NFT là gì, NFT có lừa đảo không?
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các nhà đầu tư liên tục phát hiện ra những cơ hội đầu tư mới. Bitcoin và những đồng tiền kỹ thuật số khác dần trở thành loại tài sản phổ biến trong cộng đồng các nhà đầu tư trẻ tuổi.
Nhưng đi kèm với những cơ hội mới là những thách thức mới. Thời gian gần đây, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao với những loại hình lừa đảo mới bằng công nghệ. Vì thế, để có thể tham gia vào thị trường một cách an toàn và tích lũy thêm cho mình tài sản, bạn phải có đủ kiến thức về chủ đề này. Để tham gia vào mua bán và giao dịch NFT, bạn nhất định phải hiểu NFT là gì.
Vậy NFT là gì? NFT hay non-fungible token, tạm dịch là những tài sản được mã hóa không thể thay thế. Có thể hiểu NFT là một sản phẩm có giá trị cố định hoặc được neo bởi một lượng tiền cố định và nó không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Hay nói cách khác, giá trị của NFT phụ thuộc vào giá trị của tài sản tương đương và đây là một ứng dụng mới của blockchain. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn:
Blockchain là gì?
Để hiểu được NFT là gì, bạn nên tìm hiểu về cách thức hoạt động của công nghệ blockchain. Nói ngắn gọn, blockchain là một hệ thống cho phép theo dõi giao dịch gửi và nhận thông tin trên mạng Internet. Nó có chức năng như một sổ cái lưu trữ thông tin dưới dạng các khối dữ liệu (data block) được ghép lại thành một chuỗi (chain). Những gì được ghi chép trên hệ thống này sẽ không bị thay đổi, trở nên độc nhất, đó là lý do những tài sản được hình thành từ blockchain lại có giá trị.
Có 3 loại hình hệ thống blockchain bao gồm:
Public: Bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên hệ thống, bởi quy mô của hệ thống này rất lớn, việc tấn công là gần như bất khả thi và người sử dụng phải ghi rất nhiều nút để chuỗi mã hóa của mình có giá trị. Nền tảng này được sử dụng trong Bitcoin, Ethereum,…
Private: Người dùng chỉ có quyền đọc, không có quyền ghi dữ liệu. Quyền ghi thuộc về một bên thứ ba, thường là bên sáng lập và tuyệt đối tin cậy. Bởi số lượng dữ liệu nhỏ nên thời gian xác nhận giao dịch hay ghi dữ liệu khá nhanh.
Permissioned: đây là một sự kết hợp giữa hai loại trên.
Hiện nay, các nhà quản lý, các tập đoàn công nghệ đang cố ứng dụng công nghệ blockchain vào nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như: hệ thống thanh toán, tiền tệ, thị trường tài chính, ngân hàng, giám sát và quản lý hoạt động,… Rất nhiều người nhìn nhận tiềm năng mà công nghệ Blockchain mang lại cho xã hội, thậm chí coi nó như một ngành có triển vọng khai thác và sử dụng trong thực tiễn. Và NFT là một trong những ứng dụng của công nghệ Blockchain.
NFT là gì?
Như đã nói trên, non-fungible token là một tài sản kinh tế mã hóa kỹ thuật số, nó đại điện cho các tài sản và dịch vụ vật lý hay kỹ thuật số khác.
Đối với các tài sản có thể thay thế bằng các tài sản được chứng thực có giá trị tương đương, chuyện này khá dễ để bắt gặp trong cuộc sống. Ví dụ: một tờ 100 nghìn đồng có thể thay thế bằng 2 tờ 50 nghìn; hoặc giá của một chiếc bánh mỳ là 20 nghìn, bạn có thể mua bằng tờ 50 nghìn và nhận lại 30 nghìn tiền thừa. Tuy nhiên NFT không hoạt động như vậy, nó không thể thay thế hay chia nhỏ thành nhiều phần vì NFT là một loại tài sản được chứng thực duy nhất.
Cụ thể, NFT là một dạng dữ liệu được lưu giữ trên blockchain. Các bằng chứng số (token) đại diện cho các tài sản liên kết, đóng vai trò xác thực và là duy nhất cho tài sản gốc. Thứ được ghi vào hệ thống dữ liệu đó có thể là một ảnh, một đoạn nhạc hay các đoạn tin kỹ thuật số.
