Cổ phiếu TCB: Khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 65.200 đồng/cổ phiếu
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu TCB của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
Tóm tắt nội dung:
"TCB vượt qua những khó khăn trong quý 3/2021
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã công bố KQKD hợp nhất cho 9 tháng đầu năm 2021 với LN từ HĐKD trước dự phòng (PPOP) và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt đạt 19 nghìn tỷ đồng (+47,7% YoY) và 13,4 nghìn tỷ đồng (+60,6% YoY), lần lượt hoàn thành 78,4% và 80,2% so với dự báo 2021 của chúng tôi. Lợi nhuận tăng mạnh được hỗ trợ bởi (1) mức tăng lần lượt 46,3% và 46,1% YoY trong thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập từ phí (NFI) (bao gồm hoạt động kinh doanh ngoại hối), (2) mức tăng 28,2% YoY trong lợi nhuận từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán và (3) chi phí dự phòng giảm 9,2% YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí HĐKD (OPEX) tăng 23,0% YoY và thu nhập ròng khác giảm 20% YoY. Chúng tôi sẽ cần thảo luận thêm với ngân hàng để đánh giá khả năng về bất kỳ sự suy giảm chất lượng tín dụng nào trong các quý tới. Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng nhẹ dự báo hiện tại của chúng tôi cho lợi nhuận năm 2021 của TCB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
NIM giảm so với quý trước (QoQ) nhưng vẫn duy trì mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. TCB báo cáo NIM 9 tháng 2021 tăng 83 điểm cơ bản YoY đạt 5,69% nhờ (1) chi phí huy động(COF) giảm 122 điểm cơ bản YoY và (2) dư nợ cho vay 9 tháng 2021 tăng trưởng mạnh 15,7% so với tăng trưởng huy động 14,0% (Tăng trưởng cho vay 9 tháng 2021 của TCB cho đến nay là mức tăng trưởng cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi đối với các ngân hàng đã báo cáo số liệu), bị ảnh hưởng một phần bởi mức giảm 18 điểm cơ bản YoY trong lợi suất IEA 9 tháng năm 2021. Chúng tôi tin rằng chi phí huy động giảm là do (1) môi trường lãi suất thấp, (2) tỷ lệ CASA 49,0% trong quý 3/2021 - mức cao nhất mà chúng tôi từng chứng kiến ở một ngân hàng mà chúng tôi theo dõi - so với 38,6% trong quý 3/2020 và ( 3) khoản vay bằng ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng tăng đáng kể từ 23,9 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2020 (chiếm 7,5% tổng nợ phải trả, không bao gồm các khoản nợ khác và các công cụ phái sinh) lên 49,8 nghìn tỷ đồng vào quý 3/2021 (chiếm 11,3% sử dụng cùng thước đo như trên) được tạo ra từ các khoản vay hợp vốn từ nước ngoài mà TCB đã huy động vào tháng 5/2020, theo quan điểm của chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng lợi suất IEA giảm một phần có thể xuất phát từ các biện pháp hỗ trợ thông qua việc giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trên cơ sở QoQ, NIM giảm 32 điểm cơ bản, chủ yếu là do (1) lợi suất IEA giảm 26 điểm cơ bản QoQ và (2) chi phí huy động (COF) tăng 5 điểm cơ bản QoQ.
Thu nhập ngoài lãi (NOII) tiếp tục tăng trưởng ổn định trong 9 tháng năm 2021. NFI 9 tháng năm 2021 (bao gồm thu nhập từ giao dịch ngoại hối) tăng 46,1% YoY nhờ (1) NFI thuần tăng 37,2% YoY cùng với (2) lãi 259 tỷ đồng từ giao dịch ngoại hối so với lỗ 13 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020. Về NFI thuần, phí thuần từ dịch vụ ngân hàng (bao gồm dịch vụ giao dịch, quản lý tiền mặt và nhiều mặt hàng liên quan đến bán lẻ như thẻ tín dụng) tăng 80,6% YoY (đóng góp 36% vào NFI). Phí thuần từ bancasurrance vẫn ở mức cao so với 9 tháng 2020 (+31,4% YoY - đóng góp 17% cho NFI). Đáng chú ý, thu nhập từ dịch vụ môi giới chứng khoán mang lại mức tăng trưởng YoY cao nhất trong số các khoản mục NFI thuần và là khoản mục có mức tăng đóng góp vào NFI thuần cao nhất so với 6 tháng đầu năm 2021 (237% YoY - đóng góp 10,8% cho NFI). Phí thuần từ bảo lãnh phát hành chứng khoán tiếp tục tăng trưởng âm YoY (-21,5% YoY - đóng góp 16,4% cho NFI). Về các khoản mục NOII khác, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán tăng 28,2% YoY trong khi thu nhập ròng khác giảm 20% YoY trong 9 tháng 2021, nguyên nhân là do thu nhập từ các công cụ phái sinh khác giảm.
Chi phí dự phòng giảm YoY trong khi duy trì tương đối không đổi QoQ. TCB báo cáo chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 2,0 nghìn tỷ đồng (-9,2% YoY). Tuy nhiên, quý 3/2020 là mức cơ sở cao do TCB trích lập một khoản dự phòng lớn để xử lý nợ, từ đó nâng tỷ lệ xử lý nợ 9 tháng đầu năm 2020 trên tổng dư nợ lên mức cao nhất trong 3 năm qua đạt 1,35 %. Trong khi đó, tỷ lệ xử lý nợ đối với các khoản cho vay gộp trong 9 tháng năm 2021 là 0,16%. Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2021 hoàn thành 65,3% dự báo cả năm của chúng tôi.
Chỉ số chất lượng tín dụng giảm nhẹ QoQ trong quý 3/2021. Tỷ lệ nợ xấu quý 3 năm 2021 đạt 0,57% (+21 điểm cơ bản QoQ và -3 điểm cơ bản YoY). Tuy nhiên, mức tỷ lệ nợ xấu này vẫn là tương đối thấp. Nợ nhóm 2 trong tổng dư nợ tăng lên 0,93% trong quý 3/2021 (+25 điểm cơ bản QoQ và +7 điểm cơ bản YoY). Lãi dự thu trong quý 3/2021 trên lợi suất IEA là 1,24% (+1 điểm cơ bản QoQ và -37 điểm cơ bản YoY). Tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) quý 3/2021 đạt 184% (-75 điểm % QoQ và +37 điểm % YoY)".