Nhận định cổ phiếu ngày 16/3: REE, GDT và TAR
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu REE, giá mục tiêu 85.000 đồng
VCSC tăng dự báo tổng lợi nhuận giai đoạn 2022-2026 thêm 1% đối với Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) khi ghi nhận khoản lợi nhuận từ 400 MW công suất bổ sung từ các dự án điện gió trong giai đoạn 2023-2026, điều này bù đắp cho mức điều chỉnh giảm trong dự báo lợi nhuận của VCSC cho PPC (Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại) và mức giảm trong dự báo lợi nhuận từ điện mặt trời áp mái.
Ngoài ra, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022 sau khi tăng 30% công suất vào năm 2021 thông qua 3 dự án điện gió, cũng như lợi nhuận sau thuế từ mảng Cơ điện lạnh (M&E)/văn phòng cho thuê tăng trưởng 162%/12%. VCSC cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 15% trong giai đoạn 2021-2026, được thúc đẩy bởi đóng góp từ 500 MW công suất điện gió, 473 MWp công suất điện mặt trời trên áp mái, 500 MW công suất thủy điện và hoạt động thương mại của tòa nhà Etown 6 vào năm 2023.
Đáng chú ý, trang trại điện gió Trà Vinh đã mang lại lợi nhuận vững chắc trong 2 tháng với 56 tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng là 66% sau khi đi vào hoạt động vào ngày 31/10/2021. Do đó, VCSC duy trì dự báo mảng điện gió sẽ đóng góp 239 tỷ đồng lợi nhuận cho REE vào năm 2022 (khoảng 10% lợi nhuận sau thuế của REE) và sẽ thúc đẩy lợi nhuận sau thuế của mảng điện tăng 11% so với cùng kỳ.
Theo ban lãnh đạo, REE đang nhắm đến một lượng lớn công suất điện gió mới với mục tiêu phát triển/M&A 100-200 MW các dự án điện gió mỗi năm. Do đó, VCSC đưa vào dự báo thêm 100 MW công suất từ các dự án điện gió mỗi năm trong giai đoạn 2023-2026 với giá đấu nối (FiT) là 6,81 US cent/kWh (thấp hơn khoảng 20% so với mức FiT ưu đãi của năm 2021 là 8,5 US cent/kWh). VCSC dự báo các dự án mở rộng có tổng công suất 400 MW này sẽ đóng góp 358 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 10% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của REE trong năm 2026.
Do dịch COVID-19, REE chỉ lắp đặt 16,5 MWp công suất điện mặt trời áp mái mới vào năm 2021 so với dự báo trước đây của VCSC là 40 MWp. Ngoài ra, VCSC ước tính giá bán trung bình thấp hơn khoảng 5% so với các giả định trước đây. Do đó, VCSC giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2026 của mảng điện mặt trời áp mái thêm 17%.
Vì vậy, VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu REE, giá mục tiêu 85.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,05% so với giá đóng cửa ngày 15/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu REE của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GDT, giá mục tiêu 65.425 đồng
BVSC đã tham dự Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) vào ngày 12/03/2022 tại TP. HCM. Các cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 của GDT là 500 tỷ (tăng 47,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 94,3 tỷ (tăng 55,1% so với cùng kỳ).
Theo Ban lãnh đạo, năng lực sản xuất của GDT đủ để đáp ứng mục tiêu doanh thu thuần năm 2022, kể cả trước khi di chuyển khu vực trữ tồn kho tại Nhà máy cũ ở tỉnh Bình Dương (nhằm mở rộng thêm 1.000 m2 sản xuất, bổ sung năng lực sản xuất của Công ty) sang Nhà máy mới, được mua vào năm 2020 đang tận dụng hoàn toàn làm nhà kho. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng giá thị trường của Nhà máy mới mua này đã tăng đáng kể. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng các mục tiêu này được xây dựng vào cuối năm 2021, khi mà xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa xảy ra. Ban lãnh đạo dự kiến tác động hạn chế trong ngắn hạn, đồng thời dự báo áp lực sẽ gia tăng sau đó.
Cho đến nay, các đơn đặt hàng hiện tại của GDT là hơn 9,0 triệu USD - hoàn thành 50% kế hoạch xuất khẩu năm 2022 - mà Ban lãnh đạo cho rằng cung cấp đủ công việc cho Công ty trong 3,5 - 4 tháng tới.
Ban lãnh đạo cho biết GDT đã chủ động tăng hàng tồn kho với giá ưu đãi như thường lệ, phần lớn là nhờ mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp. Tồn kho hiện tại khá lớn ở mức 5-6.000 m3 so với tổng lượng sử dụng năm 2021 là 11.684 m3; đáng lưu ý nhất, GDT chỉ cần trả trước 30%, đồng thời lưu hàng tồn kho này tại kho của nhà cung cấp. Theo quan điểm của BVSC, hàng tồn kho chi phí thấp hiện tại sẽ giúp trung hòa xu hướng lạm phát giá hàng hóa gần đây và do đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho GDT và bảo vệ tốt biên lợi nhuận ròng của GDT.
