên 200 ngàn tấn/năm trong.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng chuỗi dự án Nhà máy chế biến thủy sản tại khu công nghiệp Khánh An với tổng công suất 57.000 tấn/năm, sẽ giúp MPC đón đầu cơ hội gia tăng nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu trong thời gian tới.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 12,2

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,5

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 11,87%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 6,94%

ANV hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản.

3. Cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt

Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico, HoSE: ANV)tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993.

Hiện nay, giá trị vốn hoá của ANV ở mức trên 6.000 tỷ đồng. Ông Đỗ Lập Nghiệp hiện đang đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của công ty. 

Năng lực hiện có của công ty

Công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản. ANV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006. ANV hiện đang sở hữu vận hành 3 nhà máy chế biến thủy sản, bao gồm Nhà máy Chế biến Thủy sản Ấn Độ Dương với công suất 400 tấn nguyên vật liệu/ngày, Nhà máy Chế biến Thủy sản Thái Bình Dương với công suất 90 tấn nguyên vật liệu/ngày và Nhà máy Thủy sản Nam Việt với công suất 70 tấn nguyên vật liệu/ngày. 

Vị thế của công ty

Công ty hiện áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm theo HACCP, GMP, SQF, sản phẩm của Công ty đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới như Nga, EU, Trung quốc, Úc. 

ANV xuất khẩu cá tra đông lạnh tới hơn 100 thị trường trên khắp thế giới. Sau khi việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó khăn kể từ khi có dịch Covid-19, thì Thái Lan đang là quốc gia tiêu thị sản phẩm của ANV nhiều nhất, theo sau là Mexico và Brazil.

Tiềm năng của công ty

Nhà máy C&G của công ty được khởi công vào tháng 12/2021. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các sản phẩm Collagen và Gelatin được kỳ vọng sẽ đóng góp vào 10% lợi nhuận của công ty. Dự án này là một phần trong tổ hợp chuỗi hệ thống sản xuất khép kín quy mô lớn của Navico, từng bước chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm giá trị gia tăng có hàm lượng kỹ thuật cao. 

Mỹ là thị trường có mức giá bán cá tra đông lạnh cao hơn hẳn các thị trường khác nên việc tái gia nhập thị trường này sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp. Công ty cho biết có thể xuất khẩu ít nhất 50-70 containers/tháng sang Mỹ, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu hàng tháng.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 22,7

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,7

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 5,51%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 2,65%

Các hoạt động chính của IDI gồm nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu cá tra và các sản phẩm phụ liên quan

4. Cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HoSE: IDI) được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 29 tỷ đồng và chính thức giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ ngày 30/06/2011.

Hiện nay, giá trị vốn hoá của IDI ở mức trên 5.400 tỷ đồng. Công ty do ông Lê Thanh Thuấn làm Chủ tịch HĐQT.

Năng lực hiện có của công ty

Hoạt động chính của công ty liên quan chủ yếu đến việc đầu tư và kinh doanh Cụm công nghiệp Vàm Cống tại huyện Lấp Vò tình Đồng Tháp với quy mô rộng khoảng 23 ha cũng như đầu tư sản xuất các nhà máy nằm trong cụm công nghiệp này.

Các hoạt động bao gồm nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu cá tra và các sản phẩm phụ, sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra. Ngoài ra, công ty còn sở hữu nhà máy chế biến thủy sản số 1 với công suất thiết kế 600 tấn nguyên liệu/ngày. Vùng nuôi cá tra của công ty đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP, ASC, BAP với 6 ha tại An Giang và 10 ha tại Đồng Tháp.

IDI hiện quản lý Khu công nghiệp Sao Mai rộng gần 30 ha, được quy hoạch gồm Nhà máy Chế biến bột cá - mỡ cá xuất khẩu, Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai, Nhà máy tinh dầu ăn từ cá. Trong đó, riêng mảng chế biến cá, IDI có hai nhà máy với 3 phân xưởng chế biến, tổng công suất 450 tấn cá nguyên liệu/ngày, 2 kho trữ hàng cấp đông có sức chứa hàng ngàn tấn.

