Cổ phiếu GAS: Giá tăng bù đắp phần sản lượng sụt giảm
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu GAS của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"Cập nhật 9T2021
Lợi nhuận Q3/2021 tăng 19% bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ
Quý 3/2021 là thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội dẫn đến sản lượng tiêu thụ khí suy giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ điện giảm cùng các hàng quán kinh doanh phải tạm nghỉ. Sản lượng khí tiêu thụ Q3/2021 giảm 26% và sản lượng LPG giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân Q3/2021 tăng 71%, tương ứng tăng 30,57 USD/thùng so với cùng kỳ 2020 nên lợi nhuận sau thuế tăng 19% cùng kỳ năm trước.
Kết quả, GAS ghi nhận doanh thu đạt 18.543 tỷ đồng (+16,3% CK), lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 3.084 tỷ đồng (+18% CK) và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2.464 tỷ đồng (+19% CK) trong Q3/2021. Đáng chú ý khi Q3/2021 là quý có LNST cao nhất trong 7 quý gần nhất (từ Q1/2020 đến nay), thể hiện xu hướng hồi phục mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của GAS bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 58.815 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.822 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 9,2% so với cùng năm ngoái. Với kết quả trên, GAS đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và gần 97% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. So với dự báo của chúng tôi, GAS đã hoàn thành 80% doanh thu và 73,6% lợi nhuận sau 9 tháng.
Tiến độ đầu tư vượt kế hoạch, nợ vay dài hạn tăng mạnh
Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng 9 tháng đầu năm của GAS ở mức cao. Trong đó, Công ty mẹ giải ngân 3.546 tỷ đồng (tập trung chuỗi dự án Nam Côn Sơn, LNG Thị Vải); toàn công ty giải ngân vốn đầu tư 9 tháng là 3.992 tỷ đồng. Nếu không tính dự án Đường ống khí Lô B-Ô Môn (PVN đang điều hành) thì kết quả giải ngân của Công ty mẹ đạt 101% kế hoạch 9 tháng.
Dư nợ vay dài hạn cuối Quý 3 tăng gần 5.000 tỷ đồng so với đầu 2021, lên mức 6.916 tỷ đồng để chuẩn bị bước vào một chu kỳ đầu tư mới, với tổng nhu cầu vốn 3,9 tỷ USD cho 4 dự án lớn là Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 2), LNG Thị Vải (giai đoạn 1 và 2), Lô B và LNG Sơn Mỹ".