NFT có thể coi như một phương pháp đăng ký quyền sở hữu với các tài sản, đặc biệt như ảnh nghệ thuật, vật phẩm ảo,…Nhờ vào công nghệ blockchain, quyền sở hữu của các vật phẩm được xác thực và không ai có thể thay đổi (ghi đè) hay đánh cắp. Đối với vật phẩm càng hiếm, giá trị của nó càng cao. Nếu bạn sở hữu nó nhưng lại lo sợ bị mất cắp, bạn có thể ghi lại quyền sở hữu của mình nên hệ thống blockchain, nơi quyền sở hữu được đảm bảo.
Khi mua NFT, bạn đang mua lại quyền sở hữu của tài sản đi kèm. Chính vì thế, loại tài sản này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp sưu tầm.
Hãy thử tưởng tượng bạn mua một tài sản kỹ thuật số từ người khác như video, ảnh, bức ảnh đó sẽ trở thành của bạn. Tất cả những bức khác tương tự chỉ được coi là bản sao. Nghe có vẻ điên rồ nhưng nó đang được ứng dụng trong việc sưu tầm và bảo mật.
Nguồn gốc của NFT
Ý tưởng sử dụng blockchain để xác nhận quyền sở hữu cho các tài sản xuất hiện lần đầu vào năm 2012 dưới cái tên Colored Coin, được tạo ra bởi Yoni Assia, nhưng đã thất bại vì nhiều lý do khác nhau.
Vào năm 2014, một công nghệ giao dịch dựa trên nền tảng công nghệ blockchain ra đời với cái tên Counterparty với mục tiêu cho phép người dùng tự tạo tiền tệ hay tài sản có giá trị giao dịch cho riêng họ.
Năm 2017, mọi người dần biết tới NFT và các loại tiền, tài sản điện tử khác nhờ vào sự tăng trưởng khủng khiếp của Bitcoin. Vào thời gian này, một game có tên CrytoPunks bởi studio game Larva Labs bỗng trở nên nổi tiếng trên thị trường.. Đây là một trò chơi sưu tầm ảnh avatar được tạo bởi thuật toán. Nhờ vào NFT, đã có rất nhiều nhiều ảnh avatar khác nhau đã được bán, đặc biệt những avatar mua được từ nền tảng này là độc nhất, sẽ không có hai người mua nào có ảnh giống nhau. Và dữ liệu mua và quyền sở hữu sẽ được ghi lại thông qua công nghệ NFT.
Những NFT đắt nhất từng được ghi nhận
Trong số các tài sản được chứng thực quyền sở hữu thông qua công nghệ NFT, những tài sản đắt nhất có thể kể tới:
Tác phẩm nghệ thuật “Everydays: The First 5000 Days” được tạo lên bởi nghệ sĩ kỹ thuật số Mike “Beeple” Winkelmann. Tác phẩm này đã được giao bán với mức giá 69,3 triệu USD.
CrytoPunks #7523 là một trong số những NFT được bán đắt nhất. Đây là một trong số những NFT nổi tiếng được phát hành trên Ethereum. Tổng doanh số của sản phẩm này lên tới 11,8 triệu USD
Kế đến là CrytoPunks #7804 và CrytoPunks #3100, hai sản phẩm này được giao bán với mức giá lần lượt là 7,56 triệu USD và 7,51 triệu USD.
CROSSROAD là một NFT khác gây tiếng vang được tạo lên bởi nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple, nó mang thông điệp chống lại cựu tổng thống Donald Trump. Nó miêu tả một nhân vật giống ông Trump nằm một góc với những những lời tục tĩu, dè bỉu. Được biết tác phẩm này có thể thay đổi nếu tổng thống Trump thắng cuộc tranh cử hồi năm 2020, nhưng ông ấy đã thất bại.
Ngoài ra, rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật, tài sản vật lý, tài sản kỹ thuật số khác đã được rao bán và xác nhận quyền sở hữu trên NFT. Một vài tài sản còn được giao dịch với giá cao ngất ngưởng.
