Nhận định cổ phiếu ngày 17/12: AGG, PTB và BVH
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu AGG, giá mục tiêu 65.200 đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển BDS An Gia (HoSE: AGG) thành lập năm 2006 và chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần vào năm 2012 với mức vốn điều lệ 100 tỷ. Từ năm 2012 đến nay, AGG tăng vốn từ 100 tỷ lên 824 tỷ qua hình thức thưởng cổ phần, hoán đổi khoản vay cho Creed Group… Công ty dần xây dựng thương hiệu là một nhà phát triển bất động sản (BĐS) phân khúc trung bình khá thông qua các dự án như: The Garden, The Star, Riverside, Skyline, River Panaroma 1&2. Hiện tại, An Gia được xem đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp Bất động sản lớn như Nam Long, Khang Điền, Hưng Thịnh, Đất Xanh.
Hiện tại, AGG đã hoàn tất điều chỉnh 1/500 và có giấy phép xây dựng cho dự án WestGate với khoảng 2.284 căn. Công ty đang đẩy mạnh công tác bán hàng để sớm kết thúc kinh doanh trong quý I/2022. Như vậy với tiến độ mới từ WestGate, triển vọng lợi nhuận của AGG trong 2022-2023 là tích cực với doanh số chưa ghi nhận lên đến 16.000 tỷ. Lợi nhuận gộp từ 5 dự án ước tính lên đến 5.500 tỷ và phần lợi nhuận thuộc sở hữu của AGG là 3.180 tỷ.
Bên cạnh dự án đang triển khai, AGG sở hữu dự án BC 27 có quy mô 27 ha, ở Tân Kiên, Bình Chánh. Dự án có vị trí liền kề với dự án khu đô thị Tân Tạo của Khang Điền. Giá trị quỹ đất này vẫn gia tăng từ 2018 đến nay do thị trường bất động sản vẫn duy trì ổn định. Dự kiến từ năm 2021 đến 2024 với định hướng mới lên Thành phố của Bình Chánh (vào năm 2025) thì thị trường bất động sản ở khu Nam vẫn còn nhiều điểm nhấn. Với giá thị trường đất nông nghiệp hiện tại khoảng 7-8 triệu/m2, quỹ đất này của AGG ước tính sơ bộ khoảng 1.800 - 2.000 tỷ.
Từ những đánh giá trên, BVSC cho rằng AGG là cơ hội đầu tư tốt cho năm 2022 khi mà nhiều cổ phiếu ngành bất động sản được định giá lại nhanh trong thời gian qua. BVSC tin rằng việc kế hoạch phát hành được điều chỉnh; lợi nhuận tăng trưởng 36% trong 2022 và thông tin mới về tiến độ lên Thành Phố ở Bình Chánh sẽ giúp AGG được định giá lại phù hợp đúng với tiềm năng của doanh nghiệp. Từ đó, mức giá mục tiêu được đưa ra là 65.200 đồng/cổ phiếu. Thời gian nắm giữ 3-6 tháng.
Mở phiên 17/12, giá cổ phiếu AGG ở mức 51.400 tỷ đồng, thấp hơn 21% so với giá mục tiêu mà BVSC đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu AGG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại đây.
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PTB, giá mục tiêu 118.000 đồng
Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 tăng trưởng mạnh nhờ mảng bất động sản. Doanh thu thuần đạt 1.730 tỷ đồng (tăng 19% so với cung kỳ năm trước), chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tại dự án bất động sản Phú Tài Residence 455 tỷ đồng (tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước). Ngược lại, doanh thu gỗ giảm 13,1% khi các nhà máy hoạt động 70-90% công suất trong thời gian giãn cách, biên lợi nhuận gộp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước do chi phí tăng khi thực hiện 3 tại chỗ. Mặc dù doanh thu hoạt động sản xuất đá sụt giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu xây dựng giảm nhưng biên lợi nhuận gộp tăng 6% lên mức 34% do giảm chiết khấu bán hàng. Lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỷ đồng (tăng 65% so với năm trước).
