Nhận định cổ phiếu ngày 17/1: SAB, STB và CTD
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SAB, giá mục tiêu 188.000 đồng
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) đã giành lại thị phần trong quý III/2021 nhờ mạng lưới phân phối rộng khắp, nhất là ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Phân khúc bia phổ thông tăng trưởng mạnh hơn phân khúc cao cấp trong những quý vừa qua giúp SAB giành thị phần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, lợi nhuận của SAB giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2020.
2021 là năm khó khăn đối với SAB, SSI ước tính lợi nhuận sẽ được cải thiện vào 2022 tuy nhiên vẫn sẽ thấp hơn mức trước Covid, quý III/2022 sẽ là quý tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ do nhu cầu dần hồi phục từ việc mở cửa trở lại các cửa hàng tiêu thụ trực tiếp. SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của SAB sẽ tăng 18,5% so với cùng kỳ trong năm 2022. Mặc dù áp lực chi phí tăng, vẫn có khả năng tăng biên lợi nhuận trong trung hạn nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí.
Mở phiên 17/1, giá cổ phiếu SAB ở mức 151.900 đồng, thấp hơn 24% so với giá mục tiêu mà SSI đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu SAB của Công ty Chứng khoán SSI tại đây.
MBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB, giá mục tiêu 42.350 đồng
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) đạt tổng thu nhập hoạt động 13.090 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó thu nhập ròng từ lãi và và thu nhập ròng ngoài lãi lần lượt tăng 11,2% và giảm 3,2% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động đạt 7.429 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ CIR được cải thiện xuống mức 56,8% nhờ quý II/2021 có sự cải thiện mạnh.
Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2021 đạt 5% so với cuối năm 2020. Trong đó quý III/2021, tăng trưởng tín dụng giảm 1,3% so với quý II/2020. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III/2021 đạt hơn 494.294 tỷ đồng giảm 2% so với quý trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tài sản chủ yếu đến từ việc tăng trưởng tín dụng có sự suy giảm trong quý III/2021.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của STB sẽ đạt trên mức 15% sau khi tiến hành tái cơ cấu. Với tỷ lệ bất động sản chiếm hơn 83,8% danh mục tài sản thế chấp tính đến cuối quý III/2021. MBS tin rằng việc giá bất động sản có sự gia tăng trong thời gian gần đây sẽ giúp giá trị tài sản đảm bảo trên mỗi khoản vay được gia tăng, từ đó giúp giảm tỷ lệ dự phòng trên toàn danh mục vay.
Thu nhập ngoài lãi được gia tăng mạnh nhờ tái ký với Dai-ichi Life. MBS ước tính mức phí trả trước trong thương vụ tái ký lần này dư kiến sẽ đạt 250 triệu USD và sẽ được ghi nhận trong năm 2022.
Mở phiên 17/1, giá cổ phiếu STB ở mức 35.000 đồng, thấp hơn 21|% so với giá mục tiêu mà MBS đưa ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu STB của Công ty Chứng khoán MB (MBS) tại đây.
CSI: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTD, giá mục tiêu 134.100 đồng
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) là doanh nghiệp dẫn đầu ngành xây dựng dân dụng trong hơn 10 năm qua, tuy nhiên kể từ giai đoạn cuối 2018-2020, vị thế của doanh nghiệp đã bắt đầu lung lay do vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông.
Quý III/2021, doanh thu thuần của CTD đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 16,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 của cùng kỳ. Biên lãi gộp chỉ đạt 1,56%. Lũy kế 9 tháng, CTD có doanh thu thuần 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, giảm 76%. Kết quả rất thấp này trên thực tế không phải là điều bất ngờ bởi suốt quý III, CTD phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều tỉnh thành phong tỏa đặc biệt các công trình ở TP. HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao.
Dư âm của công cuộc tái cấu trúc năm 2020 cũng là một yếu tố tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh quý III. CTD gần như không ký được hợp đồng mới từ quý II/2020 đến cuối năm 2020. Giá trị hợp đồng ký mới chuyển sang 2021 của công ty chỉ đạt 9.000 tỷ, giảm 57% so với cùng kỳ. Điểm sáng của CTD trong cuối quý III là 17.400 tổng giá trị hợp đồng ký mới, nối tiếp thành công đó, Coteccons tiếp tục trúng thầu gói dự án trong những tháng cuối năm 2021. Tính đến tháng 12/2021, Coteccons đã hoàn thành kế hoạch backlog đề ra với tổng giá trị đạt 25.000 tỷ đồng từ đó đã phát khởi những tín hiệu của sự phục hồi vị thế của CTD trong những năm tới.
Theo ban lãnh đạo, công ty có kế hoạch sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn, trong đó 300 tỷ đồng dùng cho thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công tại các dự án nhận về, đặc biệt là các dự án thầu xây dựng cơ sở hạ tầng mà CTD đang hướng tới; 200 tỷ đồng còn lại dùng để tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các công ty con.
Mặc dù rào cản gia nhập ngành của mảng xây dựng cơ sở hạ tầng là cao hơn so với xây dựng dân dụng do đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tuy nhiên với triển vọng đầu tư công tích cực cùng với sự đánh giá khá cao về bộ máy mới, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng mảng xây dựng hạ tầng sẽ có những đóng góp đáng kể và cải thiện biên lợi nhuận gộp của CTD trong những năm sau.
Mở phiên 17/1, giá cổ phiếu CTD ở mức 107.000 đồng, thấp hơn 25% so với giá mục tiêu mà CSI đưa ra.