Cách tạo ra và bán một NFT
Trên thực tế, tạo nên một NFT khá đơn giản, bạn không cần phải có quá nhiều kiến thức cao cấp về kinh tế tiền tệ, công nghệ blockchain. Như đã nói trên, NFT có thể thay thế cho bất kỳ file dữ liệu nào. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các blockchain mới cũng có khả năng tạo NFT như Tezos, Cosmos, WAX, Tron,….
Đầu tiên, hãy tìm một nền tảng NFT mà bạn muốn để ghi quyền sở hữu của bạn. Một trong những nền tảng phổ biến nhất là Ethereum, đây là nơi phần lớn các nghệ sĩ tạo ra NFT ghi nhận quyền sở hữu.
Mỗi blockchain đều có chuẩn NFT token riêng, giống như để các chứng khoán được giao dịch trên sàn, chứng khoán đó phải đạt đủ các tiêu chuẩn mà sàn giao dịch đề ra. Ví dụ, nếu bạn có một NFT trên Binance Smart Chain, bạn chỉ có thể giao dịch trên các “chợ” hỗ trợ giao dịch các tài sản Binance Smart Chain, và bạn không thể bán chúng trên các chợ khác không hỗ trợ như VIV3 dành cho mạng Flow hay OpenSea dành cho Ethereum và Polygon.
Tạo ra một NFT trên OpenSea gần như không mất phí, nhưng nếu bạn lựa chọn các chợ khác để giao dịch NFT, việc mở tài khoản có thể thu phí. Thông thường, ở hệ thống có càng nhiều người giao dịch thì phí càng cao và ngược lại.
Việc bán NFT cũng rất thuận tiện và linh hoạt, người bán có thể đặt giá bán cho sản phẩm, nhưng bạn cũng có thể giao bán sản phẩm theo hình thức đấu giá nếu muốn nhưng đôi khi việc đăng bán cũng sẽ phải tính phí.
Cách để mua NFT
Bạn cần phải để ý một số điều sau để có thể thanh toán khi mua một tài sản NFT. Để tham gia một “chợ” giao dịch NFT, bạn cần có tài khoản để giao dịch ở chợ đó. Nếu bạn định mua NFT chỉ có sẵn trên một vài nền tảng xác định, bạn sẽ cần mở tài khoản để mua trước khi hết hàng. Điều này sẽ tốn của bạn thêm một vài chi phí đi kèm.
Bạn định mua NFT theo hình thức nào? Tham gia đấu giá hoặc mua sản phẩm với giá cố định có vẻ đơn giản, bạn chỉ vào hệ thống và đặt lệnh mua. Nhưng trong các đợt mở bán giới hạn, cuộc cạnh tranh giữa những người mua trở nên rất khốc liệt. Đây là hình thức bán hàng chỉ được ứng dụng với những sản phẩm có nhu cầu cao ở một số nhóm khách hàng riêng biệt. Một đợt mở bán diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn và những người mua sẽ tranh nhau để mua được một phiên bản giới hạn của món hàng. Hình thức bán này giúp tăng giá và độ khan hiếm của mặt hàng được giao dịch. Và đó là cách thị trường NFT vận hành, hiểu được cách tham gia, hình thức, các thao tác mua và bán sẽ giúp bạn có thể giao dịch thông minh và hiệu quả hơn.
NFT có lừa đảo không?
Dựa trên những gì đã phân tích ở trên, có thể nói, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào NFT, tạo lập một thị trường kỹ thuật số không phải một chiêu trò lừa đảo. Nhưng rất nhiều các hệ lụy có thể gây ra bởi hình thức vận hành và quản lý lỏng lẻo. Tuy là một hệ thống an toàn và có tính độc lập cao, NFT có thể trở thành công cụ thu lợi bất chính cho những tên trộm tài sản kỹ thuật số.
Làm giả quyền sở hữu
Một trong những loại hình lừa đảo tiêu biểu nhất là mạo danh người sở hữu thật để ghi quyền sở hữu. Vô số các tác phẩm nghệ thuật được gắn NFT đã được giao bán bởi những tài khoản giả mạo quyền sở hữu.
Simon Stalenhag – một nghệ sĩ thị giác kỹ thuật số - đã tìm thấy một tài khoản mang tên mình giao bán các tác phẩm nghệ thuật của anh với đính kèm NFT trên một trang tên Marble Cards.
