Nhận định cổ phiếu ngày 7/1: KBC, GDT và CTG
VNDirect: Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu KBC, giá mục tiêu 81.800 đồng
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) dự kiến chuyển nhượng 50 ha đất thương phẩm mỗi năm tại dự án khu đô thị Tràng Cát, thay vì tự phát triển để bán lẻ kết hợp bán buôn như kế hoạch trước đó. Kế hoạch này được cho là sẽ mang lại dòng tiền cho KBC nhanh hơn và khả thi về mặt pháp lý hơn, do dự án gần như đã có thể chuyển nhượng sau khi hoàn tất việc san lấp. Ban lãnh đạo chia sẻ đã nhận được giấy phép san lấp trong quý IV năm 2021, KBC dự kiến tiến hành san lấp từ đầu nawm 2022, và kỳ vọng ghi nhận 10.000 đến 12.000 tỷ đồng doanh thu từ dự án này trong 2022. Nói cách khác, hướng đi mới cho dự án khu công nghiệp Tràng Cát có thể mang lại nhiều triển vọng cho công ty.
Bên cạnh đó, công ty sẽ được hưởng lợi từ hơn 2.000 ha đất khu công nghiệp được bổ sung trong năm 2022 đến 2024. Cụ thể, vào cuối năm 2021, KBC đã được chấp thuận đầu tư tại ba cụm công nghiệp (225 ha) ở Hưng Yên. Ngoài ra, ba khu công nghiệp mới KBC đề xuất đầu tư tại Hải Dương (1.291 ha) cũng đã được thêm vào quy hoạch tổng thể, sau hơn 3 năm chờ đợi.
VNDirect cho rằng những dự án này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng trong dài hạn của KBC. Bên cạnh đó, KBC chia sẻ công ty dự kiến sẽ kí MOU (biên bản ghi nhớ) cho thuê 115 ha tại khu công nghiệp Tràng Duệ 3 vào đầu năm 2022 với giá trị hơn 150 triệu USD (trong đó LG Display Vietnam dự kiến thuê 80 ha), giá thuê khoảng 130 đến 140 USD/m2/kỳ thuê. Công ty đã bắt đầu thu gom 100 đến 200 ha diện tích đất đầu tiên tại dự án này từ quý IV năm 2021 và kỳ vọng có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý trong 2022.
Vì các yếu tố tích cực trên, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 ở kịch bản cơ sở tăng lần lượt 325,1% và 136,9% đạt 7.323 tỷ đồng (tăng 591,5% so với cùng kỳ năm trước) và 8.558 tỷ đồng (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước) để phản ánh sáu dự án khu công nghiệp/ cụm công nghiệm mới được bổ sung trong tháng 12/2021 có thể đi vào hoạt động trong 2022 đến 2024 và kế hoạch bán buôn mới tại dự án khu đô thị Tràng Cát. Biên lợi nhuận gộp năm 2022 có thể tăng 8,1% lên 63,8% và duy trì ở mức cao 65,4% trong 2023 nhờ đóng góp của khu đô thị Tràng Cát có biên lợi nhuận cao.
VNDirect đưa ra mức giá mục tiêu 81.800 đồng/cổ phiếu dựa trên định giá DCF cho sáu dự án khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới tại Hưng Yên và Hải Dương và kế hoạch bán buôn mới tại khu đô thị Tràng Cát.
Mở phiên 7/1, giá cổ phiếu KBC ở mức 61.800 đồng, thấp hơn 32% so với giá mục tiêu mà VNDirect đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu KBC của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect tại đây
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GDT, giá mục tiêu 71.800 đồng
Gần đây, Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 2021. Trong đó, doanh thu thuần đạt 338,7 tỷ (giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 56,1 tỷ đồng (giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước), vượt 4% và 10% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng mà công ty đề ra.
Theo ước tính của BVSC, doanh thu quý IV/2021 của GDT đã phục hồi đáng khích lệ 181% so với quý trước lên 91,5 tỷ đồng, sau khi hoạt động sản xuất trở lại vào đầu tháng 9. Cụ thể, doanh thu hậu giãn cách đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi doanh thu tháng 10 năm 2021 đạt 23,7 tỷ (cao hơn 38,7% so với mức tháng 9 là 17,1 tỷ). Doanh thu tiếp tục tăng 14,2% so với tháng trước lên 27,0 tỷ vào tháng 11. Xu hướng này tiếp tục duy trì khi doanh thu tháng 12 tăng mạnh lên 41,0 tỷ (tăng 51,9% so với tháng trước).
