Top 6 cổ phiếu ngành dệt may có vốn hóa hàng đầu
1. Cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam được giao dịch trên sàn UPCoM. Giá trị vốn hóa hiện ở mức 9.350 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
Tại VGT, sợi được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến có xuất xứ từ Châu Âu, Nhật, Trung Quốc…Thiết bị đã đầu tư trong các dự án hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi các hãng chế tạo danh tiếng trên thế giới với tính tự động hóa cao, giúp cho việc kiểm soát chất lượng tốt hơn, tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Dây chuyền sản xuất vải dệt kim với công nghệ tiên tiến, được nhập chủ yếu từ Châu Âu, Đài Loan, Nhật Bản…do các hãng chế tạo có uy tín cung cấp (Máy dệt kim: Mayer Cie-Đức, Terrot-Đức, Fukuhara-Nhật, Fukahama-Đài Loan, Junnlong-Đài Loan; Máy nhuộm: Thies-Đức, Fong's – Hongkong).
Máy dệt vải dệt thoi được nhập chủ yếu từ Nhật Bản, trong đó máy dệt khí chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 80%). Máy dệt khí được đánh giá cao do tốc độ và hiệu suất máy cao (vận tốc trung bình 1000 vòng/phút), dễ thao tác, độ bền cao, phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu tại Việt Nam. Máy mắc và máy hồ hiện nay nhập chủ yếu từ EU và Đài Loan, với trình độ công nghệ tiên tiến, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dệt, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Máy nhuộm trong các dự án được nhập chủ yếu từ châu Âu và châu Á và được cung cấp bởi các hãng Thies-Đức, Fong's - Hongkong.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, thay vì từ vải trở đi như các hiệp định trước. Tức là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may phải tự chủ nguyên liệu đầu vào hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên trong Hiệp định, trong khi đó, thị trường nhập khẩu nguyên liệu dệt may chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này có thể gây áp lực đáng kể cho ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp có khả năng tự chủ được nguyên liệu đầu vào như các công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT).
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 11,91
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,02
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 9,28%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 4,19%
2. Cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công
Cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công được giao dịch trên sàn HoSE. Giá trị vốn hóa hiện ở mức 4.204 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
TCM đã hợp tác với Công ty Juki của Singapore để phát triển dự án Nhà máy thông minh, nâng cao năng lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào đội ngũ lao động trẻ, đồng thời nhận gia công thêm những đơn hàng nhỏ lẻ.
Không những thế, Công ty cũng đẩy mạnh phát triển hai mảng sản phẩm ít thâm dụng lao động hơn là sợi và vải. Điều này giúp cho Công ty không những có thể đa dạng hóa doanh thu mà còn giúp Công ty tự chủ nguyên vật liệu đầu vào, tham gia vào khâu thiết kế, sản xuất để tăng giá trị thành phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, Công ty chủ động đàm phán, thương lượng với khách hàng để gia hạn thời gian xuất khẩu trong thời kỳ dịch bệnh nhằm giữ chân những khách hàng lâu năm của mình. Công ty cũng đẩy mạnh phát triển bán hàng online trên hai sàn thương mại điện tử là Amazon của Mỹ và De Closet do chính Công ty thành lập để mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), TCM Hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cungứnghoànchỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.
Nhà máy may số 2 Vĩnh Long đã được khởi công xây dựng vào tháng 4/2021 với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Nhà máy với công suất 12 triệu sản phẩm/năm, đi vào hoạt động sẽ tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022.
Bên cạnh đó, TCM có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong 2022, tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt, tương ứng với mức tăng thêm 5.000 tấn vải đan/năm và 5.500 tấn vải nhuộm/năm.
Hơn nữa, trong năm 2019, TCM đã gia nhập chuỗi giá trị của Adidas, việc nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp TCM tháo gỡ thách thức trong năm 2019 khi năng lực may hiện tại không thể giải quyết hết được các đơn hàng xuất khẩu đã nhận và nắm bắt tốt hơn cơ hội từ Adidas.
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 34,71
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,36
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 8,58%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 4,36%
3. Cổ phiếu GIL của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
Cổ phiếu GIL của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh được giao dịch trên sàn HoSE. Giá trị vốn hóa của GIL hiện ở mức 3.828 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
Với 6 công ty con và 1 công ty liên kết chiến lược cùng với hơn 5.000 công nhân lành nghề, GIL sở hữu đầy đủ cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất cho phép công ty đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng và cam kết với các đối tác trong và ngoài nước về thời gian gia công, chất lượng sản phẩm, sản phẩm phát triển và điều phối hoạt động sản xuất.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), mô hình kinh doanh của 2 khách hàng lớn hỗ trợ sự ngược dòng tích cực của GIL trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Amazon và IKEA là hai khách hàng lớn của GIL với giá trị đơn hàng chiếm khoảng 80% doanh thu của GIL. Mô hình hoạt động của 2 khách hàng này tập trung mảng bán hàng online. Do đó, khi việc mua sắm online là sự lựa chọn thay thế mua sắm tại cửa hàng, đã ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp này, và góp phần cải thiện doanh thu của GIL.
