Nhận định cổ phiếu ngày 24/2: HPG, TLG và VHC
KB Việt Nam: Khuyến nghị mua hoặc nắm giữ đối với cổ phiếu HPG, giá mục tiêu 56.700 đồng
Doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) trong quý IV đạt 44.710 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ năm trước) và 7.419 tỷ đồng (tăng 52,9% so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng toàn ngành trong quý IV đạt 2,68 triệu tấn giảm 5,5% so với cùng kỳ tuy nhiên đã hồi phục trở lại so với quý 3 nhờ các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong quý IV đạt 1,09 triệu tấn tăng 19,5% so với cùng kỳ khi mà doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu thành phẩm, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt 344 ngàn tấn gấp 2 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản phẩm tôn mạ cũng được đẩy mạnh xuất khẩu đạt 120.000 tấn chiếm 77,6% tổng sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh lực cầu tiêu thụ thấp, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới thì sản lượng tiêu thụ tôn mạ, ống thép trong nước sẽ hồi phục do nền kinh tế đã dần vận hành trở lại.
Trong quý IV, sản lượng sản xuất thép thô tại Trung Quốc đạt 227 triệu tấn giảm 16,2% so với cùng kì và 6,8% so với quý 3 cho thấy việc cắt giảm mạnh tay được diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tổ chức Thế Vận hội mùa Đông năm 2022 vào đầu tháng 2.
Nhằm kích thích nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đầu tư công sẽ được ưu tiên. Đây là công cụ, động lực quan trọng giúp các thành phần kinh tế hồi phục và tăng trưởng. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi khi cung cấp thép xây dựng cho một loạt các dự án đầu tư công trọng điểm.
Giá than cốc trên sàn Singapore đã tăng 27,5% đầu năm và đang được giao dịch ở mức cao nhất lịch sử do nguồn cung thiếu hụt khi nhu cầu về năng lượng tăng cao trên toàn cầu, bên cạnh đó giá quặng sắt cũng đang được giao dịch ở mức 142 USD/tấn tăng 26,7% so với đầu năm. Sự tăng giá của quặng sắt từ đầu năm của quặng và than được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng việc nới lỏng tiền tệ và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu về kim loại. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng sẽ chỉ đóng góp “tỷ trọng hợp lý”, do vậy KB Việt Nam kỳ vọng giá quặng sắt cũng sẽ điều chỉnh giảm và ít biến động hơn.
Giá thép xây dựng của Hòa phát có 3 đợt tăng giá tính từ đầu năm tới nay với lần lượt từng mức tăng là 200, 300, 300 đồng/kg, với mức tăng giá lũy kế 800 đồng /kg, giá thép hòa phát tăng 5% từ đầu năm, tuy nhiên vẫn còn thấp so với mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu và. Bên cạnh đó, giá HRC tại Việt Nam cũng đã có sự hồi phục tăng 9.5% so với đầu năm, các sản phẩm thép như tôn, ống cũng có sự tăng giá nhẹ.
Nhu cầu hồi phục sau ảnh hưởng của dịch bệnh tại Viêt Nam, cũng như đẩy mạnh đầu tư công để vực dậy nền kinh tế do vậy sẽ kích thích và đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thép và sản phẩm thép, bên cạnh đó là Trung Quốc mạnh tay thắt chặt sản lượng sản xuất cùng với đó là nới lỏng tiền tệ, đâu tư cơ sở hạ tầng nên sẽ có nhu cầu đối với thép nhập khẩu. KB Việt Nam dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát năm 2022 đạt 9.725.000 tấn (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) dẫn đến doanh thu đạt 182.700 tỷ đồng (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh sẽ dẫn đến biên gộp giảm mạnh so với 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 30.550 tỷ đồng (giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước).
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu HPG của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TLG, giá mục tiêu 47.000 đồng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV năm 2021 tích cực với doanh thu đạt 790 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 97 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước). kết quả kinh doanh của TLG phục hồi mạnh trong quý IV năm 2021 do doanh thu tăng 75% so với quý trước và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh từ chỉ 4 tỷ đồng trong quý III năm 2021 mặc dù giá nhựa nguyên liệu đầu vào tăng cao.
VCSC đánh giá kết quả mạnh mẽ của quý IV 2021 là do doanh số bán hàng phục hồi do các dịch vụ giáo dục dần hoạt động trở lại sau khi bị gián đoạn do đợt dịch Covid-19 thứ tư vào quý III năm 2021 và biên lợi nhuận gộp tăng lên 44,4% trong quý IV 2021 so với 36,9% trong quý III 2021 và 42,4% trong quý IV 2020 trong bối cảnh TLG đang nỗ lực thúc đẩy các danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong danh mục sản phẩm của TLG. Trong cả năm 2021, doanh thu của TLG đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ năm trước) trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích đạt 277 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước).
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu TLG của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
VNDirect: Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VHC, giá mục tiêu 80.600 đồng
Doanh thu thuần quý IV năm 2021 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) tăng 38,5% so với cùng kỳ lên 2.693 tỷ đồng nhờ sản lượng cá tra nhích nhẹ 1,2% so với cùng kỳ và giá bán cá tra bình quân tăng 35,9% so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ là thị trường chủ chốt với doanh thu xuất khẩu tăng 91,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp quý IV năm 2021 tăng 11,4 điểm % so với cùng kỳ lên 23,7% nhờ giá bán cao và tồn kho cá nguyên liệu giá thấp. Lợi nhuận ròng quý IV năm 2021 tăng 171% so với cùng kỳ lên 454,7 tỷ đồng, cao hơn mức tăng 46% so với cùng kỳ trong quý III năm 2021.
Cả năm 2021, doanh thu thuần/ lợi nhuận ròng của VHC tăng 28,7%/53,2% so với cùng kỳ lên 9.054 tỷ đồng/1.101 tỷ đồng, hoàn thành 101%/116% dự phóng cả năm.
Nhu cầu của thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu tăng 23,9% so với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc và EU dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại sau kết quả khiêm tốn năm 2021, mảng Collagen & Gelatin (C&G) phục hồi từ mức thấp năm 2021 do nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng; và giá bán có khả năng đạt mức 3,45 USD/kg trong năm 2022 do nguồn cung cá nguyên liệu thắt chặt đến 6 tháng cuối năm do diện tích nuôi cá tra Việt Nam đã giảm đáng kể từ quý III năm 2021 trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Với khả năng tự cung được 70% nguyên liệu đầu vào, VHC sẽ được hưởng lợi từ giá bán tăng mà không gặp vấn đề về nguồn cung.
Vào tháng 9 năm 2021, tình trạng giãn xã hội do làn sóng Covid thứ 4 đã dần được nới lỏng trên khắp Việt Nam. Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn và giải quyết các vấn đề do gián đoạn chuỗi cung ứng trong quý III năm 2021 giúp ngành cá tra Việt Nam dần phục hồi. VHC cũng tận dụng việc này để khôi phục năng lực sản xuất trong quý IV năm 2021.