Cổ phiếu SLS: Biên lợi nhuận được cải thiện đáng kể
Quý độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm thông tin phân tích cổ phiếu SLS của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chi tiết tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) - tiền thân là Nhà máy Đường Sơn La - được thành lập vào năm 1995. Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh thành CTCP vào năm 2008 và niêm yết trên sàn HNX vào tháng 10/2012. Công ty tham gia vào lĩnh vực chế biến và kinh doanh đường & các sản phẩm từ đường (mật rỉ). Thị trường chính của SLS là Hà Nội, chiếm 75% sản lượng đầu ra của công ty.
SLS ghi nhận LNTT đạt 163,8 tỷ đồng (+37,3% YoY) trong năm tài chính 2021 dù doanh thu giảm đáng kể. Dù sản lượng sản xuất thấp hơn dẫn đến doanh thu và chi phí giảm, biên lợi nhuận của công ty vẫn tăng khi (1) giá đường tăng hỗ trợ doanh thu và (2) SLS đã cố gắng giảm các chi phí không cần thiết.
Cổ phiếu SLS đang giao dịch với P/E trượt là 10,4 lần - chiết khấu 38% so với mức trung bình của một số công ty cùng ngành là 16,7 lần.
Yếu tố hỗ trợ: Thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan sẽ có lợi cho các nhà sản xuất mía đường trong nước.
Biên lợi nhuận ròng của SLS cải thiện 9,1 điểm phần trăm YoY trong năm tài chính 2021. Mặc dù doanh thu của công ty giảm còn 801 tỷ đồng (-23,6% YoY), SLS ghi nhận LNTT tăng 38% YoY đạt 164 tỷ đồng, vượt kế hoạch là 26 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu mía đường trong các giai đoạn khác nhau của năm tài chính 2021; tuy nhiên, nhờ (1) giá đường tăng và (2) chi phí giảm mạnh, biên lợi nhuận của công ty được cải thiện đáng kể.
Chúng tôi kỳ vọng các nhà sản xuất mía đường trong nước sẽ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan. Theo công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor, giá trung bình hàng tháng của đường tinh luyện (RS) tại Việt Nam tăng 27% YoY trong nửa đầu năm 2021 trong bối cảnh Việt Nam áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới đối với đường Thái Lan và sản lượng đường Thái Lan giảm. Tuy nhiên, sản lượng đường của Thái Lan có thể phục hồi vào năm 2022 nhờ thời tiết thuận lợi hơn, khiến nguy cơ buôn lậu đường gia tăng.
SLS đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện sinh khối để tận dụng bã mía còn sót lại từ sản xuất đường. Mặc dù việc xây dựng dự án này đã được phê duyệt tại ĐHCĐ năm 2020 của SLS, quá trình thi công bị hoãn lại do dịch COVID-19. Tại ĐHCĐ năm 2021 của công ty, SLS xác nhận rằng công ty đã làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn thành các thủ tục hành chính và đảm bảo sẽ tiếp tục dự án trong thời gian sớm nhất".