Nhận định cổ phiếu ngày 17/2: HSG, KHG và ACV
VCSC: Khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu HSG, giá mục tiêu 37.500 đồng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2022 (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/12/2021) với doanh thu đạt 16,9 nghìn tỷ đồng (tăng 86% so với cùng kỳ và tăng 7% so với quý trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 638,3 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ và giảm 32% so với quý trước), do sản lượng xuất khẩu tăng mạnh và giá thép tiếp tục ở mức cao (giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình trong quý I năm tài chính 2022 đạt khoảng 840 USD/tấn, giảm 10% so với quý trước). Sản lượng bán tôn mạ và ống thép của HSG đạt 596.100 tấn (tăng 16% so với cùng kỳ) trong quý 1 năm tài chính 2022.
VCSC cho rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý I năm tài chính 2022 giảm 32% so với quý trước chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm còn 12,5% trong quý I năm tài chính 2022 từ 15,7% trong quý IV năm tài chính 2021, mà VCSC cho rằng do chênh lệch thấp hơn giữa giá HRC đầu vào và giá bán tôn mạ thành phẩm. Biên lợi nhuận gộp giảm cũng dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quý I năm tài chính 2022 của HSG giảm 5% so với cùng kỳ (giảm 30% so với quý trước) dù doanh thu tăng mạnh; trong khi đó, chi phí lãi vay giảm đã hỗ trợ lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số.
Lợi nhuận quý I năm tài chính 2022 của HSG thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng của VCSC vì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý I năm tài chính 2022 lần lượt hoàn thành 21% và 23% dự báo của VCSC.
Vì vậy, VCSC khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu HSG, giá mục tiêu 37.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2,88% so với giá đóng cửa ngày 16/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
MASVN: Khuyến nghị mua vào cho cổ phiếu KHG với giá mục tiêu là 31.000 đồng
Hiện nay, Tập đoàn Khải Hoàn (KHG) đang có gần 40 chi nhánh trên cả nước, với 5.311 nhân viên và dự kiến sẽ không ngừng gia tăng quy mô trong các năm tiếp theo. Trong năm 2021, KHG đã thực hiện hơn 9,000 giao dịch sơ cấp, và hơn 16,000 giao dịch thứ cấp, cao hơn nhiều lần so với năm trước. Doanh thu từ mảng môi giới bất động sản của KHG cũng rất ấn tượng đạt 892 tỷ đồng trong năm 2021 (tăng 70% so với cả năm 2020), bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp khiến Tp Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam phải giãn cách xã hội. Trong năm 2022, KHG đặt mục tiêu tăng tổng số chi nhánh lên gần gấp đôi so với con số hiện tại, cũng như tăng độ phủ sóng lên nhiều tỉnh thành nữa.
Ngay cả trước khi dịch Covid xảy ra, Khải Hoàn Land cũng là một trong những công ty đi đầu trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng nhiều hình thức trực tuyến như livestream trên các nền tảng kỹ thuật số Youtube hay Zoom, sử dụng app riêng để giao dịch … Do đó khi dịch bệnh xảy ra thì Khải Hoàn Land không hề bị động mà còn cắt giảm được nhiều chi phí bán hàng khi chuyển các sự kiện sang hình thức trực tuyến và chạy chương trình quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo … Nhờ đó mà chi phí bán hàng của công ty ở mức thấp: chỉ 2,8% và thấp hơn nhiều so với 2 đối thủ cạnh tranh khác trên sàn là Đất Xanh Services (15,7%) và Danh Khôi (16,4%). Bên cạnh đó, Khải Hoàn Land còn áp dụng các công nghệ 4.0 và phát triển ứng dụng Congdongmoigioi để hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên tư vấn, hỗ trợ khách hàng thanh toán và quản lý giao dịch 24/7 … để hình thành một hệ sinh thái riêng, mà theo MASVN là khá tiên tiến so với các công ty môi giới khác.
Hiện nay, Khải Hoàn Land đang có 5 dự án với tổng diện tích lên đến hơn hơn 800 ha và tiếp tục tăng trên 1.000 ha trong năm 2022 ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phú Quốc và Long An. Các dự án này đều nằm ở vị trí thuận lợi có nhiều dư địa phát triển và tăng giá, như Helios Coastal City nằm ở trung tâm của Phú Quốc, hay như La Partenza nằm ở trục trường chính của khu Nam thành phố. Các dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, trong đó có dự án La Partenza dự kiến sẽ hoàn tất pháp lý trong Quý I năm 2022.
