Thứ năm, 28/03/2024, 15:26 PM
Tài chính cá nhân   •   Thứ bảy, 16/10/2021, 12:04 PM  •  16/10/2021, 12:04

10 kỹ năng quản lý tài chính cá nhân nên biết càng sớm càng tốt

Nắm bắt được các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là một lợi thế giúp bạn ít phải lo nghĩ về cuộc sống tương lai, cho dù thu nhập của bạn không hẳn ở mức cao.

Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân rất quan trọng với không chỉ người trưởng thành mà còn với cả học sinh, sinh viên

Hãy tưởng tượng mà xem, khi đến một độ tuổi nào đó, bạn sẽ hồi tưởng về những điều tuổi trẻ đã trải qua từ việc kết hôn, xây nhà, có con và xây dựng sự nghiệp. Bạn sẽ thấy bản thân có thành công, nhưng cũng mắc phải nhiều sai lầm đặc biệt là khi liên quan đến tài chính.

Cho dù bạn là người có kĩ năng quản lý tài chính cá nhân kém, có thói quen mua sắm quá tay và thường chi tiêu vượt quá khả năng của bản thân, bạn cũng có thể hưởng lợi từ việc hiểu rõ những bài học kinh nghiệm về tài chính cá nhân. Hãy tiếp thu ngay 10 kỹ năng quản lý tài chính cá nhân sau đây bởi dù đang ở độ tuổi nào, bạn vẫn có thể cải thiện thói quen tài chính của mình.

Làm những điều có ích cho bạn chứ không phải làm theo điều người khác muốn

Ví dụ như bạn là một người phóng khoáng còn chồng bạn thì ngược lại, luôn muốn chi tiêu cho những thứ thật cần thiết, hai bạn có một tài khoản ngân hàng chung bởi vì cha mẹ bạn cũng đã làm như vậy. Sau một quãng thời gian, thói quen tiêu tiền khác nhau khiến bạn và chồng nảy sinh tranh cãi. Điều bạn cần làm là gì?

Hãy duy trì các tài khoản ngân hàng riêng biệt. Các tài khoản riêng cho phép bạn tự do chi tiêu theo mong muốn của bản thân và khiến chồng bạn yên tâm hơn trong việc quản lý tài khoản chung của hai người. Đương nhiên, tìm ra cách quản lý tiền bạc phù hợp với cả hai là điều tốt, nhưng nếu muốn thoải mái, hãy quản lý tiền của bạn theo cách phù hợp với bản thân.

Tiết kiệm để nghỉ hưu ngay từ bây giờ

Đừng tiêu hết tiền lương mà bạn kiếm được hàng tháng và dừng ngay suy nghĩ rằng bạn vẫn còn trẻ, tiết kiệm để nghỉ hưu là dành cho những người lớn tuổi. Có thể bây giờ bạn sống đủ bằng tiền lương của mình, nhưng khi bạn về hưu mà không có khoản tiết kiệm nào, cuộc sống sẽ trở nên thực sự khó khăn.

Thay vì tiêu hết tiền lương, hãy chủ động chuyển một số tiền cố định vào tài khoản tiết kiệm của bạn hay vợ chồng bạn, bạn sẽ ít bị cám dỗ hơn với việc tiêu hết số tiền mình làm ra. Hãy cố gắng làm điều đó càng sớm càng tốt bởi việc mở một tài khoản tiết kiệm với lãi kép sẽ giúp bạn có một số tiền kếch xù sau vài chục năm. Nếu có thể, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các cố vấn tài chính về các loại phương tiện đầu tư hưu trí và bắt đầu nó.

