Nhận định cổ phiếu ngày 15/12: BID, KBC và HDB
KBSV: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID, giá mục tiêu là 51.600 đồng
Trong quý III/2021, tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 12.205 tỷ đồng (giảm 5,6% so với cùng kỳ quý trước, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước); thu nhập ngoài lãi đạt 3.042 tỷ đồng (giảm 30,3% so với cùng kỳ quý trước, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước) khiến TOI (chỉ số đánh giá lợi nhuận thông qua hoạt động ) đạt 15.247 tỷ đồng (giảm 11,8% so với cùng kỳ quý trước, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) có dấu hiệu tăng, đạt 33.3% (tăng 950 bps so với cùng kỳ quý trước, tăng 1,53 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước) trong khi đó, chi phí trích lập dự phòng ở mức cao so với cùng kỳ (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước) khiến cho lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 2.674 tỷ đồng (giảm 42,7% so với cùng kỳ quý trước, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước).
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/11/2021 đạt 9,8% so với đầu năm, dư địa tăng còn khoảng 2,2% so với mức trần tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước nâng là 12%.
Đáng chú ý biên lãi ròng (NIM) quý III/2021 đi ngang so với quý trước, đạt 3,05% (giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước, tăng 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước) với chi phí đầu vào bình quân tiếp tục duy trì mức thấp, đạt 3,62% (đi ngang so với cùng kỳ quý trước) và lãi suất bình quân đầu ra giảm nhẹ 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước, đạt 6,45% đến từ các chính sách giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng Covid-19 của BID.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu quý III/2021 đi ngang so với quý II/2021, đạt 1,61% với nợ nhóm 2 không đổi, nợ nhóm 3 và 4 đều tăng 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước trong khi nợ nhóm 5 giảm 0,17 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước. Trong kì, BID tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng 7.502 tỷ đồng (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước), qua đó tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 140,2% (tăng 7,92 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước), cao thứ 5 trong hệ thống các ngân hàng theo dõi của KBSV. Mặc dù vậy, dư nợ tái cơ cấu có xu hướng tăng, đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (1,9% tổng dư nợ), tăng 86% so với đầu tháng 8/2021.
Mới đây, BIDV trình cổ đông phương án phát hành gần 1.037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021-2022, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 50.585 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu được phát hành theo phương án này tương đương 25,77% lượng cổ phiếu hiện hành, cao hơn kế hoạch đề ra đầu năm là 12,2% bao gồm 5,2% cho cổ tức năm 2019 và 7% năm 2020. Hội đồng quản trị thống nhất ngày 24/12/2021 là ngày đăng kí cuối cùng để chi trả cổ tức cổ phiếu cùng với 2% cổ tức tiền mặt của năm 2020.
KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của BID đạt 10.765 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 14.213 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu là 51.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 13,4% so với giá tại ngày 13/12/2021.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu BID của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tại đây.
VNDIRECT: Khuyến nghị trung lập với cổ phiếu KBC, giá mục tiêu 56.100 đồng
Quý III năm 2021, doanh thu KBC tăng 60,6% so với cùng kỳ lên 324,9 tỷ đồng nhờ cho thuê 1,9ha đất khu công nghiệp và 2,3ha đất nhà ở. Biên lợi nhuận gộp giảm 6,3% so với cùng kỳ còn 48,9% do phân khúc nhà ở có biên lợi nhuận gộp thấp đóng góp nhiều hơn. Điều này cùng với việc chi phí tài chính tăng mạnh 135,0% so với cùng kỳ dẫn đến khoản lỗ ròng 68,4 tỷ đồng trong quý III năm 2021 (so với mức lỗ ròng 20,8 tỷ đồng trong quý III năm 2020). Lũy kế, lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2021 tăng 1.802,7% so với cùng kỳ lên 571,7 tỷ đồng, từ mức cơ sở thấp 9 tháng 2020, hoàn thành 47,8% dự phóng của chúng tôi.
Đáng chú ý, chiến lược đẩy mạnh mở rộng quỹ đất đồng thời phát triển các dự án quy mô lớn dẫn đến nhu cầu về nguồn vốn lưu động của KBC tăng đáng kể. Để tài trợ cho chiến lược này, KBC đã phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với mức giá 34.096 đồng/cổ phiếu, từ đó huy động được khoảng 3.400 tỷ đồng trong tháng 10 năm 2021.
VNDIRECT cho rằng việc huy động vốn này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động đầu tư dài hạn của KBC, tuy nhiên điều này cũng dẫn đến việc pha loãng vốn chủ sở hữu 8,2%. Tổng nợ của KBC cũng tăng đáng kể 155,8% so với cùng kỳ lên 7.376 tỷ đồng trong quý III năm 2021. Từ đó, tổng tài sản của KBC cuối quý III năm 2021 đã tăng 56,0% so với cùng kỳ lên 30.200 tỷ đồng và tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu cũng tăng 20,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên 0,5 lần. Bên cạnh đó, KBC cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu cổ tức tỷ lệ 33,33%, tương ứng với 189,9 triệu cổ phiếu trong quý IV năm 2021 đến quý I năm 2022.
VNDIRECT dự báo doanh thu 2021 là 4.909 tỷ đồng (tăng 128,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 2021 hạ 36,0% còn 1.196 tỷ đồng (tăng 433,7% so với cùng kỳ) để phản ánh việc chậm bàn giao tại các dự án khu đô thị Phúc Ninh và Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh.
Công ty chứng khoán này dự báo doanh thu 2022 của KBC sẽ đạt 6.671 tỷ đồng (tăng 35,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 2022 đạt 1.723 tỷ đồng (tăng 44,1% so với cùng kỳ), đồng thời kỳ vọng lợi nhuận ròng 2023 sẽ tăng mạnh mẽ 109,7% so với cùng kỳ lên 3.612 tỷ đồng nhờ sự đóng góp mới của các dự án khu đô thị Tràng Cát và khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Vì vậy, VNDIRECT khuyến nghị trung lập với cổ phiếu KBC, giá mục tiêu là 56.100 đồng.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu KBC của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.
Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu HDB, giá mục tiêu là 33.399 đồng
Tính đến hết quý III năm 2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) là 1,40% và vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tính riêng cho ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu (NPL) chỉ đạt 0,99% (tăng 0,06 điểm phần trăm kể từ đầu năm đến nay); thế nhưng tỷ lệ NPL của HD Saison đạt đến 7,4% (tăng 1,6 điểm phần trăm kể từ đầu năm đến nay). Sở dĩ có sự khác biệt là do dư nợ cho vay của HD Saison phần lớn là những khoản cho vay không có tài sản đảm bảo với khách hàng là những người đi vay có thu nhập thấp và phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý III năm 2021 của HDB đạt 81% là tương đối thấp so với VCB (243%), MBB (233%), ACB (198%) hay TCB (184%).
"Phải thừa nhận rằng tỷ lệ LLR nên được xem xét với giá trị tài sản thế chấp; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giá trị thị trường của một vài loại tài sản thế chấp nhất định (như tài sản thế chấp liên quan đến cho vay tiêu dùng như mua xe máy, chiếm khoảng 30% tổng tài sản của HD Saison) có thể sẽ dễ bị biến động và tốn nhiều thời gian hơn để thanh lý", Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu quan điểm.
Yuanta khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu HDB, giá mục tiêu là 33.399 đồng/cổ phiếu, cao hơn 12,8% so với giá cổ phiếu HDB vào ngày 14/12/2021.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu HDB của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tại đây.