Nhận định cổ phiếu ngày 23/2: MWG, CII và VRE
KBSV: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 168.200 đồng
Lũy kế 12 tháng năm 2021, doanh thu thuần đạt 122.958 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế đạt 4.901 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 98% và 103% kế hoạch cả năm 2021.
Tính cả năm 2021, biên lợi nhuận gộp ước tính ở mức 22,5%, tăng nhẹ so với mức 22,1% trong năm 2020. Xét riêng theo trong quý IV, biên lợi nhuận gộp của MWG chỉ ở mức 20,4%, mức này thấp hơn tương đối nhiều so với 25% trong quý III năm 2021. Sở dĩ, việc biên gộp trong quý IV sụt giảm đáng kể là do tỉ trọng đóng góp vào doanh thu từ Bách hóa xanh (chuỗi có các mặt hàng với biên gộp cao) giảm nhiều so với quý III năm 2021. Theo ước tính của KBSV, tỉ trọng doanh thu của Bách hóa xanh trong các tháng quý IV năm 2021 chỉ hơn 15%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 37% trong quý III năm 2021.
Quý IV năm 2021, doanh thu thuần đạt 36.138 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.563 tỷ đồng (tăng 66% so với cùng kỳ). Trong quý IV năm 2021, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều đạt kỉ lục từ trước tới nay, đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kì sau khi các biện pháp giãn cách đã được dần gỡ bỏ.
Cả năm 2021, hai chuỗi Thế giới di động/Điện máy xanh đóng góp 94.742 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Cụ thể, Thế giới di động đạt doanh số 31.600 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) và Điện máy xanh đóng góp 62.708 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ). Trong đó, riêng doanh số của quý IV năm 2021 đến từ hai chuỗi này đạt 30.409 tỷ đồng (tăng 44,5% so với cùng kỳ), mức tăng trưởng bùng nổ trong quý IV này đã phần nào giúp hai chuỗi bù đắp lại các tháng giãn cách xã hội khiến doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề trong quý III năm 2021.
Trong năm 2022, Bách hóa xanh sẽ tạm dừng kế hoạch mở mới cửa hàng trên diện rộng nhằm cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng và tập trung tối ưu nguồn lực, chi phí hướng tới lợi nhuận toàn công ty trong cuối năm. Theo ước tính của KBSV, với mức biên gộp khá cao của Bách hóa xanh, nếu mức doanh thu/cửa hàng khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng/cửa hàng thì mục tiêu có lợi nhuận từ Bách hóa xanh trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Trong năm 2022, KBSV dự phóng kết quả hoạt động kinh doanh của MWG với doanh thu thuần đạt 141.026 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Cho năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 151.171 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ở mức 7.550 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ).
Do đó, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 168.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 22,15% so với giá đóng cửa ngày 22/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu MWG của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam tại đây.
VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu CII, giá mục tiêu 27.300 đồng
CII công bố kết quả kinh doanh quý IV năm 2021 với doanh thu thuần giảm 73% so với cùng kỳ còn 644 tỷ đồng và lỗ 375 tỷ đồng so với khoản lỗ 31 tỷ đồng trong quý IV năm 2020. Những kết quả thấp này trong quý IV năm 2021 chủ yếu do ghi nhận bàn giao bất động sản kém và chi phí lãi vay cao trong quý.
Trong năm 2021, doanh thu thuần của CII giảm 47% còn 2,9 nghìn tỷ đồng; ngoài ra, công ty báo lỗ 341 tỷ đồng. Doanh thu thuần của CII giảm mạnh so với cùng kỳ trong năm 2021 chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm 67% so với cùng kỳ, được bù đắp một phần bởi doanh thu thu phí tăng 29% so với cùng kỳ.
Trong năm 2021, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) của CII đạt 239 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính ròng là 368 tỷ đồng, chủ yếu là do vị thế đòn bẩy cao của công ty. Doanh thu năm 2021 của CII chỉ hoàn thành 77% dự báo cả năm của VCSC, chủ yếu là do doanh thu bất động sản thấp hơn dự kiến từ dự án bất động sản Sơn Tịnh tại Quảng Ngãi và dự án 152 Điện Biện Phủ tại TP. HCM, bên cạnh doanh thu xây dựng thấp hơn dự kiến.
Vì vậy, VCSC khuyến nghị phú hợp thị trường đối với cổ phiếu CII, giá mục tiêu 27.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 19% so với giá đóng cửa ngày 22/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu CII của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VRE, giá mục tiêu 46.000 đồng
Quý IV năm 2021, VRE đã được phép mở cửa trở lại các trung tâm thương mại (TTTM) trên toàn quốc, nhờ vậy doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã bật tăng 74% và hơn 400% so với Quý III, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ. Năm vừa qua, VRE đã chi ra 2.115 tỷ đồng các gói hỗ trợ dưới dạng miễn, giảm tiền thuê; vì thế lợi nhuận cả năm chỉ đạt 1.315 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2021. Doanh nghiệp cho biết, nếu không tính đến khoản hỗ trợ trên, lợi nhuận sau thuế của VRE sẽ cao hơn kế hoạch đề ra nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí linh hoạt.
Sau giãn cách, dự kiến khoảng tháng 4 năm 2022, VRE sẽ khai trương 3 TTTM: Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội), Plaza Mỹ Tho và Bạc Liêu với tổng diện tích cho thuê (GFA) khoảng 9,5ha; nâng tổng GFA lên 175ha. Năm 2022, VRE đặt kế hoạch hồi phục trở lại tương đương năm 2020. Cụ thể, Doanh thu, Lợi nhuận và EBITDA dự kiến tăng trưởng lần lượt khoảng 30%, 80% và 35% so với năm 2021. Về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của ngành cho thuê bán lẻ, CBRE dự báo sẽ sự tăng nhẹ kể từ Qúy II năm 2022 trở đi, khi tình trạng “bình thường mới” được khôi phục hoàn toàn. Hiện nay, VRE cho biết lượng khách ghé thăm các TTTM Vincom đã tăng gấp 4 lần kể từ cuối Quý III năm 2021, là dấu hiệu cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của ngành sau đại dịch.
Agriseco Research cho rằng những ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian qua. VRE hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ xu hướng tiêu dùng hồi phục sau giãn cách xã hội. Và trong dài hạn VRE sẽ quay trở lại khẳng định vị thế đầu ngành, với lợi thế tuyệt đối về thị phần, quỹ đất, chiến lược phát triển TTTM Mega Mall quy mô lớn và khả năng huy động vốn nhờ hệ sinh thái VinGroup. Đồng thời, ngành bất động sản cho thuê bán lẻ của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng khi tỷ lệ thâm nhập còn thấp so với các nước khác trong khu vực, dư địa lớn trong dài hạn.
Vì vậy, Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu VRE, với giá mục tiêu trong năm 2022 khoảng 46.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 33,33% so với giá đóng cửa ngày 22/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank tại đây.