Cách để người 'siêu tiết kiệm tiền' trong đại dịch thích nghi sau đại dịch
Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của hàng triệu con người. Có rất nhiều người mất đi thu nhập và tài chính gia đình suy giảm trầm trọng, có hàng ngàn hộ dân còn phải sống nhờ trợ cấp Nhà nước. Những biến động tiêu cực do Covid-19 gây ra đã khiến nhiều người có xu hướng tiết kiệm hơn dù trước đó thu nhập của họ có cao hay thấp. Nếu đại dịch chưa chấm dứt, giãn cách xã hội vẫn kéo dài thì có thể nguồn tiền dự trữ còn lại của người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Dịch bệnh đã làm xuất hiện một thế hệ mới trong xã hội - thế hệ những người tiết kiệm đến mức cực đoan, hay còn gọi là những người siêu tiết kiệm tiền.
Cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại, vậy những người siêu tiết kiệm tiền sẽ đối mặt với cuộc sống mới thế nào? Họ sẽ cảm thấy "tội lỗi" khi phải chi tiêu nhiều hơn - điều quá sức so với kỉ luật tiết kiệm của họ, hay dễ dàng bị cám dỗ bởi những thói quen chi tiêu xấu khi nghĩ rằng họ xứng đáng được bù đắp sau thời gian dài cực khổ?
Những người đã tiết kiệm được số tiền đáng kể sau đại dịch cần có kế hoạch phân bổ nguồn tiền hợp lý để tránh rơi vào bẫy chi tiêu. Sau đây là một số mẹo có thể giúp bạn:
Không ngừng đầu tư - "kim chỉ nam" cho người siêu tiết kiệm tiền hậu dịch
Đại dịch cũng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư dài hạn của nhiều người. Những người có xu hướng tiết kiệm cực đoan thường tiết kiệm được một khoản tiền lớn hơn phần còn lại, vì vậy, trong thế giới hậu đại dịch, những người siêu tiết kiệm tiền cần xem xét việc tiếp tục các chiến lược đầu tư dài hạn.
Đừng sợ rủi ro mà không đầu tư. Sau đại dịch là thời gian tuyệt vời để bạn nắm bắt các cơ hội đầu tư. Hãy học cách chấp nhận rủi ro, duy trì một danh mục đầu tư đa dạng để làm giàu và phớt lờ sự bất ổn của thị trường.
Kiểm soát các khoản nợ
Việc tiết kiệm tiền mặt trong đại dịch sẽ khiến bạn phải đối mặt với những cám dỗ chi tiêu khi Covid-19 giảm xuống. Các cạm bẫy này có thể phá hỏng ngân sách bạn đã dày công tiết kiệm. Tuy lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp nhưng hãy cố gắng hạn chế các khoản nợ hiện tại của bạn nếu không cần thiết và tìm cách trang trải các khoản nợ cũ.
Kiềm chế các khoản chi tiêu không cần thiết
Covid-19 biến ngôi nhà của bạn thành nơi làm việc, trường học hay thậm chí là khu vui chơi cho những đứa con. Dù tiết kiệm tiền, bạn vẫn bắt buộc phải đăng kí những gói dịch vụ để phục vụ nhu cầu cả gia đình. Khi thế giới bình thường trở lại, đã đến lúc phân tích các dịch vụ phải trả và cắt giảm những gì bạn có thể. Những chi phí khác như đi lại hoặc chi phí tham gia các hoạt động giải trí học tập trực tiếp có thể lấp đầy chỗ trống cho các dịch vụ trực tuyến trước đó.
Lập ngân sách và kế hoạch cho tương lai
Giữ ngân sách của bạn thực tế, linh hoạt và lập kế hoạch cho một tương lai gần. Khi mọi thứ quay lại guồng quay vốn có, các mô hình siêu tiết kiệm tiền sẽ không còn khả thi nữa. Hãy tránh bị cám dỗ bởi các khoản mua sắm bốc đồng khiến các khoản nợ phát sinh và suy nghĩ nhiều hơn đến các chi phí trong thực tế như chăm sóc con cái, gas, thực phẩm... Hãy lập kế hoạch và tích lũy một quỹ khẩn cấp ngay bây giờ. Một kế hoạch tài chính chắc chắn với sự kỉ luật sẽ giúp bạn tránh được nhiều cạm bẫy khi đối mặt với cuộc sống.