Nhận định cổ phiếu ngày 14/2: PVD, ACG và GAS
Agriseco: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVD, giá mục tiêu 37.700 đồng
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (HoSE: PVD) là doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dầu khí. Hoạt động chính của PVD là cung cấp dịch vụ khoan, dịch vụ kĩ thuật giếng khoan và các dịch vụ liên quan.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới đã vượt 90 USD/thùng kể từ 2014, PVD là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian tới cụ thể là do nền kinh tế đang hồi phục khiến nhu cầu năng lượng tăng. Trong khi tại cuộc họp gần đây nhất, OPEC đã thông báo giữ nguyên kế hoạch chỉtăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Trước tình hình này, khả năng giá dầu tiếp tục leo cao và sẽ thúc đẩy đầu tư vào khoan thăm dò. Đây sẽ là động lực để các nhà khai thác tại Đông Nam Á đẩy mạnh đầu tư sau hơn 1 năm cắt giảm mạnh mẽ. Agriseco Research cho rằng việc giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao (>80 USD/thùng) sẽ là động lực hấp dẫn để Tập đoàn dầu khí quay lại với thị trường khai thác và qua đó trực tiếp tác động tích cực tới hoạt động của PVD. Dư địa cho tăng trưởng của PVD là lớn nhờ mức nền thấp tạo ra bởi Quý I năm 2021 bên cạnh tiềm năng nâng cao hiệu suất hoạt động trong 2022.
Ngoài ra, trong năm 2021, PVD đã tái khởi động giàn khoan TAD – PVD Drilling V theo hợp đồng khoan nước sâu của BSP tại Brunei. Hợp đồng chắc chắn 6 năm và tùy chọn gia hạn lên tới 4 năm. Giá thuê ước tính trong khoảng 75.000-90.000 USD/ngày. Dự kiến PVD sẽ thu về ít nhất 164 triệu USD trong 6 năm tới, chưa kể tới thời gian gia hạn dự án. PVD đã hoàn thành việc nâng cấp và kéo giàn khoan về vùng biển Brunei trong Quý IV và sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án này từ Quý I năm nay.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu PVD của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agriseco tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu ACG, giá mục tiêu 120.100 đồng
Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (UPCoM: ACG) là nhà sản xuất ván gỗ trang trí với thị phần trong nước đạt 55% ở phân khúc trung và cao cấp. Khách hàng trực tiếp của công ty bao gồm các nhà phát triển bất động sản, nhà thầu, các đơn vị thi công thiết kế và đại lý.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường công bố doanh thu giảm 12% và lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với năm 2020. Doanh thu giảm chủ yếu do dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng gián đoạn đối với ngành bất động sản, hoạt động trang trí nội thất nhà ở và sản xuất sản phẩm gỗ tại Việt Nam.
Tính riêng trong quý IV năm 2021, doanh thu của ACG giảm 10% và lợi nhuận sau thuế giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm trước do một số lô hàng của ACG bị trì hoãn từ quý IV năm 2021 đến quý I năm 2022 - đặc biệt là các lô hàng cho kênh dự án bất động sản.
Mặc dù sản lượng bán thấp hơn, biên lợi nhuận gộp vẫn ổn định trong năm 2021 nhờ đóng góp doanh thu lớn hơn từ các sản phẩm cao cấp và giá bán tăng. ACG đã 2 lần tăng giá bán ở mức một con số vào năm 2021 (quý I và quý IV) để chuyển mức tăng giá ván gỗ đầu vào sang khách hàng. Ngoài ra, các sáng kiến của ACG trong việc tự động hóa và giảm số lượng nhân viên tiếp tục mang lại kết quả và nâng cao biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vào năm 2021.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu ACG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại đây.
VNDirect: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GAS, giá mục tiêu 143.100 đồng
Tổng Công ty Khí Việt Nam- Công ty Cổ phần (HoSE: GAS) công bố doanh thu thuần quý IV năm 2021 tăng trưởng 30% so với cùng kỳ lên 20.177 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 107%s so với cùng kỳ lên 528 tỷ đồng do công ty ghi nhận chi phí dự phòng là 368 tỷ đồng trong khi thu nhập thuần từ hoạt động tài chính giảm 25% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận ròng quý IV năm 2021 tăng 13,8% so với cùng kỳ lên 1.964 tỷ đồng. Trong năm 2021, lợi nhuận ròng chỉ tăng 10,4% so với cùng kỳ đạt 8.673 tỷ đồng do đóng góp của mảng khí khô thấp hơn 18,4% so với cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn dự kiến do phát sinh chi phí dự phòng và chi phí liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong năm 2021, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ khí khô sẽ tăng mạnh 27,6%/9,3% so với cùng kỳ năm 2021 trong năm 2022-2023 nhờ nhu cầu điện khí phục hồi và dòng khí bổ sung từ Sư Tử Trắng giai đoạn 2, mỏ Đại Nguyệt và kho cảng LNG Thị Vải. Trong dài hạn, việc khởi công dự án Lô B trong nửa cuối 2022 như kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho sự phát triển củac ông ty. Nhìn chung, VNDirect dự báo lợi nhuận ròng của GAS sẽ tăng trưởng 32,7%/11,4% so với cùng kỳ trong năm 2022-2023.