Cổ phiếu MSB: Lợi nhuận bất thường tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng năm 2022
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu MSB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"Tổng quan Q3/2021
MSB là một trong số ít ngân hàng có thu nhập lãi ròng (NII) trong Q3/2021 tăng so với quý trước (+24% so với cùng kỳ và +10% so với quý trước). Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, các ngân hàng hầu như có mức tăng trưởng tín dụng thấp và lợi suất cho vay trung bình giảm. Ngược lại, MSB có mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ là +6,4% so với quý trước (+17% so với đầu năm), với lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) và NIM lần lượt tăng 21 bps và 25 bps lên 6,43% và 3,89%. Điều này tốt hơn kỳ vọng, mặc dù hệ số LDR và nguồn vốn ngắn hạn vẫn được giữ ở mức thấp lần lượt là 65% và 17%.
Kết quả đạt được như vậy là nhờ:
Mở rộng cho vay đối với các khách hàng SME. Trong quý, tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ nhóm khách hàng SME (+ 23,8% so với quý trước). Nhóm khách hàng này thường mang lại NIM cao hơn so với các doanh nghiệp lớn hơn. Cho vay khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp lớn tăng trưởng khiêm tốn, lần lượt tăng +2,58% và 1,32% so với quý trước. Chúng tôi nhận thấy tỷ trọng cho vay ngắn hạn tăng so với quý trước và việc giải ngân mới tập trung nhiều ở ngành xây dựng (+24% so với quý trước). Trong khi đó, cho vay đối với các nhà đầu tư bất động sản thương mại giảm -6% so với quý trước. Vào cuối Q3/2021, tính cả cho vay mua nhà của khách hàng cá nhân (11,9%), chuỗi giá trị bất động sản và vật liệu xây dựng chiếm 38,6% tổng dư nợ, hầu như không thay đổi so với quý 2. Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù mang lại lợi suất cho vay và NIM khá tốt, nhưng việc tập trung vào các ngành nghề này là một rủi ro và cần được theo dõi chặt chẽ.
CASA tăng mạnh giúp cải thiện chi phí vốn. Sau khi giảm trong Q2/2021, CASA tăng +20% so với quý trước (+55% so với cùng kỳ) với sự trở lại của CASA doanh nghiệp (+33,9% so với quý trước). Tỷ lệ CASA vào cuối Q3/2021 là 30,9% - cao thứ 4 trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu. MSB đặt mục tiêu tăng cả CASA bán lẻ và CASA doanh nghiệp. Trong khi CASA bán lẻ được kỳ vọng sẽ cải thiện thông qua thanh toán trực tuyến và thúc đẩy việc sử dụng ngân hàng số và nâng cao chất lượng dịch vụ, CASA doanh nghiệp sẽ được nâng cao thông qua hệ sinh thái của các khách hàng doanh nghiệp lớn (VNPT, VNAirlines,...).
Thu nhập ròng ngoài lãi (Non-NII) tăng trưởng mạnh, chủ yếu từ lãi kinh doanh chứng khoán đầu tư (191 tỷ đồng so với 5 tỷ đồng trong Q3/2020). Doanh số bancassurance cũng là một yếu tố đóng góp khi MSB hoạt động tích cực hơn trong năm nay sau khi ký hợp đồng độc quyền với Prudential.
Hệ số CIR biến động mạnh giữa các quý như thường lệ, nhưng đang có xu hướng cải thiện. Hệ số CIR của MSB dao động nhiều giữa các quý, phần lớn là do chi phí nhân sự cao hơn trong quý đầu tiên và quý cuối cùng của mỗi năm. Hệ số CIR trong Q3/2021 giảm xuống 30% (so với 56% trong Q4/2020). Lũy kế 9T2021, hệ số CIR của MSB (không bao gồm phí trả trước từ Prudential) là 42,7%. MSB đã ký kết với Temenos để nâng cấp core banking và hợp tác với BCG để triển khai “Digital Factory” - chuyển đổi số ngân hàng truyền thống. Cả hai dự án đã được khởi động cách đây vài tháng, với khoảng 200 nhân sự cho mỗi dự án. Với việc đầu tư liên tục vào số hóa, chúng tôi tin rằng hệ số CIR cốt lõi (không tính thu nhập bất thường) sẽ dao động trong khoảng 45% -50% trong trung hạn.
Các chỉ số tín dụng cần được cải thiện.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,95% (so với 2,02% trong cuối Q2) và hệ số LLCR tăng lên 62% (so với 58,5% trong cuối Q2), chúng tôi cho rằng chất lượng tài sản của MSB vẫn cần tiếp tục được củng cố hơn nữa trong tương lai.
Thứ nhất, Nợ Nhóm 2 của MSB tăng từ 0,86% lên 1,32%, và các khoản cho vay tái cơ cấu tăng mạnh từ 241 tỷ đồng (chiếm 0,26% tổng tín dụng) lên 1,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,8% tổng tín dụng). Tổng các khoản cho vay bị ảnh hưởng là 3,5 nghìn tỷ đồng. Về mặt tuyệt đối, tổng các khoản nợ quá hạn và các khoản vay tái cơ cấu là 5 nghìn tỷ đồng so với với mức trích lập dự phòng chỉ có 1,1 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, chỉ 27,6% tài sản thế chấp tại MSB là bất động sản (nhà ở, nhà xưởng, quyền sử dụng đất), trong khi tại các ngân hàng khác mà chúng tôi nghiên cứu tỷ lệ này dao động từ 60% đến 94%. Giá trị tài sản thế chấp là bất động sản chỉ chiếm 85% tổng khoản vay tại MSB, so với 100% đến 200% tại các ngân hàng khác. Thông thường, bất động sản có tính thanh khoản cao hơn và có xu hướng tăng giá theo thời gian, giúp các ngân hàng có khả năng thu hồi tốt.
Thứ ba, ngân hàng có khoản phải thu từ các hợp đồng bán nợ trị giá 7,6 nghìn tỷ đồng trong cuối Q3/2021, trong đó 18% là nợ quá hạn. Số dư này giảm xuống còn 7,4 nghìn tỷ đồng trong cuối tháng 10/2021. Do ngân hàng vẫn chưa thu đủ tiền từ đối tác, chúng tôi cho rằng ngân hàng vẫn có thể gặp một số rủi ro nhất định.
Ước tính và định giá
Giả định về NIM của chúng tôi cho năm 2021 và 2022 được điều chỉnh tăng lần lượt 15 bps và 26 bps lên 3,63% và 3,81%, phản ánh việc nhóm khách hàng SME dần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng dư nợ, khiến lợi suất tài sản trung bình cao hơn. Chúng tôi cũng tính đến khoản lãi ròng bất thường từ việc bán tài sản thế chấp 300 tỷ đồng và thoái vốn FCCom 1,8 nghìn tỷ đồng vào dự phong của năm 021 và 2022. Theo đó, ước tính LNTT của chúng tôi cho năm 2021 và 2022 tăng 16% và 19% so với ước tính trước đó, lần lượt đạt 4,9 và 6,2 nghìn tỷ đồng.
Cùng với việc điều chỉnh dự phóng, chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm lên 28.400 đồng/cổ phiếu (từ 23.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng tiềm năng tăng giá là 13%. Do đó, chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu từ TRUNG LẬP lên KHẢ QUAN".