Theo Ban lãnh đạo, GDT đang trong quá trình thỏa thuận mua lại một nhà sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất tại Đồng Nai từ một đối tác lâu năm của GDT. Cụ thể, thương vụ này sẽ bao gồm việc mua lại tất cả đất đai, nhà xưởng (12.000 m2), máy móc, công nghệ, nhân viên và cơ sở khách hàng. Quy mô doanh thu hiện tại Công ty này là khoảng 5,0 triệu USD và BLN ròng tối đa ở mức 20%, và có lịch sử tăng trưởng vững chắc trong những năm qua. GDT sẽ tài trợ cho thương vụ này bằng vốn tự có, đồng thời có thể mở các lựa chọn khác, chẳng hạn như vay ngân hàng hoặc phát hành riêng lẻ. Nếu thương vụ được chốt sớm trong năm nay, mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 của GDT có thể điều chỉnh lên đến 600 tỷ, theo Ban lãnh đạo.
Vì vậy, BVSC khả quan đối với cổ phiếu GDT, giá mục tiêu 65.425 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 12,41% so với giá đóng cửa ngày 15/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu GDT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt tại đây.
SSI: Cập nhật về Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR)
Hoạt động kinh doanh chính của TAR là bán các loại gạo, bao gồm cả gạo có thương hiệu và gạo xá. Công ty tiêu thụ 85% sản lượng gạo nội địa và 15% còn lại là xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, TAR cung cấp gạo cho các đại lý gạo và chuỗi siêu thị Winmart. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Trung Quốc (27%), Malaysia (25%), Hong Kong (12,8%) và Philippine (10%). TAR có xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, nhưng hiện tỷ trọng vẫn chưa nhiều (5%). Trong năm 2021, TAR đã trúng thầu xuất khẩu 48 nghìn tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Đơn hàng này sẽ được xuất đi trong khoảng nửa đầu năm 2022.
TAR có 6 nhà máy gạo tại Cần Thơ với tổng công suất 360 nghìn tấn gạo/năm. Công ty thu mua lúa từ nông dân trong vùng liên kết, sau đó đưa vào chế biến và sản xuất ra gạo. Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Đồng Tháp có chủ trương giao cho TAR 50 nghìn ha để thực hiện liên kết bao tiêu giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Hiện tại TAR đã thực hiện được khoảng 20 nghìn ha (trong đó khoảng 8 nghìn ha là để sản xuất gạo cho Vineco – theo báo chí).
Theo kế hoạch 2022, doanh thu và lợi nhuận đặt ra là 3.500 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 600 tỷ đồng (tăng 6 lần so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng tăng trưởng đột biến đến từ việc bán đất. Theo Chứng Thư Thẩm Định Giá ngày 22/2/2022, lô đất có diện tích 10.904,8 m2 và giá trị là 539 tỷ đồng tại tỉnh Cần Thơ. SSI Research ước tính, lợi nhuận từ bán đất có thể đạt 470 tỷ đồng. Công ty dự kiến thực hiện bán đất trong nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, kinh doanh gạo mang lại biên lợi nhuận rất thấp (chỉ 1% - 3,3% trong quá khứ). Trong khi đó, nợ vay của TAR ở mức khá cao (D/E đạt 1,4x – 2,1x trong quá khứ), do đó lợi nhuận sẽ biến động rất mạnh trong bối cảnh giá hàng hóa biến động, cước vận chuyển tăng và các chi phí liên quan COVID-19 gia tăng. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, TAR đã phát hành riêng lẻ và sẽ bán đất để giảm các khoản vay xuống mức an toàn hơn.
Để cải thiện biên lợi nhuận ròng, công ty sẽ ưu tiên cho việc mở rộng thị trường nội địa, hoặc các thị trường xuất khẩu có biên lợi nhuận tốt như Đức và các nước Châu Âu khác. Đối với các thị trường xuất khẩu có biên lợi nhuận thấp (Trung Quốc 27%, Malaysia 25% và Philippines 10%), công ty chỉ duy trì các hợp đồng cũ chứ không ký thêm hợp đồng mới.
Với lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh ước đạt 132 tỷ đồng trong năm 2022 và số lượng cổ phiếu sau phát hành riêng lẻ là 71,2 triệu cổ phiếu. SSI Research ước tính EPS đạt 1.852 đồng. Giá cổ phiếu đã phản ánh phần nào khoản lợi nhuận bất thường từ bán đất trong nửa đầu năm 2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.