Hiện tại, Tập đoàn Khải Hoàn Land là công ty có thể mạnh về môi giới bất động sản nên nợ vay đang ở mức thấp. Cụ thể: tổng nợ ngắn hạn và dài hạn năm 2020 và năm 2021 lần lượt chỉ đạt 612 và 658 tỷ đồng (chiếm lần lượt 15,2% và 10,2% trên tổng tài sản). Tính đến hết năm 2021, toàn bộ các khoản vay của KHG đều đến từ phát hành trái phiếu để đặt cọc cho các dự án KHG tham gia phân phối và hợp tác phát triển. Nhìn chung các chỉ số nợ vay trên tổng tài sản và nợ vay trên vốn chủ trong năm 2021 theo MASVN đánh giá đều không lớn, và dưới mức trung bình của ngành.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Khải Hoàn Land lại ở mức thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Có thể thấy, chiến lược chú trọng chia sẻ hoa hồng cao thay vì lương hàng tháng đã cho thấy hiệu quả khi nhân viên được tuyển dụng có năng lực, chuyên nghiệp, và khả năng chịu được các chỉ tiêu doanh số lớn gắn với sự đa dạng và không ngừng gia tăng sản phẩm trong giỏ hàng của Công ty, nhờ đó tiết kiệm được chi phí hoạt động và trả lương cho công ty.
Tuy vậy, các chỉ số về khả năng sinh lời của Khải Hoàn Land lại kém hơn so với trung bình ngành: ROE và ROA lần lượt chỉ đạt 2,18% và 1,61%. MASVN cho rằng điều này do Khải Hoàn Land vừa qua có gia tăng vay nợ để triển khai các dự án bất động sản của riêng mình, cũng như để mua sỉ lại các sản phẩm đã hoàn thiện của công ty T&T, nên các chỉ số này chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của Tập đoàn Khải Hoàn.
Do đó, MASVN khuyến nghị mua vào cho cổ phiếu KHG với giá mục tiêu là 31.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 65,77% so với giá đóng cửa ngày 16/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu KHG của Công ty Chứng khoán Mirae Asset tại đây.
VNDIRECT: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu ACV, giá mục tiêu 117.800 đồng
Trong quý IV năm 2021, tổng lượng khách thông quan ước tính giảm 74% so với cùng kỳ do đường bay nội địa bị hạn chế bởi đợt bùng phát dịch nghiêm trọng trong khi đường bay quốc tế vẫn đang đóng băng, khiến tổng doanh thu giảm 43% so với cùng kỳ. Thu nhập tài chính ròng tăng 201,1% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ lãi tỷ giá 522 tỷ từ việc đồng Yên Nhật giảm giá so với VND trong quý IV năm 2021 trong khi cùng kỳ quý IV năm 2020, ACV ghi nhận lỗ tỷ giá 211 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp quý IV năm 2021 tăng 154,8% so với cùng kỳ do ACV trích lập dự phòng 349 tỷ từ khoản phải thu của các hãng hàng không. Kết quả là lợi nhuận ròng của ACV giảm 28,1% so với cùng kỳ xuống 200 tỷ trong quý IV năm 2021.
Trong cả năm 2021, tổng lượng khách thông quan ước tính giảm 48,2% so với cùng kỳ, trong đó lượng khách nội địa giảm 43,9% so với cùng kỳ và lượng khách quốc tế giảm 95,6% so với cùng kỳ. Doanh thu 2021 của ACV giảm 38,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng giảm 69,7% so với cùng kỳ xuống 499 tỷ, chủ yếu nhờ thu nhập tài chính ròng và lãi tỷ giá 3.045 tỷ (tăng 141,1% so với cùng kỳ).
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, giao thông hàng không nội địa của Việt Nam đã dần được nối lại kể từ quý IV năm 2021 và trở lại hoạt động bình thường từ đầu 2022. Nhu cầu bay trong nước đã tăng mạnh kể từ nửa cuối tháng 1 năm 2022 khiến tổng số chuyến bay trong tháng 1 năm 2022 đạt mức 70% so với trước dịch. Đến cuối tháng 1 năm 2022, hành khách bay trong nước không cần phải có chứng nhận âm tính với Covid-19 trừ hành khách bay từ vùng dịch cấp độ 4. Điều này sẽ giúp người dân đi lại bằng đường hàng không dễ dàng hơn, cùng với các chương trình kích thích du lịch mà các tỉnh đang triển khai, VNDIRECT tin rằng giao thông hàng không trong nước sẽ trở lại và vượt mức trước dịch ngay trong năm 2022.
Do đó, VNDIRECT khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu ACV, giá mục tiêu 117.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 22,7% so với giá đóng cửa ngày 16/2/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu DRC của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.