Nhận định cổ phiếu ngày 14/3: GAS, VPB và CTG
VNDirect: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu 45.800 đồng
Trong năm 2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) có biên độ lãi ròng (NIM) đạt 7,63%, cao nhất trong các ngành và tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE) đạt 8%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 4,47% vào cuối năm 2021, từ mức 3,4% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ ở mức 1,5% trong khi FE Credit ước tính đạt 13,6%.
Sau thương vụ thoái vốn tại FE Credit và mang về khoảng 20.352 tỷ đồng, nâng tổng thu nhập ngoài lãi năm 2021 tăng vọt lên 457% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 39,2% vào tổng thu nhập hoạt động, VPB đang trong tiến trình trở thành ngân hàng số xoay quanh việc VPBank Neo được đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2021. Đây là một nền tảng cho các dịch vụ tài chính tích hợp trong hệ sinh thái của VPB, phục vụ cá nhân và các doanh nghiệp.
VPB cũng mở rộng hệ sinh thái bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các Fintech, ngân hàng hàng di động và các doanh nghiệp bán lẻ khác. Ngoài ra, VPB mua lại Công ty Cổ phần chứng khoán VPBank (tên cũ là Công ty Cổ phần chứng khoán ASC) và nâng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng.
Thu nhập ngoài lãi của VPB được dự kiến tăng 17% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ đa dạng hóa nguồn thu nhập từ các công ty con. Kể từ năm tài chính 2022, ngân hàng có thêm khoản thu nhập mới từ công ty con- Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank và đầu tư nâng vốn điều lên lên gần 9.000 tỷ đồng, cao thứ 3 trên thị trường công ty chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2022 với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỷ đồng.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VPB của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GAS, giá mục tiêu 128.500 đồng
Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam- Công ty Cổ phần (HoSE: GAS) được dự tính sẽ tăng mạnh 29,2% so với năm 2021 với giả định sản lượng bán phục hồi 16,8% so với năm 2021. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kép của GAS cũng được dự tính đạt 21,4% trong giai đoạn 2021-2026 nhờ lợi nhuận cao hơn từ mảng vận tải bù đắp cho lợi nhuận thấp hơn từ mảng khí khi các mỏ khí giá rẻ hết trữ lượng. Lợi nhuận từ mảng vận tải (LNG) được kì vọng sẽ tăng gấp đôi và đóng góp khoảng 70% vào lợi nhuận ròng của GAS vào năm 2026 so với khoảng 40% vào năm 2021.
Năm 2021, sản lượng tiêu thụ của GAS giảm 18,3% so với năm 2020 do doanh thu bán khí cho các nhà máy điện giảm 24,9% so với năm 2020, trong khi nhu cầu khí từ các khu công nghiệp tăng mạnh. Trong năm 2022, nhu cầu khí đốt được dự tính sẽ tăng trở lại 16,8% so với năm 2021 và bằng khoảng 84% so với mức trước dịch Covid-19 và điều này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhu cầu từ các nhà máy điện và khách hàng công nghiệp.
Ngoài ra, GAS dự kiến trạm LNG Thị Vải sẽ đi vào hoạt động trong quý III năm 2022. Theo GAS, việc xây dựng cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành 90% vào cuối năm 2021. GAS dự kiến cảng LNG Thị Vải sẽ bắt đầu hoạt động trong quý III năm 2022 và đã ký kết 6 thỏa thuận mua bán LNG với các nhà cung cấp LNG. Trạm khí này sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào đầu năm 2023 với mức đóng góp lợi nhuận ròng trung bình khoảng 10% trong năm 2023-2031.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu GAS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại đây.
ACBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG, giá mục tiêu 40.700 đồng
Trong năm 2021, lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (HoSE: CTG) đạt 35.970 tỷ đồng và tăng trưởng 23,1% so với năm 2020 nhờ biên độ lãi ròng NIM tăng 16 điểm cơ bản do lãi suất huy đông duy trì ở mức thấp và CASA cải thiện 0,5 điểm phần trăm lên 20,1%; Tăng trưởng tốt ở tất cả các mảng kinh doanh trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lần lượt 17,6% và 16,7% so với năm 2020 cùng với đó là chi phí hoạt động được kiểm soát tốt.
Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế của CTG chỉ tăng nhẹ 3% và chỉ đạt 17.589 tỷ đồng do nền kinh tế bị phong tỏa chặt trong quý III năm 2021 do đợt dịch Covid-19 thứ 4 khiến chất lượng tài sản của CTG bị suy giảm. Nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu do Covid-19 đều gia tăng kể từ cuối quý II năm 2021 khiến CTG phải trích lập dự phòng oử mức cao và tăng 51,3% so với năm 2020; CTG đã cắt giảm lãi vay tới 1% trong nửa cuối năm 2021 tương đương 2.259 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch và khoản thu nhập từ phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife chưa được hạch toán trong năm 2021.
Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế của CTG được dự tính sẽ đạt 25.257 tỷ đồng và tăng trưởng 43,6% với động lực tăng trưởng đến từ nền kinh tế phục hồi từ quý IV năm 2021 giúp cải thiện chất lượng tài sản của CTG và giảm áp lực trích lập dự phòng, áp lực trích lập dự phòng gần như không còn: Thu nhập lãi thuần của CTG không gặp áp lực do quy mô các gói ưu đãi lãi vay giảm bớt so với năm 2021, nhu cầu tín dụng ở mức cao và CASA tiếp tục được cải thiện và thu nhập từ phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife có thể sẽ được hạch toán trong quý I năm 2022.