Nhận định cổ phiếu ngày 12/1: GAS, AAA và VJC
PHS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GAS, giá mục tiêu 123.500 đồng
Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) là nhà cung cấp khí khô duy nhất tại Việt Nam, chiếm phần lớn doanh số bán LPG và Condensate tại thị trường này.
Hiện nay, giá dầu duy trì ở mức cao sẽ củng cố vững chắc lợi nhuận của GAS và thúc đẩy mở rộng các hoạt động thăm dò và khai thác của ngành dầu khí. Tận dụng cơ hội đó, Công ty cũng đang đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và phân phối Khí hóa lỏng (LNG), LNG Thị Vải, 2022-2023 và LNG Sơn Mỹ từ năm 2025 nhằm phục vụ nhu cầu khí đốt tăng cao trong nước khi Chính phủ đã nhấn mạnh sự chuyển dịch năng lượng xanh để đáp ứng yêu cầu giảm thải carbon đã cam kết giữa các quốc gia và do đó, sẽ ưu tiên nguồn năng lượng từ khí trong tầm nhìn đến năm 2030. Sự chuyển dịch này cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng công nghiệp và hộ gia đình được kỳ vọng sẽ thắp sáng triển vọng của công ty trong tương lai sắp tới.
Dựa vào những căn cứ trên, PHS kỳ vọng doanh thu của công ty sẽ tăng trưởng vào năm 2022 khi đại dịch đã trong tầm kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng đang tăng với tốc độ cao. Với giả định giá dầu ổn định ở mức 70 USD/thùng, doanh thu có thể đạt 89 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
PHS đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 123.500 đồng.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu GAS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng tại đây.
Mirae Asset: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu AAA, giá mục tiêu 27.100 đồng
Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) hoạt động chính trong lĩnh vực nhựa bao bì và hạt nhựa, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, vận tải, … Hệ thống công ty đến nay bao gồm 7 nhà máy sản xuất bao bì màng mỏng với tổng công suất gần 120 ngàn tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp với công suất 12 ngàn tấn/năm và 1 nhà máy sản xuất phụ gia CaCO3 với công suất 96 ngàn tấn bột đá và 96 ngàn tấn phụ gia nhựa/năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ AAA đạt 8.956 tỷ và 224 tỷ đồng, lần lượt tăng 68,7% và 9,5% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,7% xuống 10,2% do chi phí vận tải gia tăng, doanh thu cho thuê đất đạt 305 tỷ đồng, doanh thu cho thuê bất động sản tăng 47% so với cùng kỳ và đạt 74 tỷ đồng.
Trong cả năm 2021, Mirae Asset dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc công ty mẹ đạt 12.149 tỷ và 303 tỷ đồng, lần lượt tăng 63,5% và 15,4% so với cùng kỳ. Năm 2022, dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc công ty mẹ đạt 15.070 tỷ và 531 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 75,3% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,5% lên mức 11%, doanh thu mảng bao bì đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 23,9%so với năm 2021, doanh thu mảng thương mại hạt nhựa tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 5.659 tỷ đồng, mảng bất động sản và khu công nghiệp đạt 582 tỷ đồng, tăng 31,6% so với năm 2021.
Ngành nhựa đang duy trì mức tăng trưởng doanh thu chung từ 16 đến 18% trong giai đoạn 2016-2020. Mirae Asset kỳ vọng ngành nhựa tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng cao quanh 15%/năm trong những năm tới. Ngoài ra, mảng bất động sản khu công nghiệp của AAA nổi bật với An Phát 1 Hải Dương với diện tích 180 ha. Mirae Asset kỳ vọng giá thuê đất trung bình đạt khoảng 85 đến 100 USD/m2/chu kỳ thuê.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu AAA của Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset tại đây.
VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu VJC, giá mục tiêu 130.600 đồng
Công ty Cổ phần Vietjet Air( HoSE: VJC) là hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Việt Nam và là một tên tuổi đang nổi lên trong khu vực. Thời gian qua, mảng vận tải hàng không nội địa của VJC chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vào cuối năm do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam. Do các hạn chế về chuyến bay quốc tế vẫn còn nghiêm ngặt, phân khúc trong nước đã đóng góp chính vào lợi nhuận cốt lõi của các hãng hàng không tại Việt Nam. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 tái bùng phát vào quý III/2021, số lượng chuyến bay nội địa của VJC đã giảm 89% so với cùng kỳ năm 2020 trong quý III/2021. VCSC cho rằng số lượng chuyến bay nội địa của VJC sẽ vẫn ở mức thấp trong quý IV/2021 khi số lượng các chuyến bay đã giảm 81% so với cùng kỳ năm 2020 tính riêng trong tháng 10 và tháng 11/2021.
Vì vậy, đối với năm 2021, VCSC dự báo cho khoản lỗ của mảng vận tải không bao gồm thu nhập tài chính ở mức khoảng 7 nghìn tỷ đồng khi tác động tiêu cực từ dự báo sản lượng nội địa thấp hơn được bù đắp bởi dự báo chi phí thuê máy bay giảm.
Chính phủ Việt Nam đã cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ bắt đầu từ tháng 01/2022. Tần suất các chuyến bay sẽ thấp ở giai đoạn đầu. Vì vậy, VCSC dự báo mảng vận tải của VJC sẽ bắt đầu sinh lời từ năm 2022, chủ yếu được đóng góp bởi sản lượng vận tải quốc tế phục hồi và sự phục hồi mạnh mẽ của các mảng kinh doanh phụ trợ.