Cổ phiếu CTG: Chi phí dự phòng tạo áp lực lên lợi nhuận
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu CTG của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"Tất cả các nguồn thu nhập đều giảm tốc trong quý 3/2021 (+6.5% YoY hay -13% QoQ). Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng thu nhập hoạt động ở mức vừa phải là do các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19:
Số tiền lãi đã giảm cho khách hàng ở mức 1,4 nghìn tỷ đồng. Trong Q3/2021, CTG giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19, với mức giảm tương đương 1,4 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi (~13% thu nhập lãi ròng hàng quý) khiến NIM giảm 41 bps còn 2,8% trong quý.
Các gói miễn giảm phí khoảng 400 tỷ đồng. Thu thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1,15 nghìn tỷ đồng (+9,3% YoY), trong đó thu từ phí thanh toán chỉ tăng 1% YoY và thu từ bảo hiểm tăng 6% YoY mặc dù số lượng và giá trị giao dịch qua e-banking tăng +90% YoY và +88% YoY ở nhóm khách hàng cá nhân.
Lũy kế 9T2021, CTG đã giảm lãi suất cho vay đối với 24.000 khách hàng, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 6 nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo nhận định toàn bộ các gói miễn giảm lãi suất và miễn giảm phí trong cả năm 2021 có thể ở mức 8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các gói miễn giảm lãi và phí này có thể ảnh hưởng đến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng khoảng 2 nghìn tỷ đồng trong Q4/2021.
Chất lượng tín dụng của ngân hàng vẫn là điểm đang lưu tâm. Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng về các khoản nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng, khi nợ xấu và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng.
Nợ xấu tăng. Trong Q2/2021, nợ nhóm 5 tăng gấp đôi lên 12,3 nghìn tỷ đồng. Số dư nợ này đã giảm xuống trong Q3/2021 do (1) một số khách được cơ cấu nợ chuyển nhóm 5 trong Q2 đã trả được nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu, được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ trong thời gian tới và chuyển về nhóm 1; và (ii) CTGthực hiện xử lý rủi ro trong Q3/2021.
Nợ tái cơ cấu. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03/14 tăng lên 7,8 nghìn tỷ đồng, hay 0,72% tổng dư nợ cho vay (từ 4,2 nghìn tỷ đồng ~0,4% tổng dư nợ tại thời điểm cuối Q2/2021). Trong đó, tổng dư nợ của 1.800 khách hàng có khoản vay được tái cơ cấu này hiện ở mức 69,5 nghìn tỷ đồng, hay 6,4% tổng dư nợ cho vay (so với 49 nghìn tỷ đồng ~ 4,55% tổng dư nợ vào cuối Q2/2021).
Ước tính của chúng tôi
Mặc dù đã xử lý 5,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng thêm 14 nghìn tỷ đồng (9 nghìn tỷ đồng nợ xấu báo cáo và 5 nghìn tỷ đồng nợ tái cơ cấu) trong 9T2021, chúng tôi cho rằng áp lực trích lập dự phòng đối với CTG vẫn còn do dư nợ kéo theo đã tăng khá mạnh (+42% QoQ).
Chúng tôi tăng giả định đối với chi phí dự phòng cho nợ tái cơ cấu, ước tính CTG sẽ trích lập dự phòng cho khoản nợ này ở mức 7 nghìn tỷ đồng trong 2021 và 8 nghìn tỷ đồng trong 2022. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 3% và 14% lợi nhuận trước thuế 2021 và 2022 so với ước tính trước còn 17,7 nghìn tỷ đồng (+3,6% YoY) và 21,6 nghìn tỷ đồng (+22% YoY)".