Nhận định cổ phiếu ngày 8/3: BSR, DGC và PC1
SSI: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR, giá mục tiêu 32.500 đồng
SSI ước tính sản lượng trong quý I của BSR đạt 1,7 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thị trường ổn định và việc nhà máy Nghi Sơn giảm công suất hoạt động do các vấn đề về tài chính. Do vậy BSR hiện đã nâng công suất hoạt động lên 105%. (Sản lượng sản xuất xăng dầu của BSR và nhà máy lọc đầu Nghi Sơn năm 2021 gần tương đương nhau ở mức lần lượt 6,5 triệu m3, tấn và 6,7 triệu m3, tấn, tổng cộng chiếm khoảng 65-70% tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa).
Đáng chú ý, giá dầu Brent đã tăng mạnh hơn 40% từ đầu năm lên vùng 110-120 USD/thùng do sự phục hồi nhu cầu và lo ngại về sự đứt gãy nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraina. Theo IEA, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai với sản lượng xuất khẩu dầu thô khoảng 5 triệu thùng/ngày, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út. Nếu tính cả sản lượng xăng dầu và hóa dầu thành phẩm thì Nga là quốc gia xuất khẩu lớn nhất với sản lượng 7,8 triệu thùng/ngày. Do vậy, việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể gây nên ảnh hưởng lớn đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và tác động mạnh đến giá dầu thô trong ngắn hạn.
Hơn nữa, việc giá dầu có xu hướng tăng giúp BSR có thể hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá thấp trong quý I năm 2022. Hàng tồn kho của BSR đạt mức 10,3 nghìn tỷ đồng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch giữa giá các sản phẩm xăng dầu, hóa dầu và dầu thô (crack spread) có xu hướng tăng lên mức trên 10 USD/thùng trong các tháng đầu năm 2021 so với mức 5-8 USD/thùng trong các quý năm 2021. Điều này giúp Công ty có thể gia tăng biên lợi nhuận do giá đầu ra tăng nhanh hơn giá đầu vào.
Với việc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh lên mức 8,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, BSR ghi nhận lượng tiền mặt rất cao 20,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm ngoái. Sau khi trừ đi khoản nợ vay 10,8 nghìn tỷ, BSR vẫn sở hữu giá trị tiền ròng 9,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 26% vốn chủ sở hữu.
SSI dự báo Công ty có thể ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 7.740 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 15,5% so với năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận quý I có thể ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 40-50% so với cùng kỳ.
Vì vậy, SSI khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR, giá mục tiêu 32.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 10,17% so với giá đóng cửa ngày 7/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu DGC, giá mục tiêu 225.000 đồng
Quý IV năm 2021, DGC ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.456 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng. Qua đó, cả năm 2021 doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 9.551 tỷ đồng và 2.514 tỷ đồng, tăng trưởng 53% và 165% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh ấn tượng của DGC được đóng góp bởi công suất tăng thêm từ dây chuyền Axit Phosphoric điện tử và đặc biệt hưởng lợi từ giá Phốt pho vàng tăng mạnh từ quý III năm 2021. Agriseco cho rằng kết quả kinh doanh của DGC tiếp tục tăng trưởng trong quý I và quý II năm 2022 khi mặt bằng giá phốt pho vàng vẫn đang hỗ trợ.
Đáng chú ý, giá phốt pho vàng đang có xu hướng tăng trở lại từ giữa tháng 2 trước những diễn biến căng thẳng của tình hình địa chính trị. Cụ thể, theo Sunsirs, giá phốt pho vàng của Trung Quốc đã tăng trở lại lên trên 6.226 USD, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và là mặt bằng giá rất cao trong lịch sử. Chiến tranh ở Ukraine cũng là 1 yếu tố khiến giá phốt pho vàng có thể tiếp tục tăng do nhà cung cấp phốt pho vàng chính cho Châu Âu là Kazakhstan bị ảnh hưởng khi tuyến đường sắt vận chuyển đi qua Ukraine.
Hơn nữa, việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng tại thủ phủ sản xuất phốt pho vàng, tỉnh Vân Nam, đồng thời chuyển dịch từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu phốt pho vàng sẽ giúp DGC tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. Đồng thời, thị trường Châu Âu cũng đang chờ DGC khai phá khi nhà cung cấp chính là Kazakhstan đang gặp những khó khăn khi vận chuyển qua Ukraine.
Do đó, Agriseco khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DGC, giá mục tiêu 225.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,48% so với giá đóng cửa ngày 7/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu DGC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1, giá mục tiêu 41.900 đồng
PC1 đã đưa các trang trại điện gió Liên Lập (48 MW), Phong Huy (48 MW) và Phong Nguyên (48 MW) đi vào hoạt động vào ngày 30/10/2021. VCSC kỳ vọng các nhà máy này sẽ đóng góp 199 tỷ đồng, tương đương 26% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của PC1 trong năm 2022. Hiện tại, VCSC giả định rằng PC1 sẽ thiết lập 150 MW công suất điện gió trên bờ vào đầu năm 2023 và thêm 150 MW vào cuối năm 2023 với phí đấu nối (FiT) là 6,81 US cent/kWh. VCSC giả định rằng PC1 sẽ sở hữu 55% cổ phần tại các trang trại mới này trong khi 45% còn lại sẽ do 1 đối tác chiến lược nắm giữ.
Đáng chú ý, PC1 đang muốn mua lại 30% cổ phần tại CTCP Western Pacific. PC1 đặt mục tiêu thực hiện khoản đầu tư này trong 6 tháng đầu năm 2022. CTCP Western Pacific sở hữu 62% cổ phần tại khu công nghiệp Yên Phong II-A vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chấp thuận đầu tư với tổng diện tích là 158 ha. PC1 tự tin rằng công ty có thể bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ việc cho thuê khu công nghiệp từ năm 2023.
PC1 dự kiến ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản khu dân cư đạt 1 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, bao gồm một phần doanh thu từ dự án Bắc Từ Liêm mà trước đây VCSC dự báo sẽ ghi nhận toàn bộ doanh thu từ năm 2023. PC1 cũng dự kiến sẽ ghi nhận một phần doanh thu từ dự án bất động sản Định Công (doanh thu có khả năng đạt 1,2 nghìn tỷ đồng) mà công ty thâu tóm vào năm 2021 thông qua 98,7% cổ phần tại CTCP Thiết bị Thương mại.
Vì vậy, VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1, giá mục tiêu 41.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3,84% so với giá đóng cửa ngày 7/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu PC1 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.