Xuất khẩu vẫn là nguồn đóng góp chính ở mức 286,5 tỷ (giảm 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chiếm 84,6% doanh thu thuần 2021), việc tăng tốc xuất khẩu sang các thị trường ngoài châu Á là điểm nhấn chính, chủ yếu nhờ vào việc tuân thủ hiệu quả các yêu cầu ESG, giúp có được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các đối tác ở Châu Âu và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh 180,1% so với cùng kỳ năm trước lên 20,0 tỷ, tương đương 7,0% doanh thu xuất khẩu năm 2021 so với mức 2,1% của năm 2020. Ngoài ra, xuất khẩu sang Châu Âu đạt 48,7 tỷ (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước), nâng mức tỷ trọng đóng góp từ 15,6% năm 2020 lên 17,0% doanh thu xuất khẩu năm 2021.
Cho đến nay, các đơn đặt hàng xuất khẩu của GDT duy trì mạnh mẽ ở mức gần 7,0 triệu USD (sẽ được giao trong nửa đầu năm 2022), cao hơn đáng kể so với mức 3,7 triệu USD cuối năm 2020 (sẽ được giao trong năm 2021). BVSC đánh giá cao triển vọng mà những đơn hàng này có thể mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt.
Theo trao đổi với Ban lãnh đạo, BVSC cho biết GDT đang đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 phục hồi nhanh chóng ở mức 41,7% so với cùng kỳ năm trước lên 480 tỷ (cao hơn 20% so với mức kỷ lục gần nhất trong năm 2020 là 400,4 tỷ).
BVSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2022 của GDT là 474 tỷ (tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2021) và 90,8 tỷ (tăng 61,9% so với cùng kỳ năm trước). Để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ khách hàng, GDT đang mở rộng diện tích sản xuất thêm 1.000 m2, tương đương 20% công suất sản xuất hiện tại. GDT vẫn chưa công bố kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022 ở thời điểm hiện tại.
Mở phiên 7/1, giá cổ phiếu GDT ở mức 61.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 16% so với giá mục tiêu mà BVSC đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu GDT của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại đây
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTG, giá mục tiêu 39.700 đồng
Nhu cầu tín dụng (đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp) khá mạnh trong quý IV/2021, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Công ty Chứng khoán SSI ước tính tổng tín dụng tăng ròng khoảng 450 nghìn tỷ đồng riêng trong quý IV năm 2021 (so với 724 nghìn tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2021). Đà tăng trưởng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong 2022. Nhu cầu vay cũng lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG) được cho là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này.
Các dịch vụ tính phí tăng mạnh từ cả dịch vụ thanh toán và hoạt động bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng). Thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Trong năm 2022, CTG được cho là sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife, tận dụng đà tăng của nhu cầu bảo hiểm. Các ngân hàng được cho là vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các hợp đồng bancassurance để đáp ứng các KPI mới hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước.
Theo Thông tư 16/2021 kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng. Do tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và 2 thời hạn quan trọng này, rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng sẽ tăng cao.
Tại thời điểm cuối quý III năm 2021, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu và nợ tái cơ cấu của CTG là 75%. SSI ước tính chi phí tín dụng 2021 đạt mức kỷ lục 1,62% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng mạnh vào cuối năm.
CTG đã tích cực thúc đẩy mảng bán lẻ và ngân hàng giao dịch trong những năm gần đây. Hiệu quả hoạt động cải thiện với CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) đạt 29% trong 9 tháng 2021 – Top 4 ngân hàng được đánh giá khả quan của SSI trong khi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tiếp tục trong xu hướng tăng. CTG được dự đoán sẽ giao dịch tại PB (tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách) 2022 là 1,56x, ROE (lợi nhuận trên vốn) là 17,6%.
Mở phiên 7/1, giá cổ phiếu CTG ở mức 34.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 17% so với giá mục tiêu mà SSI đưa ra.