Thứ năm, 25/04/2024, 11:58 AM
Đầu tư   •   Chủ nhật, 26/12/2021, 17:15 PM  •  26/12/2021, 17:15

Giải đáp 5 câu hỏi cơ bản về chứng khoán cho người mới bắt đầu

Quá trình đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu không tránh khỏi những câu hỏi, thắc mắc. Sau đây là 5 câu hỏi cơ bản về chứng khoán cho người mới bắt đầu.

Câu hỏi 1: “Khi mua hoặc bán thì phải theo 1 lô bội số của 100 cổ phiếu trở lên?”

Đây thực sự là một trong những điều đáng quan tâm về chứng khoán cho người mới bắt đầu. Để có thể thành thạo sử dụng các lệnh, các công cụ hỗ trợ trong giao dịch, các nhà đầu tư mới sẽ cần rất nhiều thời gian để học hỏi.

Về cơ bản, thì đúng là vậy. Việc giao dịch lô chẵn như trên có thể giúp cho hệ thống giảm bớt được gánh nặng trong việc phân tích, thống kê khi các giao dịch dần trở nên dễ quan sát. Cụ thể, đối với sàn chứng khoán TP. HCM, kể từ ngày 04/01/2021, HoSE đã triển khai áp dụng tăng đơn vị giao dịch lô chẵn là 100 đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo; thay cho quy định lô chẵn là 10 chứng khoán như trước. 

Ngoài ra, cũng từ ngày 04/01/2021, các lệnh không đúng quy định về lô sẽ không đẩy được lên sàn.

Đối với sàn chứng khoán HNX, đơn vị giao dịch (lô chẵn) đối với giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Tương tự đối với sàn chứng khoán UPCoM, đơn vị giao dịch khớp lệnh liên tục là 100 chứng khoán.

Như vậy, kể từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị giao dịch trên cả ba sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM đều đã được quy định và đồng bộ là 100 đơn vị, nghĩa là nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh với số lượng ít nhất 100 cổ phiếu và phải là bội số của 100.

Câu hỏi 2 :”Có thể giao dịch lô lẻ, cụ thể là nhỏ hơn 100 không?”

Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HoSE, nhà đầu tư có thể đặt bán trực tiếp trên bảng giá công ty chứng khoán (chọn phần giao dịch lô lẻ) nếu công ty chứng khoán cung cấp tính năng này.

Hoặc khách hàng có thể bán lại cho công ty chứng khoán bằng cách ký vào hợp đồng mua bán chứng khoán lô lẻ và gửi cho họ. Sau khi có chứng từ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), công ty chứng khoán sẽ hạch toán rút cổ phiếu lô lẻ khách hàng đã bán và ghi có số tiền tương ứng vào tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

Giá bán cổ phiếu lô lẻ bằng 90% giá tham chiếu tại ngày ký hợp đồng hoặc là giá sàn ngày giao dịch, tùy thuộc quy định của từng công ty chứng khoán.

Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HNX và UPCoM, nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán bằng một trong các cách, bán lô lẻ online trên ứng dụng của công ty chứng khoán, đặt lệnh qua nhân viên quản lý tài khoản hay qua tổng đài, hoặc tới trực tiếp công ty chứng khoán.

Lệnh giao dịch lô lẻ sau khi khớp cũng được thanh toán bù trừ như lệnh giao dịch bình thường. Giá bán phụ thuộc vào giá chờ mua đối ứng trên HNX hoặc UPCoM. 

Câu hỏi 3 : "Cổ phiếu được khớp lệnh như thế nào?”

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trên thị trường chứng khoán, khớp lệnh là hoạt động hoàn thành thỏa thuận giữa người mua và người bán trên hệ thống giao dịch điện tử trực tuyến. Trong đó các phương thức khớp lệnh của nhà đầu tư được ghép với nhau theo nguyên tắc ưu tiên của thị trường để giao dịch chứng khoán với mức giá phù hợp.

Khi khớp lệnh, hệ thống giao dịch thực hiện so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên về giá và thời gian. Cụ thể, lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước, lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước. Trường hợp các lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Trên thực tế, mỗi sàn giao dịch sẽ có các hình thức khớp lệnh khác nhau, từ đó quy định và đặc điểm để khớp lệnh cũng khác nhau ở từng sở giao dịch. Sau đây là một số hình thức khớp lệnh:

Phương pháp khớp lệnh định kỳ

Đây là phương thức giao dịch dựa trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán do hệ thống giao dịch thực hiện tại một thời điểm xác định. Các sở giao dịch chứng khoán thường sử dụng phương thức khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa và giá đóng cửa.

Giá khớp lệnh là mức giá được xác định từ kết quả khớp lệnh của Trung tâm giao dịch chứng khoán, thỏa mãn được nhu cầu của người mua và người bán và áp dụng cho tất cả các lệnh được thực hiện. Giá khớp lệnh được xác định là mức giá thực hiện đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điểm thì mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn. Nếu vẫn còn nhiều mức giá thỏa mãn điểm thì mức giá cao hơn sẽ được chọn.

Phương pháp khớp lệnh liên tục

Phương thức khớp lệnh liên tục hiểu một cách đơn giản là lệnh sau khi được nhập vào hệ thống sẽ được so khớp và việc mua bán được hình thành ngay tức thì, tức là giá cả được xác định liên tục chứ không phải đưa lệnh vào rồi chờ đến một thời điểm nhất định nào đó hệ thống giao dịch mới khớp lệnh như khớp lệnh định kỳ . 

