Cổ phiếu DRC: Kết quả kinh doanh kém tích cực do dịch COVID-19
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích cổ phiếu DRC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã công bố KQKD quý 3/2021 với doanh thu đạt 929 tỷ đồng (- 1,8% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 34 tỷ đồng (-45,3% YoY).
Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 3,0 nghìn tỷ đồng (+ 20,0% YoY) - hoàn thành 74,5% dự báo cả năm của chúng tôi - trong khi LNST sau lợi ích CĐTS đạt 204 tỷ đồng (+38,5% YoY) - chỉ hoàn thành 57,0% dự báo cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi chủ yếu cho rằng LNST sau lợi ích CĐTS của DRC giảm mạnh hơn so với doanh thu trong quý 3/2021 do (1) biên lợi nhuận gộp giảm và (2) chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh dưới tác động của 3 tháng ngừng hoạt động tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.
Do LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2021 thấp hơn dự báo của chúng tôi chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh hơn dự kiến, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với các dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài tại Việt Nam và gián đoạn trong hoạt động logistic khiến doanh thu quý 3/2021 giảm 22,8% so với quý trước. Chúng tôi lưu ý rằng nửa cuối năm thường là mùa cao điểm của DRC. Chúng tôi cho rằng doanh thu quý 3/2021 bị ảnh hưởng việc nhu cầu trong nước và xuất khẩu giảm. Việc các tỉnh miền Nam và miền Trung thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ lốp trong nước trong quý 3/2021. Vào năm 2020, 2 khu vực này chiếm 78% doanh thu trong nước của DRC. Ngoài ra, doanh thu xuất khẩu bị ảnh hưởng do hạn chế đi lại/vận tải và tình trạng khan hiếm container trên toàn cầu.
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng bắt đầu ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2021. Chúng tôi cho rằng DRC đã sử dụng một phần hàng tồn kho được tích lũy trong thời kỳ giá đầu vào tương đối thấp hơn trong quý 2/2021 — khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6. Do đó, mặc dù giá cao su có xu hướng giảm kể từ tháng 7, chúng tôi tin rằng giá vốn hàng bán quý 3/2021 của DRC phản ánh chi phí nguyên liệu cao trong quý trước. Biên lợi nhuận gộp của DRC trong quý 3/2021 giảm còn 14,4% (so với mức 15,3% trong cùng kỳ năm 2020) dù chi phí khấu hao giảm. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2021 của DRC duy trì ở mức 17,3% nhờ biên lợi nhuận gộp tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, nếu không tính ảnh hưởng của chi phí khấu hao, biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2021 giảm còn 19,8% so với mức 22,7% trong cùng kỳ năm 2020.
Chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng cao ảnh hưởng đến LNST sau lợi ích CĐTS quý 3/2021. Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 16 bắt đầu từ tháng 7, Đà Nẵng đã trải qua 21 ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn từ ngày 15/8 đến ngày 5/9 nhằm hạn chế người dân rời khỏi nhà. Do đó, DRC đã phải chi khoảng 11,4 tỷ đồng để tuân thủ chính sách “ba tại chỗ” (nhân viên làm việc, ăn ngủ tại nhà máy) để duy trì hoạt động. Trong quý 3/2021, chi phí SG&A của DRC chiếm 9,8% doanh thu so với mức 8,1% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chi phí tài chính ròng giảm hỗ trợ lợi nhuận ròng của DRC. Tính đến quý 3/2021, tổng số dư nợ của DRC tăng 93,6% YoY lên 511 tỷ đồng. Tuy nhiên, do DRC đã trả hết nợ dài hạn vào quý 4/2020 nên các khoản nợ trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ bao gồm nợ ngắn hạn, trong khi nợ dài hạn chiếm 42% đòn bẩy trung bình trong 9 tháng đầu năm 2020. Như vậy, chi phí lãi vay của DRC trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 63,5% YoY. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 86,6% YoY lên 22 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021 nhờ số dư tiền mặt cao hơn của DRC vào cuối quý 3/2021 là 238 tỷ đồng (+66,2% YoY)".