Nhận định cổ phiếu ngày 14/1: HMR, VHC và VCB
SHS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HMR, giá mục tiêu 22.000 đồng
Theo nhận định từ SHS, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai (HNX: HMR) đa dạng theo chuỗi giá trị, từ khai thác đá, sản xuất tà vẹt và hoạt động xây lắp, sử dụng đá nguyên liệu và đây là một trong những lợi thế mà công ty có thể hưởng lợi trong tương lai. Mảng kinh doanh đá và tà vẹt của HMR có biên lợi nhuận gộp tích cực trên 30%.
Trong giai đoạn 2017 đến 2021, tốc độ tăng trưởng CARG (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) doanh thu của HMR đạt 18%, tăng trưởng lợi nhuận đạt 84%. Hoạt động kinh doanh của HMR trong trung hạn dự báo tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.
Trữ lượng còn lại tại mỏ đá Hoàng Mai còn khoảng 2,7 triệu tấn có thể đem lại doanh thu lợi nhuận đột biến cho HMR trong trường hợp công ty tận dụng giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, HMR ghi nhận 56,97 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 4,87 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của HMR giảm xuống 17,4% trong 9 tháng đầu năm do công ty đẩy mạnh mảng xây dựng hạ tầng, khiến doanh thu mảng xây lắp có trọng số cao hơn trong tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp mảng đá và tà vẹt dự ứng lực vẫn duy trì tương đối tích cực. Tính chung 9 tháng đầu năm, HMR hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu, 57% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Năm 2021, SHS ước tính HMR đạt 86,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% và 6,58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 21% so với năm trước. EPS điều chỉnh do pha loãng năm 2021 dự báo đạt 1.616 đồng/ cổ phiếu. Năm 2022, SHS dự báo HMR đạt 100,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% và 8,56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 30% so với năm trước. EPS năm 2022 được dự báo đạt 1.525 đồng/ cổ phiếu. Cổ phiếu HMR chào sàn ở mức P/E dự phóng 2021 là 9,71x, thấp hơn đáng kể so với mức PE 13,2x của các doanh nghiệp khai thác đá cùng ngành và đây là một mức giá được SHS cho là hợp lý và hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Để xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu HMR, SHS sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF kết hợp phương pháp so sánh P/E với các công ty cùng ngành với tỷ lệ 60:40. Như vậy, SHS định giá cổ phiếu HMR ở mức 22.000 đồng/ cổ phiếu (làm tròn). So sánh với mức giá chào sàn 15.700 đồng/cổ phiếu của HMR, giá chào sàn của HMR đang thấp hơn 40% so với mức định giá hợp lý.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu HMR của Công ty Chứng khoán SHS tại đây.
TVSI: Khuyến nghị phù hợp đối với cổ phiếu VHC, giá mục tiêu 73.500 đồng
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh thu tăng mạnh trong tháng 11 vừa qua và đạt 950 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 8.118 tỷ doanh thu, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá tra tăng 30% so với cùng kỳ. Doanh thu phụ phẩm tăng 54% so với cùng kỳ năm trước lên 175 tỷ. Collagen & Gelatin tăng 23% so với cùng kỳ năm trước lên 52 tỷ đồng. Sản phẩm khác tăng 560% so với cùng kỳ năm trước lên 99 tỷ đồng trong đó SGC đóng góp 37 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của Agrimonitor, giá xuất khẩu cá tra bình quân quý IV năm 2021 tăng 10,5% so với quý trước và 32,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Mỹ tăng 9,4% so với quý trước và tăng 48% so với cùng kỳ năm trước và Trung Quốc cũng lần lượt tăng 17,1% và 36,1% do nhu cầu tăng cao cuối năm trong khi nguồn cung cá tra tại Việt Nam suy giảm dưới tác động từ chính sách giãn cách xã hội trong quý III năm 2021.
TVSI cho rằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ có có sự hạ nhiệt trong năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, trong khi đó giá bán tại Trung Quốc có thể duy trì đà tăng trong quý I năm 2022 trước khi hạ nhiệt về cuối năm khi Trung quốc nới lỏng hạn chế thủy sản. Nhìn chung mặt bằng giá cá tra trong năm 2022 vẫn sẽ ở mức cao giúp VHC có thể tiếp tục cải thiện mức biên lãi gộp.
Trong năm 2021, giá cước vận tải container các tuyến Châu Á – Châu Âu, Châu Á – Bắc Mỹ tăng bình quân 4 – 8 lần do tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển do Covid-19, một số cảng lớn đóng cửa theo chính sách phong tỏa của Chính phủ và tình trạng thiếu hụt container rỗng. Hiện chính phủ nhiều quốc gia đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 giúp cho hoạt động lưu chuyển hàng hóa giữa các quốc gia được nối lại, vì vậy giá cước vận tải biển dự báo sẽ dần suy giảm trong năm 2022. Dù vậy chúng tôi cho rằng mức giảm chưa quá lớn do Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero covid và nguồn cung tàu container đóng mới phải sáng năm 2023 mới được bàn giao mạnh.
Dự báo năm 2021, VHC có thể đạt doanh thu 9.085 tỷ (tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 955 tỷ (tăng 32,7 so với cùng kỳ năm trước). Như vậy trong quý IV 2021, VHC có thể tăng trưởng 37,4% doanh thu và 100% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ. Đối với năm 2022, TVSI cho rằng VHC có thể tăng trưởng 16,8% lợi nhuận sau thuế lên 1.115 tỷ, tương đương EPS trong năm 2022 đạt 6.126 đồng/ cổ phiếu.
Mở phiên 14/1, giá cổ phiếu VHC ở mức 60.900 đồng, thấp hơn 21% so với giá mục tiêu mà TVSI đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VHC của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tại đây.
Yuanta: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2021 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Trước đó, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2021 là 25,6 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, lợi nhuận sau thuế ước tính trong quý IV 2021 đạt khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với quý trước và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước). VCB công bố ROA (mức doanh thu trên tài sản) của ngân hàng đạt 1,55% và ROE (doanh thu trên vốn chủ sở hữu) đạt 20,8% trong năm 2021
Dư nợ cho vay tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt 964 nghìn tỷ đồng, và huy động tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.154 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Ngân hàng báo cáo thu nhập phí ròng sơ bộ tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng đạt khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng). Từ đó, chúng tôi ước tính được thu nhập lãi ròng quý IV 2021 là 2,4 nghìn tỷ đồng (tăng 116% so với quý trước và giảm 21% so với cùng kỳ năm trước).
VCB mới đây đã công bố trích lập đủ dự phòng cụ thể cho toàn bộ khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021, sớm hơn 2 năm so với thời hạn quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VCB vẫn đang ở mức cao nhất ngành, đạt khoảng 424%.
Tỷ lệ CASA (lượng tiền gửi không kỳ hạn) bình quân là 32,2% tính đến cuối quý IV 2021 (tăng 3,3 điểm so với cùng kỳ năm trước). Ngân hàng công bố sẽ miễn toàn bộ phí giao dịch và phí duy trì dịch vụ trên nền tảng VCB Digibank, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Cổ phiếu VCB đang giao dịch tương ứng với P/B là 2,5 lần, so với trung vị ngành là 1,6 lần. Yuanta cho rằng VCB là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam và tin rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với trung bình ngành.