SSI dự báo tổng doanh thu quý IV/2021 đạt 1.871 tỷ đồng (tăng 17%), trong đó doanh thu hoạt động sản xuất gỗ dự kiến đạt 1.156 tỷ đồng (tăng 33%), tăng trưởng chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm 65% tổng doanh thu) sau khi có kết quả điều tra chống bán phá giá ngành gỗ từ Bộ thương mại Mỹ, theo đó Việt Nam không bị áp thuế như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Đồng thời, các nhà máy hoạt động tối đa công suất kể từ tháng 10/2021, riêng nhà máy gỗ nội thất hoạt động 40% công suất sau khi đi vào hoạt động vào tháng 5/2021. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 157 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước)
SSI ước tính rằng tốc độ tăng trưởng năm 2022 có thể chậm lại. Cụ thể, doanh thu đạt 7.464 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu từ nhu cầu đá từ nhóm khách hàng công nghiệp (chiếm 70% tổng sản lượng tiêu thụ) sẽ tăng trưởng 15% từ các dự án bất động sản nhà ở và các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất gỗ duy trì tăng trưởng đạt 18,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ thuế suất cạnh tranh so với Trung Quốc. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 769 tỷ đồng.
PTB đang giao dịch ở mức P/E 2021 và 2022 lần lượt là là 9x và 7,9x. SSI tin rằng PTB sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong giai đoạn 2022-2023 nhờ xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng chủ yếu từ thị trường Mỹ. Đồng thời hoạt động sản xuất đá phục hồi trở lại vào 2022 nhờ nhu cầu dân dụng và các công trình công. Sử dụng phương pháp P/ E với P/E trung bình của ngành gỗ là 11,8x và ngành đá là 10x, giá mục tiêu của PTB vào thời điểm cuối năm 2022 là 118.000 đồng/cổ phiếu.
Mở phiên 17/12, giá cổ phiếu PTB ở mức 102.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 16% so với giá mục tiêu mà SSI đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu PTB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu BVH, giá mục tiêu 65.800 đồng
Các biện pháp giãn cách xã hội ở Việt Nam trong những tháng vừa qua đã gây áp lực lên cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Bất chấp những khó khăn này, phí bảo hiểm gốc bảo hiểm nhân thọ của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng năm 2021. Điều này, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), là nhờ vào việc triển khai các kênh bán hàng kỹ thuật số.
Mặc dù phí bảo hiểm nhân thọ phù hợp với kỳ vọng của VCSC, mức giảm phí bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng năm 2021 là mức giảm trong 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, VCSC cho rằng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, thì năm 2022 sẽ mang lại mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm trước trong mảng phi nhân thọ và tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm trước trong mảng nhân thọ khi nhu cầu tăng trở lại.
Trong 9 tháng năm 2021, BVH gây bất ngờ khi ghi nhận tỷ lệ tổn thất thấp nhất trong vòng 4 năm qua là 41,2% (giảm 12,2 điểm %). VCSC cho rằng tỷ lệ tổn thất thấp này là do phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng âm kể từ quý I/2020 và viêc BVH chuyển hướng sang mảng bảo hiểm sức khỏe trong 2 năm qua để cải thiện lợi nhuận; ngoài ra, khả năng có sự trì hoãn trong xử lý yêu cầu bồi thường trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021 cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ tổn thất.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ đã không tăng trong 3 tháng qua, gây áp lực lên chi phí dự phòng. Cụ thể, kể từ tháng 9 đến đầu tháng 11/2021, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đã tăng khoảng 10 điểm cơ bản trước khi giảm vào cuối tháng 11 xuống còn khoảng 2,07%. VCSC kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ phục hồi vào năm 2022, do đó giảm bớt áp lực lên lợi nhuận của BVH.
Dựa trên những quan điểm trên, VCSC đặt giá mục tiêu 65.800 đồng/cổ phiếu nhưng điều chỉnh khuyến do giá cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 11% trong 3 tháng qua.