Cổ phiếu VCB: Khuyến nghị TRUNG LẬP, giá mục tiêu 117.000 đồng/cổ phiếu
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu VCB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"NIM được duy trì tốt hơn kỳ vọng
Chúng tôi ước tính các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho vay (với ước tính tác động lên thu nhập lãi thuần (NII) là 5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tương đương 2,5 nghìn tỷ đồng mỗi quý), cùng với việc thoái lãi dự thu liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu sẽ kéo NIM giảm khoảng 80-90 bps so với quý trước trong Q3/2021. Tuy nhiên, thực tế trong Q3/2021 NIM chỉ giảm 35 bps so với quý trước. Mức độ sụt giảm này tương đương như mức giảm trung bình được quan sát thấy tại các Ngân hàng thương mại cổ phần khác (-34 bps so với quý trước).
Trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối (1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ) và thu từ nợ xấu đã xóa (600 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ) khá ổn định, thì lợi nhuận thuần hoạt động dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội trong Q3/201 – giảm -10,3% so với cùng kỳ (đạt 1,1 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù có sự suy yếu nhưng chất lượng tài sản không phải là mối quan tâm lớn tại VCB. Nợ nhóm 2 tăng 59% so với quý trước lên 10,9 nghìn tỷ đồng, xuất phát từ một số doanh nghiệp thuộc ngành khách sạn và vận tải ở miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng 11% so với quý trước lên 6,3 nghìn tỷ đồng và các khoản vay tái cơ cấu tăng gần gấp đôi lên 9 nghìn tỷ đồng. Tổng các khoản cho vay bị ảnh hưởng chiếm khoảng 4-5% tổng sư nợ. Tuy nhiên, tổng mức trích lập dự phòng vào cuối tháng 9 là 26,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản có vấn đề (Nợ nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu).
Ngân hàng cũng chia sẻ rằng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, tỷ lệ các khoản nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu chỉ ở mức 4-5%.
Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy kết quả Q3/2021 của VCB tương đối tốt so với kỳ vọng, với các chỉ số chính vẫn được duy trì ổn định. Kết quả hoạt động đáng khích lệ như vậy sẽ giúp ngân hàng đạt được kế hoạch đã đề ra tại ĐHCĐ.
Ước tính và định giá
Chúng tôi nâng giả định NIM đối với VCB từ 2,81% lên 2,90%, thấp hơn so với kế hoạch của ban lãnh đạo. Chúng tôi để dành dư địa cho trường hợp có thể tiếp tục có các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid19. Trong số 3 ngân hàng nhà nước niêm yết, VCB đã tiến hành hỗ trợ khách hàng nhiều nhất trong nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Trong khi đó, chúng tôi giữ nguyên giả định chi phí tín dụng và trích lập dự phòng lần lượt ở mức 1,22% và 11 nghìn tỷ đồng.
Từ kết quả Q3/2021, chúng tôi tăng nhẹ ước tính LNTT năm 2021 thêm 3% lên 25 nghìn tỷ đồng (+8,6% so với cùng kỳ), nhưng giảm 6% trong năm 2022 đạt 29,8 nghìn tỷ đồng (+18,9% so với cùng kỳ). Chúng tôi chuyển cơ sở định giá sang năm 2022 (từ việc áp dụng mức bình quân năm 2021-2022) và áp dụng P/B mục tiêu không đổi là 3,0x. Do đó, giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu VCB được điều chỉnh lên 117.000 đồng/cổ phiếu (từ 111.500 đồng/cổ phiếu), tiềm năng tăng giá là 20%. Mặc dù lạc quan hơn về triển vọng trung và dài hạn của VCB, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận trong 1-2 quý tới có thể không khả quan và do đó ảnh hưởng đến diễn biến giá trong ngắn hạn của cổ phiếu. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng những đợt cổ phiếu điều chỉnh xuống mức giá thấp là cơ hội để gia tăng tỷ trọng đối với nhà đầu tư dài hạn. Yếu tố hỗ trợ tăng chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến sau đại dịch Covid19, trong khi rủi ro giảm chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là nợ xấu và nợ tái cơ cấu cao hơn dự kiến".