Nhận định cổ phiếu ngày 4/3: VRE, ACL và HPG
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VRE, giá mục tiêu 38.500 đồng
Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) là công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup (VIC), hiện là chủ đầu tư quản lý và vận hành các Trung tâm thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Công ty vận hành 4 mô hình Trung tâm thương mại bao gồm Vincom Center, Vincom Mega Mall,Vincom Plaza và Vincom+ với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,7 triệu m2.
Đối với năm 2021, VRE ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2020. Sau kết quả kinh doanh khiêm tốn trong quý III năm 2021 với lợi nhuận gộp từ mảng cho thuê bán lẻ đạt 152 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2020 do đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam, VRE đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong quý IV năm 2021 với lợi nhuận gộp cho thuê bán lẻ tăng 56% so với quý III và đạt 237 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020.Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng và các dịch vụ bán lẻ và giải trí dần được mở cửa vào năm 2022, doanh thu từ cho thuê bán lẻ của VRE được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh trong khi lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2021 khi VRE giảm quy mô của gói hỗ trợ cho khách thuê.
VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 của VRE đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2021 và việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cùng tiến độ tiêm chủng nhanh chóng tại Việt Nam sẽ giúp lợi nhuận của VRE phục hồi vào năm 2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại đây.
Mirae Asset: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACL, giá mục tiêu 27.200 đồng
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) là nhà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu fillet cá tra đông lạnh đứng thứ 7 về doanh thu trong số các công ty niêm yết tại Việt Nam. Hàng năm, ACL xuất khẩu khoảng 13.000~15.000 tấn fillet cá tra đông lạnh tới hơn 70 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Á. Năm 2021, ACL đạt tổng doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 27.5% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, tăng 50,9% so với năm 2020.
Cá tra Việt Nam hưởng lợi trực tiếp từ việc Nga bị cấm vận. Cá Minh Thái là loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá Tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng năm Nga xuất khẩu khoảng 400 triệu USD cá Minh Thái. Năm 2022 khi nga bị cấm vận bởi Mỹ và các quốc gia Tây Âu sẽ là cơ hội lớn cho cá Tra Việt Nam.
Giá xuất khẩu tăng và nguồn cung trong nước khan hiếm đã đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước cuối tháng 2 năm 2022 tăng 20% so với đầu năm 2022. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của ACL được dự đoán vẫn tăng nhờ giá bán tăng và tỉ lệ tự chủ nguyên liệu cao. Căn cứ tình trạng nhu cầu thế giới và nguồn cung trong nước như hiện nay, Mirae Asset cho rằng giá cá tra sẽ tiếp tục được hưởng lợi cho tới cuối quý III năm 2022. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của ACL sẽ tăng 42,4% lên mức 61 tỷ đồng nhờ doanh thu trong kỳ tăng 15% so với cùng kỳ lên 1.395 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cải thiện 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên 13,4%.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu ACL của Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu HPG, giá mục tiêu 65.000 đồng
Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV năm 2021 với kết quả ấn tượng, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2021 đạt lần lượt 150.865 tỷ đồng và 34.520 tỷ đồng, tăng 65% và 155% so với cùng kỳ chủ yếu là nhờ những kết quả tích cực trong hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp là sản xuất thép.
Do tình trạng mất cân đối cung cầu xảy ra trong nhiều tháng, mảng thép ghi nhận tăng trưởng đột biến và chiếm tới 95% doanh thu của toàn tập đoàn với biên lợi nhuận lên tới trên 30%. Sản lượng thép các loại của HPG cung cấp ra thị trường trong năm 2021 đạt 8,8 triệu tấn, tăng trưởng 35% so với năm 2020. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu bán hàng, đạt 2,6 triệu tấn.
Sản lượng của HPG trong năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực từ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản lượng HRC xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đã vượt sản lượng xuất khẩu cả năm 2021 mặc dù doanh nghiệp luôn ưu tiên phát triển thị trường trong nước. HPG đã kí kết đơn hàng xuất khẩu có thể đáp ứng đến hết tháng 4. Thêm vào đó, thị trường nội địa cũng tăng trưởng đột biến từ 1,5 đến 3 lần ở cả 3 miền nhờ vào nhu cầu từ các dự án đầu tư công như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các cao tốc Bắc Nam, Trung Lương – Mỹ Thuận...
Ngoài ra, bị ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine- những nước sản xuất thép lớn trên thế giới, nhiều nhà máy thép tại Ukraine đã dừng sản xuất và xuất khẩu từ Nga và Ukraine (bao gồm cả quặng sắt) bị đình trệ do gặp khó khăn trong khâu vận chuyểnvà thanh toán quốc tế. Giá HRC giao ngay đã đạt 5.120 NDT/tấn, tăng gần 6,3% trong khi giá quặng sắt đã tăng tới 40% kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn cho đến khi xung đột được giải quyết và cung – cầu hàng hóa cân bằng trở lại.