Cổ phiếu HPG: Khuyến nghị KHẢ QUAN, giá mục tiêu 63.000 đồng/cổ phiếu
Quý độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm thông tin phân tích cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI chi tiết tại đây.
Tóm tắt nội dung:
"Kết quả kinh doanh đạt kỷ lục mới trong Q3/2021 nhờ mảng thép cán nóng
HPG đã công bố KQKD Q3/2021, với doanh thu và lợi nhuận ròng đạt mức cao kỷ lục lần lượt đạt 38,9 nghìn tỷ đồng và 10,35 nghìn tỷ đồng (tăng 56% và 170% so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ mảng HRC. Lũy kế 9T2021, doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG tăng lần lượt 63% và 206% so với cùng kỳ, đạt 105 nghìn tỷ đồng và 27 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý này là nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và đặc biệt là do giá HRC tăng mạnh từ các hợp đồng đã ký trước hai tháng. Do KQKD Q3/2021 cao hơn ước tính của chúng tôi do biên lợi nhuận tốt hơn dự kiến, chúng tôi nâng ước tính lợi nhuận ròng năm 2021 thêm 24% lên 36,6 nghìn tỷ đồng - tương ứng với tăng trưởng 171% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ ở tất cả các dòng sản phẩm thép dự kiến sẽ phục hồi trong quý cuối năm, nhưng biên lợi nhuận HRC có thể giảm so với mức cao kỷ lục trong Q3/2021.
Trong năm 2022, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC sẽ duy trì mức tăng trưởng lần lượt là 17% và 28% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ điều chỉnh về mức bình thường là 24,5% từ 28,7% trong năm 2021 do giá thép điều chỉnh 5-6% so với cùng kỳ. Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 165 nghìn tỷ đồng (+6% so với cùng kỳ) và 32,7 nghìn tỷ đồng (-10,5% so với cùng kỳ). Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu HPG, nhưng nâng giá mục tiêu 1 năm lên 63.000 đồng/cổ phiếu do điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận năm 2022.
Ước tính lợi nhuận
Do lợi nhuận Q3/2021 của HPG cao hơn ước tính của chúng tôi, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể 171% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận mở rộng. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ trong Q4/2021 đối với tất cả các dòng sản phẩm thép sẽ phục hồi từ mức Q3/2021, do nhu cầu bị dồn nén khi các biện pháp giãn cách xã hội nới lỏng. Chúng tôi ước tính sản lượng thép xây dựng và HRC năm 2021 lần lượt đạt 3,99 triệu tấn (+17% so với cùng kỳ) và 2,69 triệu tấn (+292% so với cùng kỳ). Chúng tôi giả định giá thép xây dựng và HRC trung bình lần lượt tăng lên 15,9 triệu đồng/tấn (+40% so với cùng kỳ) và 19 triệu đồng/tấn (+46% so với cùng kỳ), từ 14,8 triệu đồng/tấn và 18,9 triệu đồng/tấn.
Năm 2022, chúng tôi ước tính sản lượng thép xây dựng và HRC sẽ duy trì mức tăng trưởng vững chắc lần lượt là 17% và 23% so với cùng kỳ, đạt 4,7 triệu tấn và 3,3 triệu tấn. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ phôi thép ước tính giảm 37% so với cùng kỳ đạt 689 nghìn tấn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ trở về mức bình thường là 24,5% từ mức cao 28,7% trong năm 2021, do giá thép điều chỉnh khoảng 5%-6%. Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 165 nghìn tỷ đồng (+6% so với cùng kỳ) và 32,7 nghìn tỷ đồng (- 10,5% so với cùng kỳ).
Định giá và luận điểm đầu tư
HPG đang giao dịch với P/E năm 2021 và 2022 lần lượt là 7,0x và 7,8x. Chúng tôi duy trì P/E và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 9x và 6,5x. Do đó, chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với HPG, nhưng nâng giá mục tiêu 1 năm từ 54.000 đồng/cổ phiếu lên 63.000 đồng/cổ phiếu sau khi điều chỉnh ước tính lợi nhuận. Mặc dù công ty sẽ khó có thể duy trì quỹ đạo lợi nhuận trong năm 2022, nhưng chúng tôi ước tính lợi nhuận so với cùng kỳ vẫn duy trì tăng trưởng mạnh trong vòng một vài quý tới. Rủi ro chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là giá thép thấp hơn dự kiến so với chi phí đầu vào".