Công ty chứng khoán nhận định gì về cổ phiếu FRT, SCS và PC1?
VCSC: Cập nhật hoạt động kinh doanh đối với cổ phiếu FRT, giá mục tiêu 109.000 đồng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số (HoSE: FRT), doanh thu đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (tăng 65% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng (5 lần so với năm trước).
VCSC tin rằng chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng chính khi số lượng cửa hàng của chuỗi này tăng gần gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái lên 600 trong quý I. Cụ thể, số lượng nhà thuốc đã tăng từ 222 vào cuối quý I năm 2021 và 400 vào cuối năm, và doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng của các cửa hàng cũ trong quý I năm 2022 tăng lên 1,5 nghìn tỷ đồng (hiện là cao nhất trong ngành, theo ban lãnh đạo của FRT) từ 1,1 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2021.
Mặc dù doanh thu của FPT Shop được đặt mục tiêu tăng trưởng một con số, nhưng ban lãnh đạo cho rằng chuỗi này sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi việc sử dụng ngày càng nhiều laptop để làm việc và học tập sau các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 - đặc biệt mỗi năm có thêm hàng triệu sinh viên/học sinh mới - và nhu cầu thay đổi/nâng cấp laptop sau mỗi 2 đến 3 năm.
Công ty đang trong quá trình mua lại giấy phép nhà khai thác mạng di động ảo (MVNO). Doanh nghiệp mạng di động ảo (MVNO, ví dụ như: Reddi, Itelecom và mylocal.vn) là các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông không sở hữu cơ sở hạ tầng không dây. MVNO hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) như Viettel và Mobifone để sử dụng hạ tầng mạng không dây của các công ty này nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông thông qua module nhận dạng thuê bao (SIM) với số thuê bao di động. Như vậy, MVN là một mô hình kinh doanh có tài sản thấp, do đó rủi ro được hạn chế nếu nó không được thực hiện thành công.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo cập nhật cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
VNDIRECT: Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu CSC, giá mục tiêu 200.800 đồng
Trong quý I năm 2022, tổng sản lượng hàng hóa của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn (HoSE: SCS) tăng 18,5% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ hàng hóa quốc tế (tăng 40,8% so với cùng kỳ) nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trong khi sản lượng hàng hóa nội địa giảm 34,6% so với cùng kỳ do nhà ga đạt công suất tối đa và SCS phải giới hạn công suất phục vụ hàng hóa nội địa.
Giá bán trung bình (ASP) tăng 6,9% so với cùng kỳ do SCS áp dụng chính sách phí mới kể từ tháng 5/2021. Kết quả là doanh thu quý I năm 2022 tăng 25,4% so với cùng kỳ đạt 246 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng 4,2 điểm % lên 83,5% giúp lợi nhuận gộp tăng 32,0% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 75,3% so với cùng kỳ nhờ lượng tiền tích lũy gửi kỳ hạn ngắn tăng. Tổng hợp lại, lợi nhuận ròng quý I năm 2022 tăng 36,6% so với cùng kỳ đạt 188 tỷ đồng.
Nhà ga của SCS đang hoạt động ở mức 133% công suất, do đó, công ty sẽ bắt đầu mở rộng công suất nhà ga từ 200.000 tấn/năm lên 350.000 tấn/năm trong năm 2022. SCS sẽ đầu tư 10 triệu USD cho kế hoạch tăng công suất và tài trợ dự án bằng vốn tự có. SCS cũng lên kế hoạch xây dựng tòa nhà văn phòng thứ 2 với tổng mức đầu tư 10 triệu USD ngay khi được cấp phép xây dựng trong năm 2022. Để tài trợ vốn cho 2 dự án này, công ty sẽ giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư và lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 85% trong năm 2022.
Do đó, VNDIRECT đưa ra khuyến nghị khả quan cho SCS với giá mục tiêu theo phương pháp DCF (WACC: 12,1%) là 200.800 đồng/ cổ phiếu. Triển vọng tăng giá là sản lượng hàng hóa cao hơn dự kiến nhờ thị trường vận chuyển hàng không tăng trưởng mạnh. Rủi ro giảm giá là bất ổn từ dịch bệnh hay địa chính trị ảnh hưởng đến giao thông đường không.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo cập nhật cổ phiếu CSC của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.
KBSV: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1) đạt 9.81 nghìn tỷ đồng, tăng 46,9% so với cùng kì năm 2020, trong đó mảng xây lắp điện đóng góp doanh thu 6,71 nghìn tỷ đồng, tăng 119,4% so với năm 2020 và chiếm 68,4% doanh thu năm 2021 của PC1. Lợi nhuận sau thuế đạt 764,1 tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2020.
Tổng kết lại, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PC1 đã vượt kế hoạch, đạt lần lượt 123% và 150% so với kế hoạch đề ra năm 2021.Trong quý I/2022, Công ty đã hoàn thành 20% kế hoạch năm với doanh thu và 23% với lợi nhuận sau thuế, tương ứng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 2.200 tỷ đồng tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021 và 151,1 tỷ đồng, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào đóng góp từ cụm điện gió tại Quảng Trị đã vận hành ổn định cũng như lượng backlog lớn PC1 đã kí.
Khu công nghiệp Yên Phong II-A do Western Pacific (công ty PC1 góp 30% vốn) sở hữu đã thực hiện những gói thầu đầu tiên sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý, khu công nghiệp này cũng đã có những nhà đầu tư đặt chỗ trước, đảm bảo tiềm năng về tăng trưởng. Về mảng bất động sản, PC1 sẽ thực hiện bàn giao 2 dự án thấp tầng là dự án Định Công và dự án Yên Thường (Gia Lâm) với tổng doanh thu luỹ kế đạt trên 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 200 tỷ đồng.
Trong quý IV/2022, PC1 sẽ khởi công dự án hỗn hợp cao và thấp tầng PCC1 Thăng Long. Mảng khai khoáng của PC1 cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng, cụ thể PC1 đang trong quá trình xây dựng nhà máy tự động hoá hoàn toàn với công nghệ tới từ Siemen (Đức) và đã có nhiều đối tác quốc tế từ Mỹ, Trung Quốc,… liên hệ để kí hợp đồng giao ngay nhưng ban lãnh đạo đang xem xét và cân nhắc đối tác.
Ngoài ra, về mảng năng lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng chia sẻ sau năm 2025 khi nhu cầu về năng lượng tái tạo đã đủ lớn và hệ thống điện có thể đáp ứng, PC1 sẽ triển khai các dự án offshore với lợi thế có thể tự chủ thi công các phần của dự án trừ turbine gió.