Đầu tư vào chất lượng hơn là số lượng

Nếu bạn có 10 triệu đồng, thay vì mua cả tá quần áo, giày dép, túi xách hay những món đồ thời trang có nguy cơ lỗi thời và không tồn tại lâu bền, hãy thử nghiên cứu những giao dịch có thể tồn tại lâu dài. Thay vì mua cả tá đồ, bạn có thể lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao để sử dụng được lâu hoặc chi tiêu vào những thứ khác như một quỹ đầu tư uy tín có thời hạn lâu dài để tiền bạc có thể sinh lời trong tương lai. Khi bạn đầu tư vào những sản phẩm thật tốt và hữu ích, số tiền bạn chi tiêu cho quần áo, giày dép sẽ tiết kiệm được đáng kể. Lúc đó, bạn đã quản lý tài chính bản thân hiệu quả.

Cẩn thận với các khoản nợ tín dụng

Hãy cẩn thận với khoản nợ tín dụng. Nợ tín dụng dễ vay nhưng không phải lúc nào cũng có thể thoát nợ dễ dàng. Nếu bạn vay tín dụng chỉ để mua quần áo, xem phim, xem ca nhạc và tiệc tùng với bạn bè, bạn đang lãng phí số tiền không thực sự là của mình. Tín dụng là một công cụ cần được sử dụng một cách thận trọng, việc chi tiêu vượt quá số nợ cho những thứ bạn không đủ khả năng hoặc chỉ để theo kịp cách chi tiêu của bạn bè dẫn đến lãng phí rất nhiều tiền khi trả lãi. Trên thực tế, nếu bạn chỉ tốn 200 nghìn đồng để xem một buổi ca nhạc, số tiền đó sẽ thành 230 nghìn đồng khi bạn trả lãi tín dụng. Nếu bắt buộc phải vay một khoản tín dụng, phải đảm bảo chắc chắn rằng khoản nợ đó sẽ mang lại lợi ích cho bạn về lâu dài như vay thế chấp nhà, mua xe hoặc trả tiền học.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể thoát nợ?

Hạn chế chi tiêu và ngừng sử dụng thẻ tín dụng không có nghĩa là khoản nợ tín dụng của bạn được yên ổn. Bạn sẽ bị “truy lùng” qua số điện thoại, email hay thậm chí người thân bạn cũng sẽ bị làm phiền cho đến khi bạn cam kết trả hết nợ đi kèm với hành động.

Nợ tín dụng còn làm điểm tín dụng của bạn thấp hơn. Nếu may mắn, bạn có thể trả nợ trước khi điểm số của bạn bị tổn hại nghiêm trọng, nếu không số điểm này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội sở hữu một ngôi nhà hay có được một công việc mơ ước của bạn trong tương lai.

Bài học rút ra là ngay cả khi bạn tiếp nhận những sai lầm tài chính trong quá khứ và sẵn sàng sửa chữa, điều đó không có nghĩa là bạn được tha thứ bởi những hậu quả đã gây ra. Nợ luôn phải được trả bằng cách này hay cách khác: thanh toán thường xuyên, thanh toán một lần hoặc tệ hơn là phá sản. Bên cạnh đó, hãy chú ý chăm sóc sức khỏe để có cơ thể mạnh khỏe và tâm trí sáng suốt.

Đặt mục tiêu tài chính rõ ràng

Nếu không có mục tiêu tài chính rõ ràng trong tương lai thì ngay cả khi bạn muốn có trách nhiệm hơn về mặt quản lý tài chính, bạn cũng chưa biết bản thân mình nên làm gì. Nên gửi tiền vào tài khoản cá nhân hay chuyển sang một khoản nào khác? Có nên vay nhiều hơn cho các khoản thế chấp hay không?

Để tránh tình trạng này, hãy xác định rõ những gì bạn muốn trong tương lai và lập một số kế hoạch tài chính rõ ràng để việc lập ngân sách và tiết kiệm dễ dàng hơn. Nếu bạn vẫn còn đang băn khoăn thì đây là một số gợi ý về mục tiêu tài chính nên tính đến: quyền sở hữu nhà đất; thoát khỏi nợ nần; tạo dựng một quỹ khẩn cấp (đảm bảo chi tiêu từ 3 đến 6 tháng); thanh toán các khoản vay mua xe; tiết kiệm cho quỹ hưu trí; dành dụm để con cái đi học...

