Nhận định cổ phiếu ngày 25/2: VHC, STB và MBB
Agriseco: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VHC, giá mục tiêu 95.000 đồng
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2021 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đạt lần lượt 9.054 và 1.110 tỷ đồng, tăng 28,7% và 54,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu phục hồi và giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh. Mảng kinh doanh chính là xuất khẩu cá tra có doanh thu 2021 tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh gần 60%. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2021 của VHC đạt 19,4%, cao hơn mức 14,2% cùng kỳ nhờ giá cá tra tăng tốt. Tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu trong tháng 1 năm 2022 của VHC đạt 777 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng cá tra đóng góp 489 tỷ đồng, tăng 11% mom mặc dù đây là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Các thị trường xuất khẩu chính có sự phục hồi tốt hậu đại dịch Covid đặc biệt với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của VHC sang thị trường này đạt gần 3,800 tỷ (tăng 55% so với cùng kỳ năm trước). Sang năm 2022, nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ được cho là sẽ tiếp tục khả quan, đồng thời thị trường Trung Quốc sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trên mức nền thấp của năm 2021 do dịch bệnh dần được kiểm soát và chính sách zero Covid phần nào đó được nới lỏng.
Giá cá tra nguyên liệu gần đây đã tăng rất mạnh lên mức 30.000 đồng/kg, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân theo Agriseco là do sau 1 chu kỳ giảm giá từ 2018, nhiều người nông dân thua lỗ đã treo ao, khiến cho nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh gần đây. Cụ thể, giá cá tra xuất khẩu của VHC đã tăng lên 4,15 USD/kg trong tháng 1 năm 2022 so với mức chỉ 2,9 USD/kg cũng kỳ. Theo Agriseco Research, giá cá tra có thể còn tiếp tục tăng với việc nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu đang bị hạn chế.
VHC đang bám sát dải MA10 vận động theo xu hướng đi lên kết hợp với thanh khoản gia tăng đáng kể trong khoảng 10 phiên gần đây. Phiên hôm nay VHC tiếp tục bật tăng khỏi vùng nền quanh vùng 75.000 đồng/ cổ phiếu kết hợp chỉ báo động lượng ngắn hạn Stochastic đang có dấu hiệu cắt nhau, do đó nhà đầu tư có thể gia tăng vị thế cổ phiếu VHC ở vùng giá hiện tại, với mức giá mục tiêu 95.300 đồng/ cổ phiếu (Fibonacci 127,2%). Cắt lỗ trong trường hợp giá mất mốc MA10 quanh vùng 73.500 đồng/ cổ phiếu.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) tại đây.
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu STB, giá mục tiêu 40.000 đồng
Trong quý IV 2021, việc xử lý tài sản có vấn đề của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh chung của STB. Theo ước tính của SSI, ngân hàng đã thoái lãi dự thu khoảng 3 nghìn tỷ đồng (so với 1 nghìn tỷ đồng trong quý IV năm 2020) nhưng không trích lập dự phòng thêm cho các khoản phải thu có vấn đề (so với trích lập 1 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020). Điều này khiến thu nhập hoạt động giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính đến những khoản liên quan đến tài sản có vấn đề này, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong kỳ là 32% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tiến độ xử lý tài sản được cho là có vấn đề vẫn đang đi đúng hướng và các mảng kinh doanh cốt lõi đang được duy trì tốt.
Trong hai năm qua, các chỉ số về thanh khoản của STB đã được nới lỏng hơn với tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động) thuần tăng dần từ 74% vào cuối 2019 lên 90% vào cuối 2021. Năm 2021, tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt tăng trưởng huy động (tăng 14% so với năm trước và tăng 2% so với năm trước), giúp STB có đủ thu nhập lãi thuần để thoái lãi dự thu đối với nợ xấu mà vẫn duy trì được NIM trong biên độ lịch sử là 2,5% đến 3%.
Theo ước tính của SSI, STB đã thoái lãi dự thu khoảng 6 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2021, đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Mức thoái lãi dự thu trung bình giai đoạn 2018-2020 là 2,6 nghìn tỷ đồng. NIM (biên lãi ròng) 2021 giảm còn 2,7%. Nếu không bao gồm những khoản thoái lãi dự thu này, NIM có thể đạt gần 4% - đây là mức khá cạnh tranh so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn khác.
Giá mục tiêu được điều chỉnh để phản ánh khả năng tài sản của công ty có vấn đề có thể sẽ giảm đáng kể nếu như việc bán cổ phần STB đang được cầm cố tại VAMC và đấu giá khu công nghiệp Phong Phú có thể được thực hiện trong năm.Trong năm 2021, STB vẫn duy trì tiến độ xử lý tài sản có vấn đề theo kế hoạch bất chấp gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu STB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
MBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB, giá mục tiêu 49.800 đồng
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (HoSE: MBB) là ngân hàng có duy nhất có hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh. Bên cạnh ngân hàng mẹ, các công ty con cũng có được mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Trong năm 2021, các công ty con của ngân hàng đều có mức tăng trưởng cao như MBS đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 119% so với cùng kỳ năm trước, Mcredit (tăng 87% so với cùng kỳ năm trước), MBAMC (tăng 66% so với cùng kỳ năm trước),...
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng việc xây dựng hệ sinh thái không chỉ hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, còn giúp tối ưu hóa việc chuyển đổi số. Ngoài ra, việc hàng loạt các thương vụ bán vốn các công ty con nhằm bổ sung vốn cho ngân hàng mẹ khi điều kiện thuận lợi diễn ra gần đây cho thấy MBB hiện đang còn rất nhiều tài nguyên để phát triển cho chiến lược dài hạn.
MBB được cho rằng có nhiều tài nguyên để có thể gia tăng thêm độ dày vốn khi cần thiết. Đây sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng cao trong tương lai. Ngoài ra, tỷ trọng cho vay các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây cũng cho thấy được tầm nhìn của ngân hàng này trong việc tiếp cận các mảng kinh doanh mới có được nhiều sự hỗ trợ như mảng này.
Hiệu quả cải thiện rõ rệt nhờ tập trung vào chuyển đổi số. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) liên tục được cải thiện, và hiện tại là một trong những ngân hàng có CTR thấp nhất. Cùng với đó, tỷ lệ lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) liên tục gia tăng được thúc đẩy bởi động lực chính là CASA từ các KHCN nhờ liên tục đầu tư vào chuyển đổi số.
Ngoài ra, các nguồn thu nhập từ phí bảo hiểm được gia tăng nhờ thúc đẩy bán chéo thông qua hệ thống số của ngân hàng đi cùng với thủ tục thu hồi nợ xấu được cải thiện giúp mang lại nguồn thu nhập ngoài lãi ổn định cho MBB.
Tỷ lệ NOI/TOI đạt hơn 29,1% trong năm 2021. Cụ thể, khả năng sinh lợi tiếp tục gia tăng. Biên lãi ròng (NIM) liên tục được gia tăng nhờ chi phí vốn thấp đến từ tăng trưởng lượng tiền CASA vượt trội và mảng cho vay KHCN liên tục tăng trưởng. Với định hướng chuyển đổi số toàn diện, đi cùng với tăng trưởng tín dụng cao thúc đẩy bởi mảng bán lẻ, MBS kỳ vọng NHM của MBB sẽ được duy trì trên mức 5% trong những năm tiếp theo.