Derek Laufman – một họa sĩ nổi tiếng – đã bị mạo danh bởi một tài khoản cùng tên trên trang Rarible. Anh ta đã nhanh chóng đính chính và vạch trần tài khoản lừa đảo nhưng đã có một tác phẩm của anh được giao bán và được gán NFT với giá cả ngàn đô la.
Devin Elle Kurtz, một nghệ sĩ về hình ảnh đã phàn nàn về việc quản lý các nền tảng giao dịch NFT sau khi anh ta phát hiện tác phẩm nghệ thuật của mình bị một tài khoản tên DevianArt giao bán dưới dạng NFT trên trang Marble Card.
Trên đây là ba ví dụ tiêu biểu của hình thức lừa đảo mới này. Lỗ hổng của hệ thống giao dịch NFT là quá rõ ràng. Nó cho phép các tài khoản đăng tải các bản sao của tác phẩm nghệ thuật mà không cần cung cấp chứng thực về bản quyền. Những tên trộm đơn giản là làm giả quyền sở hữu và bán nó nhằm thu lợi bất chính. Loại hình này tương tự với việc những tên trộm xe giao bán những chiếc xe trộm được vậy. Vì thế các hệ thống NFT cần đảm bảo rằng để có thể đăng bán tài sản trên các sàn giao dịch, người bán phải có đầy đủ chứng thực về quyền sở hữu tài sản giống như khi bán lại xe, người bán ít nhất phải sở hữu giấy tờ xe.
Lừa đảo lấy cắp ví tài sản điện tử
Đây là hình thức lừa đảo đánh cắp tài khoản không còn xa lạ đối với những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Những tên trộm sẽ lập một trang web có hình ảnh giống với những trang họ hay truy cập và dụ những người dùng khác truy cập vào.
Stas Zlobinski, hay còn được gọi là Stazie, là nhà sáng lập kiêm CEO của dự án game NFT Hedgie là một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Cụ thể, một kẻ lừa đảo lấy tên là “cryptopunksbot”, một cái tên giống với cơn sốt NFT tại thời điểm bấy giờ là CrytoPunk. Tên trộm cung cấp một đường dẫn đưa các nhà đầu tư đến một nơi khác, nơi hắn hứa sẽ tặng nhà đầu tư 10 crytopunk có giá trị như một phần sự kiện của kỷ niệm 4 năm crytopunk ra mắt. Và dĩ nhiên, không có bất kỳ phần quà nào cả.
Zlobinski đã nhập tài khoản ví của mình vào trang web đó và hậu quả là anh ta đánh mất 16 NFT crytopunk trị giá khoảng 1 triệu đô la.
Rủi ro từ các hội nhóm đầu tư
Quả thực, NFT nói riêng và công nghệ blockchain nói chung là một lĩnh vực rất tiềm năng để khai thác và phát triển. Trong tương lai, không chỉ là vấn đề tiền tệ, thanh toán, lưu trữ tài sản, công nghệ này còn có thể ứng dụng trong nhiều khía cạnh khác. Những hội nhóm lừa đảo sẽ tìm cách phô trương tác dụng và hiệu quả của công nghệ này. Từ đó, họ lập quỹ đầu tư thu hút lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân. Và liên tục mồi chài, kêu gọi những người tham gia mời thêm những người tham gia mới và được trả hoa hồng.
Đây là một loại hình lừa đảo khác được biến tấu từ kim tự tháp Ponzi cổ điển. Hãy đề phòng với các hội nhóm đầu tư hoạt động như vậy.
Tóm lại, NFT là một loại tài sản kỹ thuật số mang lại nhiều ứng dụng có ích cho việc phát triển công nghệ và các khía cạnh khác của cuộc sống. Tiềm năng khai thác của loại công nghệ này còn nhiều và đây là một điều đáng hứa hẹn trong tương lai. Nhưng những thông tin trên mạng rất khó để có thể kiểm chứng, để đầu tư, bạn cần sử dụng những nền tảng chính thống để tránh các hình thức lừa đảo làm cản trở quá trình đầu tư. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra các quyết định tài chính của mình.