Vị thế của công ty

IDI hiện được xếp vào top 5 công ty chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Công ty có nhà máy tinh luyện dầu cá với công suất thiết kế 100 tấn dầu cá thô/ngày với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

IDI có thị phần lớn ở các thị trường Mỹ Latinh như Mexico, Brazil. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico được báo cáo chiếm hơn 22% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Công ty. Ở thị trường lớn khác là Trung Quốc, giá cá xuất khẩu cũng tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ.

Tiềm năng của công ty

Với diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của IDI lên tới 400 ha, trong đó nông dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học và được thu mua sản phẩm đầu ra. Lãnh đạo IDI cho biết, Công ty hoàn toàn chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy. Công ty cũng cho biết đã chi ra hơn 400 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng dự án bất động sản Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang với diện tích gần 130 ha.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 17,2

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,7

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 4,45%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 1,79%

5. Cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) thành lập năm 1996, năm 2003 chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, năm 2006 cổ phiếu của công ty niêm yết và giao dịch tại HoSE.

Giá trị vốn hoá của FMC hiện đang ở mức trên 4.100 tỷ đồng. Người dẫn dắt FMC là Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực.

Năng lực hiện có của công ty

Hoạt động kinh doanh chính là Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ tôm chiếm hơn 96% doanh thu. Các sản phẩm chính của công ty là tôm tươi, tôm Nobashi, tôm tẩm bột, tôm hấp, trong đó tôm tươi chiếm tỉ trọng lớn nhất với 37,02%, sau đó là tôm Nobashi 27,13%. FMC có vùng nuôi tôm riêng rộng 270 hecta, đạt chuẩn BAP, ASC.

Vị thế của công ty

Thị trường tiêu thụ truyền thống của công ty là Nhật và Mỹ. Hiện FMC đang mở rộng và khôi phục tại các thị trường EU, Nga và Hàn Quốc. Công ty được ưu đãi thuế từ Nhật và mức thuế thấp tại Mỹ (thuế chống bán phá giá gần bằng 0). FMC đã đặt được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ; đồng thời giữ một thị phần khá tốt ở Hàn Quốc, Úc

Tiềm năng của công ty

Hiệp định EVFTA đưa mức thuế xuất khẩu tôm về 0% hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp này trong việc mở rộng xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, FMC đã tiến hành xây dựng 2 nhà máy chế biến tại Sóc Trăng với tổng công suất 20.000 tấn/năm, tương đương 100% công suất chế biến năm 2019, với mức đầu tư 400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và hoạt động 100% công suất vào năm 2025.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 15,1

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,1

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 17,47%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 12,11%

CMX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy và chế biến các sản phẩm thủy sản.

6. Cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group

Tiền thân là Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau được thành lập năm 1977, Công ty Cổ phần Camimex Group (HoSE: CMX) được chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào ngày 09/11/2010.

Hiện nay, giá trị vốn hoá của công ty đang đạt 1.800 tỷ đồng, ông Bùi Sĩ Tuấn đang đảm nhận chức chủ tịch HĐQT công ty.

Năng lực hiện có của công ty

CMX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy và chế biến các sản phẩm thủy sản. Hàng năm, CMX sản xuất và xuất khẩu trên 10.000 tấn thủy sản ra thị trường thế giới với giá trị hơn 60 triệu đôla Mỹ. Ba nhà máy hiện đại của CMX được trang bị các thiết bị chế biến hiện đại nhất nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Mỹ. Quy trình quản lý chất lượng của công ty theo tiêu chuẩn GMP, SSOP, HACCP và ISO, BAP đã được áp dụng và liên tục cải tiến tại các nhà máy chế biến.

Camimex Group có 3 nhà máy nằm trên diện tích gần 4,5ha tọa lạc tại tỉnh Cà Mau với 2.500 công nhân có tay nghề kỹ thuật cao, tổng công suất của ba nhà máy là hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm. Hệ thống kho lạnh có sức chứa 2.000 tấn, tọa tại TP. Cà Mau và TP. HCM.