Mục tiêu của mỗi người là khác nhau nhưng kết quả cuối cùng phải luôn giống nhau, đó là đủ lớn để khiến bạn nỗ lực làm việc hướng tới các mục tiêu đã đề ra trước đó.

Có cái nhìn thực tế về ngân sách của bạn

Nhiều người trẻ bắt đầu lập ngân sách với nhiều kì vọng không thực tế. Bạn không thể ăn kiêng với khẩu phần chỉ có 500 calo mỗi ngày, cũng giống như việc không thể chi tiêu với một mức ngân sách quá hạn chế do bản thân đề ra. Tiết kiệm không có nghĩa là làm hại sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Chìa khóa của một ngân sách hữu ích là nó phải gắn liền với thực tế cuộc sống. Bóp nghẹt ngân sách quá mức không phải là điều nên làm. Sau khi chi tiêu gò bó như vậy một thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng chiến lược của bản thân là hoàn toàn thất bại và bạn phải tính toán lại ngân sách một lần nữa.

Để có một ngân sách thực tế, hãy xem hóa đơn của những thứ đồ mà bạn hay mua tại cửa hàng, hóa đơn tiền điện nước hàng tháng và các khoản chi phí trung bình khác. Dưới đây là một số yếu tố cơ bản nên được thực hiện khi lập ngân sách:

Đầu tiên, tập hợp tất cả các hóa đơn mua hàng, biên lai tiền điện, nước, tiền thuê nhà và chi phí dịch vụ từ tháng trước. Ngân sách nên được phân thành 2 loại: cố định (tiền thuê nhà, thế chấp, vay mua xe…) và có thể thay đổi (mua hàng, sửa chữa xe cộ, quần áo, xăng xe…)

Tiếp đó, lấy tổng thu nhập hàng tháng trừ đi các khoản chi phí của bạn trong cùng khoảng thời gian.

Sau đó là đánh giá chi phí. Bạn có thực sự cần chi tiêu cho thứ này không? Bạn có thể chi tiêu ít hơn cho quần áo hoặc một bữa ăn tại nhà hàng không?

Tiếp đến là quyết định xem phải làm gì với bất kỳ khoản tiền dư hàng tháng nào (nếu có). Ngân sách thực tế của bạn nên bằng 0 vào mỗi cuối tháng, nghĩa là số tiền dư sẽ được chuyển vào một khoản tiết kiệm cá nhân của bạn.

Cuối cùng, hãy sử dụng thử ngân sách đó trong một tháng và điều chỉnh cho phù hợp. Hãy thực tế nhất có thể, tiết kiệm là để tốt cho bản thân bạn chứ không phải tiết kiệm nghĩa là bạn nên có cuộc sống khổ sở.

Biết bản thân đang dùng tiền cho mục đích gì nghĩa là bạn có quyền kiểm soát tài chính của mình và giúp bạn có thói quen tài chính tốt hơn trong tương lai.

Ngày nay, bạn có thể quản lý ngân sách của mình thông qua vô vàn ứng dụng tiện lợi trên điện thoại thông minh.

Tăng cường tham gia các hoạt động tình nguyện

Các hoạt động tình nguyện mang lại nhiều lợi ích hơn những gì bạn nghĩ. Mặc dù bạn không được trả lương khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhưng những việc làm ý nghĩa sẽ mang lại cho bạn cảm giác hài lòng từ việc giúp đỡ cộng đồng và củng cố nghề nghiệp của bạn. Bên cạnh đó, những kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn có được từ hoạt động tình nguyện là vô giá và có thể giúp bạn biết tới nhiều công việc cũng như cơ hội thú vị hơn trong tương lai.

