Tuần 13-19/12, nên mua cổ phiếu nào?
VCSC: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE, giá mục tiêu 39.000 đồng
VCSC duy trì khuyến nghị mua đối với Công ty cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) với giá mục tiêu là 39.000 đồng/cổ phiếu dựa vào cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối năm 2022 và tính chung sự đóng góp ước tính của các dự án trung tâm thương mại theo kế hoạch dự kiến được khởi công vào năm 2025 và 2026.
Mặt khác, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của VRE đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái) do gói hỗ trợ khách thuê cao hơn dự kiến vào năm 2021 và doanh số bán bất động sản thấp hơn do đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam; lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 đạt 2,6 nghìn tỷ đồng –, tương ứng tăng 94% so với mức thấp của năm 2021 khi cả hoạt động cho thuê bán lẻ và bán bất động sản sẽ phục hồi khi dịch Covid-19 giảm.
Ngoài ra, VCSC đưa ra định giá của VRE hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 là 26,3 lần so với mức P/E 2022 trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực là 28,3 lần (dựa trên dự báo chung của Bloomberg) và dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hàng năm trung bình giai đoạn 2022-2026 là 29% cho VRE.
Mở phiên 13/12, giá cổ phiếu VRE ở mức 30.350 đồng, thấp hơn 29% so với giá mục tiêu mà VCSC đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VRE của Công ty Chứng khoán Bản Việt tại đây.
VNDirect: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BCG, giá mục tiêu 27.800 đồng
Lợi nhuận ròng quý III/2021 của Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu tài chính. Trong quý III, doanh thu thuần của BCG giảm 41,5% so với cùng kỳ xuống 457 tỷ đồng do doanh thu mảng Dịch vụ và Xây dựng giảm lần lượt 91,7% và 88,7% so với cùng kỳ do giãn cách xã hội bởi làn sóng Covid-19 thứ tư. Tuy nhiên thu nhập từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh và lợi nhuận từ đầu tư giúp doanh thu tài chính tăng mạnh 482,0%. Qua đó, lợi nhuận ròng quý III/2021 tăng 409,7% so với cùng kỳ lên 166 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2021 tăng trưởng 925,3% so với cùng kỳ.
VNDirect cho rằng bất động sản tiếp tục là động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2023 và mảng năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 17,6% doanh thu trong năm 2022.
Cụ thể, về mảng bất động sản, dự án Malibu Hội An sẽ được trì hoãn bàn giao sang năm 2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, BCG cũng sẽ bàn giao toàn bộ 202 căn shophouse tại dự án Hội An D’Or cùng với một phần của các dự án Casa Premium, Casa Mũi Né, King Crown Infinity và toàn bộ dự án Amor Riverside Bình Chánh vào năm 2022, mang lại doanh thu 5.406 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 1,205 tỷ đồng cho BCG trong năm sau.
Năm 2023, VNDirect kỳ vọng BCG sẽ tiếp tục bàn giao nốt phần còn lại tại dự án King Crown Infinity, Hội An D’or, Casa Marina Mũi Né và Casa Premium. Theo dự phóng của VNDirect, BCG có thể ghi nhận doanh thu 2.977 tỷ đồng từ mảng bất động sản trong năm 2023.
Với tầm nhìn xa hơn, BCG sở hữu danh mục các dự án bất động sản gối đầu lớn, trong đó hai phân khúc là bất động sản nghỉ dưỡng (tại các thành phố du lịch nổi tiếng) và bất động sản nhà ở (tại TP. HCM) sẽ có sự hồi phục trong hoạt động bán hàng từ năm 2022 khi vaccine được đẩy nhanh tốc độ bao phủ. VNDirect tin rằng tỷ lệ hấp thụ của các dự án BCG sẽ đạt mức 70-80% khi BCG mở bán các dự án trong năm 2022 nhờ vị trí thuận lợi và giá bán khá cạnh tranh so với các dự án bất động sản cùng khu vực. Nhờ đó, mảng bất động sản dự kiến sẽ đóng góp lần lượt 62,8% và 35,2% vào tổng doanh thu năm 2022 và 2023.
Mặt khác, mảng năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều tiềm năng trong xu thế phát triển chung của ngành điện, trong bối cảnh nhu cầu điện thiếu hụt nghiêm trọng hơn trong 2022-2023 khi nền kinh tế được hỗ trợ bởi chínhsách nới lỏng tiền tệ, các yếu tố vĩ mô tích cực và nhu cầu xuất khẩu phục hồi sau dịch. Trong năm 2021, BCG đã hoàn thiện lắp đặt 114MW công suất còn lại của dự án Phù Mỹ và đang chuẩn bị thử nghiệm đóng điện trong thời gian tới. Trong năm 2022, BCG sẽ tập trung triển khai xây dựng 550MW các dự án điện gió với mục tiêu đóng điện 80MW của điện gió Đông Thanh giai đoạn 1 và 100MW điện gió Khai Long giai đoạn 1. VNDirect dự phóng doanh thu mảng điện của BCG sẽ ghi nhận 1.513 tỷ đồng (chiếm17,6% tổng doanh thu) trong năm 2022 và 3.721 tỷ đồng (chiếm 43,8%) vào năm 2023.
VNDirect khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 27.800 đồng cho mỗi cổ phiếu BCG dựa trên phương pháp định giá tổng giá trị thành phần (SOTP) với 3 mảng chính là bất động sản, năng lượng tái tạo và hoạt động kinh doanh khác và điều chỉnh giảm WACC so với định giá cũ. Động lực tăng giá bao gồm giá bất động sản nghỉ dưỡng tăng mạnh hơn dự kiến, mức giá FIT mới ưu đãi hơn so với kỳ vọng sau quy hoạch điện. Rủi ro giảm giá đến từ thịị trường bất động sản du lịch tăng trưởng chậm lại do biến chủng mới của Covid-19, không hoàn thành kịp tiến độ để hưởng ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo và rủi ro pha loãng do nhu cầu về vốn lớn.
Mở phiên 13/12, giá cổ phiếu BCG ở mức 25.750 đồng, thấp hơn 8% so với giá mục tiêu mà VNDirect đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu BCG của Công ty Chứng khoán VNDirect tại đây.
ACBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTD, giá mục tiêu 100.801 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý III/2021 của Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng (giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái) và bị lỗ 12 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng trong quý III/2020 do thời gian giãn cách xã hội ở miền Nam trong sóng Covid-19 thứ 4 kéo dài và biên lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do giá nguyên vật liệu và nhân công tăng (1,6% so với 6,1%). Công ty chỉ hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2021.
Mặt khác, CTD đã hoàn thành kế hoạch hợp đồng ký mới của năm 2021 là 22.000 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2021, gấp đôi so với giá trị ký mới trong năm 2020. Đáng chú ý, công ty ký mới 8.000 tỷ đồng trong quý III/2021. Swan Lake Onsen (4.000 tỷ đồng), LeMeridien Đà Nẵng (2.400 tỷ đồng), Dolce Penisola (1.200 tỷ đồng) và Opal Skyline(1.000 tỷ đồng) là những dự án lớn cho đến nay. Các dự án D&B (thường có biên lợi nhuận cao hơn) chiếm gần 30% so với 0% vào năm 2020.
Gần đây, CTD đã được cấp Chứng chỉ năng lực thi công cấp 1 giúp công ty có đủ năng lực và khả năng cạnh tranh trong việc đấu thầu các dự án hạ tầng thông qua hình thức liên danh hoặc nhà thầu phụ. ACBS đánh giá cao việc công ty mở rộng sang phân khúc hạ tầng nhờ việc chính phủ dự kiến đầu tư công hơn 5 tỷ USD/năm, cách tiếp cận thận trọng của CTD và giá đá ổn định. Trước đây, CTD cũng có một ít kinh nghiệm trong phân khúc này khi đã hoàn thành một số dự án hạ tầng như BOT Phủ Lý và Nhà ga số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Tuy nhiên, CTD đang phải chịu chi phí thuê nhân công và máy móc & thiết bị trong giai đoạn giãn cách xã hội ở các tỉnh/thành phố phía Nam - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và thiếu lao động do người nhập cư dự kiến sẽ không quay lại làm việc đầy đủ cho đến hết Tết Nguyên Đán (đầu tháng 2/2022) nên ACBS không kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2021 sẽ tốt nhưng sẽ khả quan hơn so với quý III/2021. ACBS dự báo doanh thu thuần năm 2021 của CTD đạt 8.866 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng (giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái).
Với giá trị hợp đồng ký mới dự kiến lên đến 25.000 tỷ đồng trong năm 2021, lực lượng lao động phục hồi, tỷ trọng các dự án D&B cao hơn và giá nguyên vật liệu ổn định hơn, ACBS dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 sẽ tăng trưởng trở lại với doanh thu thuần đạt 15.826 tỷ đồng (tăng 79% so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế đạt 334 tỷ đồng (tăng 186%).
ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTD với giá mục tiêu vào cuối năm 2022 là 100.801 đồng, cao hơn 12% so với giá mở phiên 13/12.