Vị thế của công ty

CMX là công ty duy nhất ở Việt Nam được chứng nhận bởi Naturland để chế biến tôm sinh thái và sản phẩm tôm sinh thái của CMX đã được nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển kể từ năm 2002. Hàng năm, CMX chế biến và xuất khẩu trên 10.000 tấn thủy sản có giá trị hơn 60 triệu USD ra khắp nơi trên thế giới. CMX là công ty sở hữu vùng nuôi sinh thái đầu tiên trên thế giới đạt tiêu chuẩn Châu Âu 834/07 và 889/08. 

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 23,9

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,4

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 7,35%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 3,48%

Sản phẩm chính của ACL là cá tra chế biến bao gồm cá tra phi lê trắng và cá tra IQF hồng.

7. Cổ phiếu ACL của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) được thành lập năm 2003 và chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ ngày 05/09/2007.

Hiện tại, giá trị vốn hoá thị trường của ACL đạt trên 1.400 tỷ đồng. Bà Trần Thị Vân Loan đang giữ chức chủ tịch HĐQT công ty. 

Năng lực hiện có của công ty

Hoạt động chính của công ty là chế biến và xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm chính của ACL là cá tra chế biến bao gồm cá tra phi lê trắng và cá tra IQF hồng. Nhà máy của ACL có công suất chế biến khoảng 250 tấn cá nguyên liệu/ngày, tương đương khoảng 25.000 tấn cá thành phẩm/năm. ACL có trang trại nổi tiếng và hàng đầu trong lĩnh vực nuôi cá tra tại Việt Nam, với diện tích nuôi hơn 100 ha, sản lượng khoảng 35.000 tấn nguyên liệu/năm cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy.

Vị thế của công ty

Sản phẩm của ACL được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia khác trên thế giới như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, EU (Ba Lan, Pháp), Ageria, Mỹ, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện công ty là một trong những nhà cung cấp sản phẩm cá tra cho hệ thống siêu thị Walmart toàn cầu. ACL có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tiềm năng của công ty

Bộ Công nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn, cung cấp giống chất lượng cao cho các cơ sở, doanh nghiệp nuôi trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp có dự án tham gia vào Đề án cá tra 3 cấp; triển khai thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung tỉnh An Giang”. ACL sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc được đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như quy trình sản xuất trong thời gian tới.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 15,2

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 6,01%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 2,7%

ABT hiện có vùng nuôi cá tra đạt cấp chứng nhận GlobalGAP lớn nhất Châu Á với diện tích 43,5 ha

8. Cổ phiếu ABT của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) tiền thân là Xí Nghiệp Đông Lạnh thành lập năm 1977 và chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào ngày 25/12/2006.

Giá trị vốn hoá hiện tại của ABT ở mức 470 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Khải hiện đang đảm nhận chức chủ tịch HĐQT công ty. 

Năng lực hiện có của công ty

Hoạt động chính của công ty là chế biến và xuất nhập khẩu các loại thủy sản mang thương hiệu AQUATEX BENTRE. Trong đó 2 loại sản phẩm chính là nghêu và cá tra chiếm trên 90% doanh thu. Công ty có diện tích vùng nuôi lên tới 60 ha. Công ty hiện có vùng nuôi cá tra đạt cấp chứng nhận GlobalGAP lớn nhất Châu Á với diện tích 43,5 ha cung cấp 15.000 tấn cá tra thịt/năm.

ABT có một nhà máy có mã DL 22 và nhà máy này được chia thành hai xưởng song song: Xưởng chế biến ngao trắng và Xưởng chế biến cá tra. 

Vị thế của công ty

ABT là doanh nghiệp thứ 2 của Việt Nam và thế giới được cấp chứng nhận GlobalGAP cho cá tra Pangasius. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến 35 nước, lãnh thổ trên thế giới với mức chất lượng được tất cả các khách hàng và thị trường chấp nhận. Sản phẩm của công ty có mặt tại Châu Âu, Nhật, Mỹ, Thụy Điển, Hy Lạp, Mexico, Libăng, Israel, Dominica và Ả rập...

Quy trình sản xuất nghêu của công ty được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn MSC CoC đầu tiên tại Việt Nam.