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 7,12
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,23
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 22,78%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 10,2%
4. Cổ phiếu MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng
Cổ phiếu MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng được giao dịch trên sàn HoSE. Giá trị vốn hóa hiện ở mức 3.350 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
Công ty Cổ phần May Sông Hồng là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam. Với hơn 20 xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định, có lợi thế về vị trí địa lý gần sân bay, cảng biển, nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng với chi phí cạnh tranh, bộ máy quản lý là người Việt Nam, kết hợp thêm việc tuyển dụng các chuyên viên quốc tế đầu ngành, công ty đã và đang trở thành đối tác tin cậy của rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Công ty Chứng khoán SSI, doanh thu của MSH vẫn được kỳ vọng ổn định do công ty dự kiến sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng vào cuối năm. MSH có một số khách hàng mới; tuy nhiên, gần như không nhiều như các khách hàng lớn hiện có (như Columbia và Haddad). Do MSH phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp vải từ Trung Quốc, nên tình trạng giãn cách kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 7,92
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 2,21
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 30,12%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 15,18%
5. Cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG
Cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG được giao dịch trên sàn HNX. Hiện giá trị vốn hóa ở mức 2.641 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
TNG đang có các khách hàng là nhà bán lẻ có thương hiệu lớn như Decathlon, Columbia Sportswear, The Children’s Place, Capital, Itochu, Cahard, John New York,... Các khách hàng này đều cam kết đặt hàng lâu dài, ổn định với Công ty và đều đề nghị TNG tăng thêm sản lượng hàng năm. Bên cạnh đó, TNG cũng tăng cường chủ động cung cấp nguyên phụ liệu và chuyển dần sang làm mẫu phát triển để tăng giá trị lợi nhuận trên sản phẩm.
TNG có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu nên có nhiều lợi thế để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Sản phẩm và thương hiệu sản phẩm của TNG trên thị trường quốc tế đang được các khách hàng lớn, truyền thông đánh giá cao đây là điểm tựa để TNG phát triển thêm nhiều khách hàng lớn.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), EVFTA và CPTPP sẽ tạo động lực phát triển cho các công ty dệt may trong dài hạn, còn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp dệt may trong đó có TNG sẽ cần vượt qua nhiều thách thức để có thể được hưởng sâu các ưu đãi về thuế quan.
Ngay khi hiệp định thương mại có hiệu lực thì lộ trình cắt giảm thuế quan bắt đầu, kéo dài tối đa 7 năm đối với EVFTA và 10 năm với CPTPP. Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp dệt may rất khắc nghiệt, để được giảm hoặc miễn thuế sau khi kết thúc lộ trình này thì các doanh nghiệp cần xuất khẩu với mức thuế có FTA (hiện nay dao động 3-12%). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chọn mức thuế suất GSP 9,6% như hiện nay vì lo ngại không đáp ứng quy tắc về xuất xứ - các doanh nghiệp phải đảm bảo từ giai đoạn dệt nhuôm và cắt may trở đi được hoàn thành ở các FTA.
Đối với TNG, CTS nhận định đây không phải là trở ngại vì từ quý IV năm 2021, TNG đã chủ động nguồn cung phụ trội nội địa với việc lắp đặt hơn 07 dây chuyền bông, thêu, trần, thùng carton, túi PE, in, giặt lớn. Ngoài ra, gần 100% nguyên liệu đầu vào của TNG nhập từ các doanh nghiệp trong nước như vải do Trường Thành, Formosa (nhà máy dệt Long An) sản xuất, bông. Chỉ một số nguyên phụ liệu được nhập từ Hàn Quốc. Từ đó, TNG có thể phát triển công nghiệp dệt may theo chiều sâu – đáp ứng cả ba công đoạn sợi, dệt nhuộm, cắt may của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt EVFTA và CPTPP.
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 9,37
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 1,74
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 17,8%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 5,86%
6. Cổ phiếu VGG của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến
Cổ phiếu VGG của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến được giao dịch trên sàn UPCoM. Giá trị vốn hóa hiện ở mức 1.768 tỷ đồng.
Năng lực hiện có của doanh nghiệp
VGG xuất khẩu các sản phẩm may mặc theo hai phương thức sản xuất là gia công CMT và may FOB cấp 1:
Gia công CMT: chiếm khoảng 20% doanh thu xuất khẩu qua các năm, chủ yếu do các công ty liên doanh, liên kết thực hiện. Đơn hàng CMT được nhận gia công quanh năm và không phụ thuộc vào mùa vụ.
May FOB cấp 1: chiếm khoảng 80% doanh thu xuất khẩu qua các năm, chủ yếu do các xí nghiệp may của công ty mẹ thực hiện. Đơn hàng FOB có tính “thời vụ” và thường rơi vào quý 3 hàng năm. Các thị trường xuất khẩu hàng FOB của VGG gồm: Nhật Bản (28%), Mỹ (20%), EU (16%), khác (36%).
Mặc dù thị trường nội địa không phải là thị trường mang lại doanh thu chính cho VGG nhưng là điểm tạo ra sự khác biệt của VGG so với các doanh nghiệp dệt may khác. VGG là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và bán hàng ở thị trường nội địa, bên cạnh các doanh nghiệp khác như May 10 (M10), May Đức Giang (MGG), May Nhà Bè (MNB).
Sản phẩm chủ lực của VGG ở thị trường nội địa là thời trang nam công sở (quần tây, áo sơ mi) với nhãn hiệu như: Viettien, San Sciaro, Viettien Casual, VietLong.
Tiềm năng, lợi thế
Theo Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Dự án Việt Thái Tech sẽ giúp VGG đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại trong tương lai. Do hơn 13% tổng doanh thu năm 2020 của VGG đến từ doanh thu xuất khẩu sang EU, nên khi VGG đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ EVFTA, công ty sẽ có nhiều khả năng mở rộng xuất khẩu sang EU.
Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) không yêu cầu vải nguyên liệu phải sản xuất tại Việt Nam hay các nước nội khối, mà chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Do xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm khoảng 27% tổng doanh thu năm 2020 của VGG, RCEP sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.
Các chỉ tiêu tài chính
Chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E): 32,2
Chỉ số giá thị trường trên giá trị sổ sách: 0,94
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) năm 2021: 4,22%
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) năm 2021: 1,74%