Đăng kí bảo hiểm y tế

Khi bạn đi viện và thấy những khoản chi phí đắt đỏ được bảo hiểm y tế chi trả, bạn sẽ biết được tác dụng tuyệt vời của bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là điều bắt buộc ngay cả khi bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Làm sao bạn biết được điều gì đột ngột xảy ra với chính mình trong tương lai? Trong bất cứ trường hợp xấu nào xảy đến với sức khỏe, bạn sẽ luôn yên tâm rằng bản thân đã được bảo hiểm y tế bảo vệ và các khoản tiết kiệm khác của bạn vẫn đang đi đúng hướng. Dù bạn đăng kí bảo hiểm y tế qua cơ quan làm việc hay trực tiếp  tại các cơ quan Nhà nước, hãy đảm bảo rằng bạn có bảo hiểm y tế.

Hiểu về cảm xúc - kỹ năng quản lý tài chính cá nhân quan trọng nhưng ít người để ý

Chìa khóa để loại bỏ thói quen chi tiêu không lành mạnh là hiểu được mối liên hệ giữa cảm xúc của bạn đối với tiền bạc. Khi giải thích được lý do đằng sau thái độ chi tiêu của mình, bạn sẽ dễ dàng hình thành được thói quen chi tiêu tốt.

Ví dụ gia đình bạn có tới 4 anh em sống giữa thành phố đắt đỏ, hoàn cảnh kinh tế cũng không khá giả mấy khi bố mẹ bạn chỉ là những công nhân bình thường. Vì vậy từ nhỏ, bạn đã không có điều kiện có được những thứ như đồ chơi mới, quần áo mới như những đứa trẻ khác. Điều đó dẫn đến việc khi độc lập và tự chủ tài chính, bạn muốn chứng minh rằng bạn có thể mua được những thứ đồ bạn muốn, về cơ bản, bạn muốn làm cho mình cảm thấy tốt hơn qua việc mua sắm.

Khống chế cảm xúc để chi tiêu đúng đắn không phải dễ, nhưng khi hiểu được nguyên nhân khiến bạn chi tiêu quá tay, bạn sẽ kiểm soát hành vi của mình tốt hơn. Thay vì tiêu tiền để khiến cảm xúc tốt hơn, bạn có thể tập thể dục, dành thêm thời gian cho công việc hoặc tâm sự với những người thân yêu.

Lời cuối

Nhiều người có thể sẽ nghĩ lại và cảm thấy mình đã phạm phải một số sai lầm lớn về tài chính sau khi đọc xong bài báo này. Thay vì cảm thấy tệ về cách bạn nhìn nhận và chi tiêu, hãy sử dụng những kiến thức trên như một bàn đạp để hình thành những thói quen quản lý tài chính tốt hơn. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay và chắc chắn rằng những sai lầm trong quá khứ là bài học giúp bạn có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Vũ Trang
Theo Moneycrashers/Tổng hợp

6 lời khuyên giúp tân sinh viên quản lý tài chính tốt hơn

Biết cách quản lý tài chính trước khi trải nghiệm cuộc sống đại học sẽ là một lợi thế lớn giúp tân sinh viên dễ dàng giải quyết các vấn đề trong tương lai.

OCB công bố tài liệu trước đại hội với nhiều nội dung quan trọng năm 2024

Ngân hàng   •   Thứ tư, 27/03/2024, 19:35 PM
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE:OCB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 bao gồm kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

FPT dự kiến chia cổ tức 20% bằng tiền mặt

Đầu tư   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:48 PM
FPT sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%, trong đó công ty đã chi trả 10% trong năm vừa qua và dự kiến sẽ trả 10% còn lại sau khi ĐHCĐ phê duyệt.

KBSV: Xác suất chỉ số VN-Index vượt đỉnh đang giảm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:47 PM
Sự suy yếu của lực cầu và sự thiếu nhóm dẫn dắt sẽ khiến cho xác suất vượt đỉnh của chỉ số VN-Index ngày càng giảm và rủi ro đảo chiều ngày càng tăng.

Tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:47 PM
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Cần một cái khung lãi suất và tiêu chí cho những loại hình vay

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:47 PM
Theo TS. Hiếu kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một cái khung lãi suất và tiêu chí cho những loại hình vay và thời gian, đồng thời yêu cầu các ngân hàng dựa vào cái khung đó để đưa ra lãi suất vay cụ thể.