Khớp lệnh liên tục là một biện pháp nhằm giảm thiểu những tiêu cực trong việc ưu tiên lệnh ở một số công ty chứng khoán hiện nay. Với phương thức khớp lệnh mới này, nhà đầu tư cần chuyên nghiệp hơn và phải quyết đoán tức thì.

Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVSI) cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư mới. Thứ nhất, nhà đầu tư phải tập trung theo dõi thị trường và theo dõi mức giá đặt lệnh, khi đã đặt lệnh thì phải hết sức lưu ý là nếu muốn mua ở mức giá nào thì hãy đặt ở mức giá đó, đừng cố tình đặt giá trần.

Lưu ý thứ hai là đối với lệnh thị trường, phải hết sức cảnh giác. Bên cạnh tính ưu việt là tạo khả năng giao dịch thành công rất cao, thì mặt trái của lệnh thị trường là có thể khớp tại giá mà người đầu tư không mong muốn.

Câu hỏi 4: "Các mức giá chào mua và chào bán có ý nghĩa gì? Đặt giá bán thấp và mua giá cao sẽ khớp lệnh nhanh hơn đúng không?"

Về các cột giá, thông thường, các bảng giá sẽ chia thành hai bên đại diện cho bên mua và bên bán. Cụ thể, mỗi bảng giá đều có 3 cột chờ mua và bán. Mỗi cột bao gồm Giá mua và Khối lượng mua tương ứng, Giá bán và Khối lượng bán tương ứng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. 

Ở cột chờ mua, hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất so với các lệnh đặt khác) và khối lượng đặt mua tương ứng. Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá đặt mua cao thứ hai hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức Giá 1. Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh đặt mua có mức độ ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức Giá 2.

Cũng như thế, hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt bán tốt nhất (giá đặt bán thấp nhất so với các lệnh đặt khác) và khối lượng đặt bán tương ứng. Cột “Giá 1” và “KL 1” biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Tiếp theo, cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá chào bán cao thứ hai hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức Giá 1. Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh chào bán có mức độ ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức Giá 2.

Như đã nói trên, với mức giá bán càng thấp hay mức giá mua càng cao, kết hợp với yếu tố thời gian, hệ thống sẽ ưu tiên khớp lệnh. Nhưng cách khớp lệnh sẽ còn phụ thuộc vào từng loại lệnh mà nhà đầu tư sử dụng. Các loại lệnh như LO, MP, ATO, ATC,... và cách ứng dụng đều rất quan trọng khi tìm hiểu đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu.

Câu hỏi 5: "Sau bao lâu thì nhà đầu tư nhận được tiền bán chứng khoán?"

Trong giao dịch chứng khoán, khi nhà đầu tư tiến hành đặt lệnh mua hoặc bán một mã chứng khoán thành công thì ngày đó là ngày giao dịch (còn gọi là ngày T+0). Ngày sau đó gọi là ngày T+1. 

Lưu ý rằng ngày làm việc tiếp theo của thị trường chứng khoán không tính ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định được gọi là T+1. Ngày tiếp theo nữa gọi là T+2; và thêm 01 ngày sau đó nữa gọi là T+3.

Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, thì sau khi mua xong, nhà đầu tư phải đợi sau 2 ngày làm việc, tức là ngày T+2 thì cổ phiếu mà nhà đầu tư mua mới về tài khoản và vào ngày làm việc tiếp theo (tức ngày T+3) thì nhà đầu tư mới có thể bán được.

Tương tự, khi bán cổ phiếu, phải đợi đến 16 giờ 30 phút ngày T+2, nhà đầu tư mới nhận được tiền và đến ngày T+3 mới có thể thực hiện các giao dịch khác từ số tiền này.

Để khắc phục độ trễ này, nhà đầu tư có thể sử dụng chức năng ứng trước tiền bán chờ về được cung cấp bởi một số công ty chứng khoán với mức phí được công ty chứng khoán quy định.

Huy Hoàng

Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nằm la liệt, VN-Index giảm 18 điểm

Đầu tư   •   Thứ bảy, 20/04/2024, 13:27 PM
Trong phiên hôm nay (19/4), với hơn 400 mã giảm giá trong đó cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nằm la liệt khiến VN-Index giảm 18,16 điểm, tiếp đà trượt dốc trong những ngày qua, xuống còn 1.174,85 điểm.

Lợi nhuận Home Credit lao dốc 68%, về mức thấp kỷ lục

Đầu tư   •   Thứ bảy, 20/04/2024, 13:27 PM
Năm 2023, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 375,3 tỷ đồng, giảm 68,4% so với năm 2022.

Cổ phiếu lao dốc đồng loạt, VN-Index mất hơn 13 điểm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:57 AM
Áp lực xả hàng từ nhà đầu tư khiến sắc đỏ lan tràn hầu hết khắp thị trường. VN-Index chốt phiên mất 13,14 điểm, đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Bột giặt NET muốn trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 50%

Đầu tư   •   Thứ tư, 03/04/2024, 09:43 AM
CTCP Bột giặt Net dự tính chi khoảng 112 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông sau một năm kinh doanh thuận lợi với kết quả cao kỷ lục.

IDI lên kế hoạch chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Đầu tư   •   Thứ hai, 01/04/2024, 16:39 PM
Ban lãnh đạo IDI đề xuất chia cổ tức năm 2022 và năm 2023 là 20% vốn điều lệ (hơn 455 tỷ đồng), lên kế hoạch lãi sau thuế 276 tỷ đồng.