Nhận định cổ phiếu ngày 15/2: TCB, SAB và FPT
VNDirect: Khuyến nghị lạc quan đối với cổ phiếu TCB, giá mục tiêu 70.000 đồng
Năm 2021 tiếp tục là một năm khởi sắc với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB). Với tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 26,5% so với cùng kỳ) và biên lãi thuần (NIM) tăng 82 điểm cơ bản so với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần (NII) trong năm 2021 của TCB đã ghi nhận tăng 42,4% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi (non-II) tăng 20,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập từ phí (NFI) tăng 41% so với cùng kỳ nhờ vào tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm (tăng 88% so với cùng kỳ) và phí dịch vụ (tăng 40% so với cùng kỳ). Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ (tỷ lệ chi phí tín dụng là 0,9%). Lợi nhuận ròng 2021 tăng mạnh 46% so với cùng kỳ lên 18 nghìn tỷ đồng.
NIM năm 2021 tăng 82 điểm cơ bản lên 5,7%, cao thứ hai toàn ngành dựa trên hệ số CASA cao 50,5% và mở rộng cho vay cá nhân. Tuy nợ xấu tăng 77% so với cùng kỳ do hệ quả của đại dịch nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt (0,66% cuối 2021 so với 0,5% cuối 2020). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 163% cuối 2021 (2020 đạt 171%). ROE (doanh thu trên vốn chủ sở hữu) và ROA (doanh thu trên tài sản) cải thiện lên 21,7% và 3,6% từ mức 18% và 3% trong 2020, trở thành 1 trong những ngân hàng có tỷ lệ sinh lời cao nhất Việt Nam.
VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng của TCB đạt 22%/21% giai đoạn 2022 đến 2023. Tuy vậy với hệ số CAR cao, TCB có thể được nâng hạn mức tín dụng cao hơn trong năm nay. NIM dự báo duy trì ổn định ở mức 5,7% nhờ tỷ lệ CASA cao và khả năng tiếp tục mở rộng cho vay khách hàng cá nhân, giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn tăng trong năm nay.
TCB đang giao dịch ở mức giá trên sổ sách là 1,6 lần, thấp hơn trung bình ngành 1,9 lần dù TCB là một ngân hàng có nền tảng ngân hàng vững chắc, lợi thế cạnh tranh rõ ràng, khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán lành mạnh.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu TCB của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect tại đây.
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SAB, giá mục tiêu 188.000 đồng
Doanh thu trong quý IV 2021 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, kể từ khi dịch bệnh xảy ra và kết quả này đều vượt ước tính của thị trường. Ban lãnh đạo tin rằng có tác động nhỏ từ nhu cầu bị dồn nén, nhưng hơn hết là do hiệu quả của chương trình đẩy mạnh bán hàng Tết sớm của SAB. Điều này cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ bia đang trên đà phục hồi, mặc dù sự phục hồi theo mô hình chữ V vẫn chưa được kỳ vọng. Chính phủ đang thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại, các quán bar và karaoke đã mở cửa trở lại ngay trước Tết tại TP. HCM.
Đây là một sự kiện lớn đối với SAB, do sự phụ thuộc của công ty vào các kênh on-trade. Trong vòng 2-3 tháng tới, khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn và lượng khách du lịch quay trở lại Việt Nam, công ty tin rằng sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu khả quan. Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn lạc quan một cách thận trọng, doanh thu sẽ chỉ trở lại mức trước dịch bệnh trong năm 2023.
Về vấn đề thị phần, SAB giành lại thị phần trong năm 2021 do nhiều khách hàng quay trở lại phân khúc phổ thông do tác động đến tài chính từ dịch Covid-19. Việc dành khoản lớn cho A&P cũng giúp cải thiện thị phần trong các kênh thương mại hiện đại. Trong năm 2022, khi phân khúc phổ thông tiếp tục thể hiện vị thế, thì phân khúc cao cấp sẽ nhanh chóng bắt nhịp trở lại. Khi đó, sự cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn do Heineken vẫn có nhiều lợi thế hơn trong phân khúc cao cấp. Với việc mở lại hoàn toàn các kênh on-trade trong năm nay, SAB đã sẵn sàng để tận dụng cơ hội quảng bá thương hiệu Saigon Chill cho phân khúc mà công ty ít có cơ hội trong năm 2021.
Trong năm 2022, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ) và 4,7 nghìn tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ). SSI điều chỉnh tăng ước tính doanh thu lên 7% do kết quả kinh doanh quý IV 2021 tăng mạnh. SSI tin rằng doanh thu của SAB sẽ nhanh chóng phục hồi khi việc mở cửa trở lại bắt đầu. Trên thực tế, các chuyến bay quốc tế sẽ nối lại vào cuối tháng 2, SSI điều chỉnh giảm ước tính biên lợi nhuận gộp từ 30,1% xuống 29,4% (2021: 28,8%) để phản ánh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn mặc dù công ty đã tiết kiệm được hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu giảm từ 190.000 đồng xuống còn 188.000 đồng/cổ phiếu (tăng 12% so với giá hiện tại), dựa trên hệ số P/E mục tiêu là 28x và phương pháp DCF có tỷ trọng tương đương nhau. Với mức giá hiện tại là 159.600 đồng/cổ phiếu, SAB đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 24x và EV/EBITDA là 12,6x, thấp hơn mức trung bình lịch sử lần lượt là 32,8x và 19,2x.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu SAB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FPT, giá mục tiêu 120.000 đồng
Kết quả kinh doanh 2021 của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) duy trì tăng trưởng trên 20%. Cụ thể, trong quý IV, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 10.704 tỷ đồng và 1.760 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và 22% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tập đoàn FPT đã hoàn thành kế hoạch cả năm khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều trên 100%với mức tăng trưởng 20%. Biên lợi nhuận trước thuế của FPT được cải thiện nhẹ chủ yếu nhờ biên lợi nhuận trước thuế mảng viễn thông tăng. Mảng công nghệ tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của FPT năm 2021 khi chiếm tới 58% vào tổng doanh thu và 44% vào lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước khi lần lượt đạt 20.736 tỷ đồng và 2.799 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài và trong nước tăng trưởng mẽ lần lượt là 21% và 29%. Thị trường nước ngoài tăng mạnh tại Mỹ, châu Âu và APAC đã đánh dấu sự hồi phục của nền kinh tế, năm 2021 FPT đã trúng thấu 19 dự án tư vấn công nghệ với quy mô trên 5 triệu USD doanh thu. Mảng chuyển đổi số ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi năm 2021 đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng viễn thông 2021 lần lượt đạt 12.686 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước) và 2.395 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước). Biên lợi nhuận được cải thiện từ 18% lên 19% nhờ hồi phục mảng truyền hình trả tiền. Về mảng giáo dục, đầu tư, doanh thu tăng trưởng mạnh 43% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 30% năm 2022 khi FPT đang mở rộng đầu tư hệ thống giáo dục bậc phổ thông tại các tỉnh thành.