Tiềm năng của công ty

Hiện nay, theo UBND tỉnh Bến Tre, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Bến Tre phát triển mạnh, diện tích nuôi tôm biển 41.200 ha, trong đó nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đạt 11.030 ha, diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 1.650 ha, sản lượng 70.280 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đang có các dự án mới nhăm tăng sản lượng nuôi trồng các loại tôm và thủy sản. ABT sẽ hưởng lợi từ việc đảm bảo sản lượng nguồn đầu vào.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 19,1

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,1

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 8,15%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 5,94%

Một trong những mặt hàng chính của AAM là cá phi lê

9. Cổ phiếu AAM của Công ty Cổ phần Thủy sản MeKong

Công ty Cổ Phần Thủy Sản Mê Kông (AAM) tiền thân là Xí nghiệp Rau quả đông lạnh xuất khẩu Hậu Giang được thành lập vào năm 1979 và được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2009.

Hiện nay, giá trị vốn hoá của AAM đang ở mức 138 tỷ đồng. Ông Lương Hoàng Mãnh đang đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT công ty.

Năng lực hiện có của công ty

Từ năm 2002, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. AAM là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến xuất khẩu nông sản, thủy sản ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long - một khu vực có thế mạnh về nuôi trồng và kinh doanh nông thủy sản của cả nước hiện nay với các sản phẩm chính là cá tra phi lê (có tổng công suất chế biến 9.000 tấn/năm), bạch tuộc (có tổng công suất chế biến 1.000 tấn/năm), mực cá đuối đông lạnh xuất khẩu và thủy sản khác xuất khẩu. Công ty hiện có 1 nhà máy với 3 phân xưởng chế biến. 

Vị thế của công ty

Hiện tại, Thủy sản Mekong đứng ở vị trí thứ 15 trong số 168 công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Mỗi năm, Mekongfish Co sản xuất và cung cấp hơn 5.000 tấn cá tra đông lạnh cho cả thị trường trong nước và quốc tế như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Romania, Ukraine, Colombia, Hungary, Dubai, Ai Cập, Brazil, Mexico,...

Tiềm năng của công ty

Thủy sản Mekong nằm ngay trong vùng nguyên liệu cá tra (trong bán kính 30km) nên rất thuận lợi trong việc thu mua nguyên liệu, nuôi trồng thủy hải sản và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, công ty đã thực hiện đầu tư thêm 2 máy cấp đông IQF công suất 500kg/giờ và kho lạnh 2.500 tấn để nâng công suất chế biến từ 80 tấn nguyên liệu/ngày lên 130 tấn nguyên liệu/ngày.

Các chỉ số tài chính

Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 40,5

Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 0,8

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 0,12%

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 0,11%

Trong thời gian gần đây, do các tác động tiêu cực từ nhiều khía cạnh khác nhau, việc chi phí xuất khẩu, khai thác tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU…vẫn được duy trì khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường; các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng. Các cổ phiếu ngành thủy sản cũng vì thế nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư. Trên thực tế, các cổ phiếu ngành thủy sản và các cổ phiếu liên quan đã ghi nhận mức tăng mạnh trong thời gian vừa qua. 

Cũng theo VASEP, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…) có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác như: Nhật Bản, Thái Lan, Philippines,… Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động đàm phán, thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước trong khu vực và quốc tế trong hợp tác nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi thủy sản,...

Huy Hoàng

Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:14 PM
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%.

FSC: Rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn ở mức cao

Đầu tư   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:14 PM
Chỉ báo tâm lý tăng lên gần vùng lạc quan quá mức hôm 28/5, dấu hiệu cho thấy rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn cao, theo FSC.

VN-Index "bay màu" gần 9,1 điểm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:13 PM
VN-Index giảm gần 9,1 điểm (tương đương 0,71%) xuống còn 1.272,6 điểm. Toàn sàn HoSE có 260 mã giảm so với 182 mã tăng và 61 mã đi ngang.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ xử lý vướng mắc trong sử dụng xác thực bằng sinh trắc học

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:13 PM
Ngân hàng Nhà nước vừa có hướng dẫn một số nội dung triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đáng chú ý là nội dung về xác thực sinh trắc học.

Tập đoàn Bảo Việt dự tính cổ phần hóa 2 công ty con trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ

Bảo hiểm   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:11 PM
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Tập đoàn Bảo Việt cho biết đang bước đầu thực hiện quá trình cổ phần hoá hai công ty con trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ.