Thứ hai, 18/03/2024, 11:57 AM
Ý kiến - Đời sống   •   Thứ ba, 24/05/2022, 16:13 PM  •  24/05/2022, 16:13

Top 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế và ví dụ về cú sốc giá dầu

Mỗi nền kinh tế trên thế giới đều có đặc điểm khác nhau, tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế mà bất kì quốc gia nào cũng cần phải giải quyết.

Kinh tế học đã chỉ ra rằng mọi nguồn lực trong xã hội đều khan hiếm, vì vậy, mọi quyết định trong tiêu dùng và sản xuất của mỗi cá nhân đều cần đảm bảo sử dụng đầy đủ và hiệu quả nguồn lực. Để sử dụng nguồn lực hiệu quả, tất cả các nền kinh tế quốc dân trong mọi giai đoạn phát triển đều phải thực hiện ba chức năng cơ bản sau:

- Sản xuất cái gì?

- Sản xuất như thế nào?

- Sản xuất cho ai?

Sản xuất cái gì?

Sản xuất cái gì là vấn đề đầu tiên trong 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế cần giải quyết. Cơ sở của vấn đề này xuất phát từ sự khan hiếm nguồn lực trong xã hội. Với nguồn lực hiện có, xã hội phải lựa chọn để sản xuất một số loại hàng hóa nhất định. Việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ nào để sản xuất sẽ được căn cứ vào nhiều yếu tố như cầu của thị trường, khả năng về các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, tình hình cạnh tranh, giá cả. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả sẽ là tín hiệu trực tiếp nhất giúp người sản xuất quyết định sản xuất cái gì.

Mặc dù các nhà kinh tế học đã chỉ ra rằng các biện pháp tiếp thị cũng có thể ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng trong ngắn hạn nhưng chính sự tương tác giữa người mua và người bán vì lợi ích cá nhân sẽ quyết định sản phẩm và dịch vụ nào được sản xuất. 

Mục đích chủ yếu của vấn đề này giúp nền kinh tế giảm tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường tối đa những sản phẩm cần thiết.

Sản xuất như thế nào?

Sau khi xác định loại hàng hóa dịch vụ nào cần được sản xuất, câu hỏi quan trọng thứ hai trong 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế cần phải giải quyết là sản xuất như thế nào. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề này thông thường đồng nghĩa với việc sử dụng số lượng đầu vào ít nhất để sản xuất ra số lượng sản phẩm đầu ra nhất định.

Câu hỏi này bao gồm các vấn đề về lựa chọn công nghệ sản xuất, lựa chọn các yếu tố đầu vào và lựa chọn phương pháp sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, các nhà sản xuất vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ phải sử dụng các nguồn lực chi phí thấp nhất có thể sao cho số lượng và chất lượng sản phẩm không thay đổi. Các phương pháp và kỹ thuật sản xuất mới chỉ có thể được chấp nhận khi chúng làm giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, các nhà cung cấp nguồn lực sản xuất sẽ cung cấp nguồn lực đem lại cho họ các giá trị cao nhất. 

Ví dụ, để sản xuất điện, các nhà máy được xây dựng có thể là nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện nguyên tử tùy thuộc vào chi phí và khả năng vận hành của nhà máy. Một số quốc gia trên thế giới tập trung vào sản xuất một số loại hàng hóa dịch vụ nhất định để trao đổi với các quốc gia khác sau khi đã so sánh trên cơ sở chi phí cơ hội thấp nhất.

Sản xuất cho ai? 

Sản xuất cho ai là vấn đề cuối cùng trong 3 vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Quyết định sản xuất cho ai bao gồm việc lựa chọn phương pháp phân phối và xác định rõ ai sẽ được hưởng và được lợi từ những hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra. Vì nguồn lực là khan hiếm, sẽ có cạnh tranh trong tiêu dùng và sản phẩm thuộc về người có khả năng chi trả cho việc mua sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được chính phủ xem xét và điều tiết thông qua các chính sách về thuế, giá cả và trợ cấp nhằm đảm bảo cho cả những người nghèo, khó khăn, có thu nhập thấp cũng được hưởng những thành quả từ nguồn lực của xã hội.

Thu nhập chính là nguồn tạo ra năng lực mua bán của các cá nhân và phân phối thu nhập được xác định thông qua tiền lương, tiền lãi, tiền cho thuê và lợi nhuận trên thị trường nguồn lực sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, những ai có nguồn tài nguyên, lao động, vốn và kỹ năng quản lý cao hơn sẽ nhận thu nhập cao hơn. Với thu nhập này, các cá nhân đưa ra quyết định loại và số lượng sản phẩm sẽ mua trên thị trường sản phẩm và giá cả định hướng cách thức phân bổ nguồn lực cho những ai mong muốn trả với mức giá thị trường.

Ví dụ về cú sốc giá dầu

Trước năm 1973, tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) thực hiện việc cắt giảm sản lượng dẫn đến dầu trở nên khan hiếm, những người sử dụng không thể ngay lập tức dừng việc sử dụng dầu dẫn đến việc giá dầu tăng gấp 3 lần. Người tiêu dùng nhanh chóng có xu hướng sử dụng ít dầu hơn và những nhà sản xuất khác ngoài OPEC bán được nhiều hơn. Những phản ứng của thị trường được chi phối bởi giá cả và một phần trong cách thức xác định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai.

Trước tiên, về việc sản xuất như thế nào, khi giá dầu tăng cao, mọi tác nhân trong nền kinh tế đều chuyển sang hướng cắt giảm những sản phẩm phụ thuộc vào dầu. Các hãng hóa chất phát triển các đầu vào nhân tạo thay cho các đầu vào từ dầu, các hãng hàng không đặt hàng nhiều hơn đối với các máy bay tiết kiệm nhiên liệu. Giá dầu cao hơn làm cho nền kinh tế sản xuất theo hướng sử dụng ít dầu hơn.

Về vấn đề sản xuất cái gì, các hộ gia đình chuyển sang sử dụng lò sưởi khí đốt tập trung và sử dụng xe ô tô nhỏ hơn. Những người đi làm hạn chế sử dụng ô tô hoặc đi bộ đến nơi làm việc. Giá dầu cao làm nhu cầu sử dụng các sản phẩm phụ thuộc vào dầu giảm mạnh và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại hàng hóa thay thế. Do vậy, hoạt động sản xuất các hàng hóa thay thế được khuyến khích. Cụ thể, các đơn vị thiết kế sản xuất ô tô cỡ nhỏ hơn, kiến trúc sư sử dụng năng lượng mặt trời và các phòng nghiên cứu tạo ra những sản phẩm thay thế cho dầu trong công nghiệp hóa chất.

Về vấn đề sản xuất cho ai, sau năm 1973, giá dầu tăng cao, doanh thu từ dầu của OPEC tăng nhanh và phần nhiều trong số doanh thu tăng lên được chi tiêu cho những hàng hóa được sản xuất ở các nước công nghiệp phương Tây. Trên phương diện hàng hóa, giá dầu tăng làm tăng sức mua của OPEC và làm giảm sức mua của các nước nhập khẩu dầu như Đức, Nhật Bản. Sau năm 1982, sức mạnh của OPEC suy giảm dần khi những nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường và người sử dụng đã dùng các hàng hóa thay thế thích hợp. Tuy nhiên, vào năm 1999, OPEC hành động một lần nữa khi cắt giảm sản lượng, đẩy giá dầu tăng cao và gây ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu khác vào năm 2000.

Nhìn chung, các cú sốc giá dầu minh họa xã hội phân bổ các nguồn lực khan hiếm như thế nào cho các mục đích sử dụng khác nhau. Giá dầu cao hơn phản ánh sự khan hiếm nhiều hơn của nó khi OPEC cắt giảm mức sản xuất.

Vũ Trang

Top 3 yếu tố ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu trên thị trường

Ý kiến - Đời sống   •   Thứ tư, 25/05/2022, 11:33 AM
Nhu cầu trên thị trường thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, có 3 yếu tố được cho rằng có ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu dùng.

Top 3 yếu tố ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung trên thị trường

Ý kiến - Đời sống   •   Thứ tư, 25/05/2022, 11:26 AM
Trong kinh tế học, nguồn cung trên thị trường được biểu diễn qua đường cung. Có 3 yếu tố ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung trên thị trường.

Top 3 hạn chế của chính sách tài khóa

Ý kiến - Đời sống   •   Thứ tư, 25/05/2022, 08:23 AM
Chính sách tài khóa được xem là công cụ hiệu quả giúp Nhà nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tuy vậy chính sách này vẫn tồn tại một số hạn chế.

Top 3 nhân tố ảnh hưởng đến cầu tiền tệ

Ý kiến - Đời sống   •   Thứ ba, 24/05/2022, 22:06 PM
Nhìn chung, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến cầu tiền tệ, đó là giá cả hàng hóa, lãi suất và thu nhập thực tế.

Top 3 nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung

Ý kiến - Đời sống   •   Thứ ba, 24/05/2022, 21:59 PM
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là một hệ thống kinh tế bao gồm các nguồn lực kinh tế của quốc gia đều thuộc sở hữu Nhà nước.