Thứ sáu, 19/04/2024, 13:52 PM
Đầu tư   •   Thứ hai, 01/11/2021, 17:46 PM  •  01/11/2021, 17:46

Báo cáo ngành dược: Tiềm năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn

Báo cáo cập nhật ngành dược của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Báo cáo ngành dược: Tiềm năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo cập nhật ngành dược của Công ty Chứng khoán Bản Việt chi tiết tại đây.

Nội dung tóm tắt:

"Thị trường nhà thuốc: Các chuỗi nhà thuốc đang chiếm thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ  

Thị trường dược phẩm ở Việt Nam có tính phân mảng cao với khoảng 50.000 nhà thuốc-hầu hết là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Sự phổ biến của các nhà thuốc vừa và nhỏ dẫn đến các vấn đề về chuyên môn y tế và khả năng tư vấn trong ngành này. Cụ thể, mặc dù quy định yêu cầu mọi nhà thuốc cần phải có một dược sĩ được cấp phép, nhưng không yêu cầu dược sĩ đó phải có mặt tại nhà thuốc trong mọi lúc. Thực trạng này, cùng với việc giảm sát còn lỏng lẻo, dẫn đến (1) các dược sĩ có chứng chỉ cho chủ nhà thuốc thuê bằng của họ nhưng không thực sự làm việc tại các nhà thuốc đó và (2) một chứng chỉ dược sĩ có thể được cho nhiều nhà thuốc thuê cùng một lúc. Thực trạng này giải thích tại sao Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có ít dược sĩ hơn nhà thuốc.

Các chuỗi nhà thuốc đang ngày càng chiếm nhiều thị phần hơn với việc mở rộng mạnh mẽ. Dựa trên ước tính của chúng tôi, 2 chuỗi lớn nhất (Pharmacity và Long Châu) có tổng thị phần ở mức một chữ số trung bình/cao vào năm 2020. Tuy nhiên, với sự mở rộng hiện diện nhanh chóng, chúng tôi kỳ vọng thị phần của các chuỗi này sẽ nhanh chóng tăng trong tương lai - đạt mức 2 chữ số vào năm 2021. Pharmacity đặt mục tiêu có tổng cộng 5.000 cửa hàng vào năm 2025 (từ 513 cửa hàng tại cuối năm 2020) trong khi Long Châu dự kiến sẽ mở 150-200 cửa hàng mới mỗi năm trong vài năm tới (so với số cửa hàng vào cuối 2020 trong tổng số 200 cửa hàng).

Từ quan điểm của người tiêu dùng, trong khi giá cả vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định mua hàng, chúng tôi tin rằng khi thu nhập tăng lên, các yếu tố như chất lượng dịch vụ, khả năng tư vấn, sự đa dạng sản phẩm và các chương trình khách hàng thân thiết sẽ ngày càng trở nên quan trọng và hỗ trợ sự phát triển của chuỗi nhà thuốc.

Sự gia tăng của các chuỗi trên toàn quốc có thể gây một số áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà sản xuất dược phẩm - đặc biệt là những công ty phụ thuộc vào kênh phân phối dược phẩm. Điều này là do khi quy mô của các chuỗi toàn quốc này mở rộng, khả năng thương lượng của nhà thuốc và nhà cung cấp sẽ tăng, do đó sẽ cho phép các chuỗi nhà thuốc đàm phán các điều khoản thương mại thuận lợi hơn.

Các chuỗi nhà thuốc hàng đầu đang vận hành các mô hình cửa hàng khá khác nhau. Pharmacity vận hành các mô hình nhà thuốc “hiện đại” giống với các mô hình nhà thuốc ở các nước phát triển; ngoài ra, danh mục các sản phẩm FMCG là khá nổi bật. Trong khi đó, chúng tôi xem các mô hình cửa hàng Long Châu và An Khang là phiên bản nâng cấp của một nhà thuốc truyền thống. Tuy nhiên, trong khi Long Châu đang mở các cửa hàng độc lập, các cửa hàng An Khang đang được tích hợp với một số cửa hàng bách hóa của MWG để tận dụng lưu lượng khách hàng và mặt bằng cửa hàng.

Cổ phiếu có liên quan trong danh mục theo dõi của chúng tôi

DHG: Định giá hấp dẫn cùng với triển vọng ổn định [KHẢ QUAN +16,0%]

DHG có định giá hấp dẫn với P/E năm 2021/2022 là 17,2 lần/16,1 lần so với mức trung bình 5 năm là 18,7 lần và mức trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 18,4 lần. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình một con số mỗi năm của DHG, chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi sự hiện diện lâu dài và rộng rãi trong kênh nhà thuốc, giá trị thương hiệu mạnh cũng như hỗ trợ sản phẩm từ Taisho (cổ đông kiểm soát của DHG) trong thuốc điều trị các bệnh đời sống đang tăng trưởng nhanh như thuốc thần kinh, tim mạch và tiêu hóa.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu sản phẩm tự sản xuất của DHG sẽ tăng trưởng thấp hơn so với ngành (CAGR 2020-2023 7% đối với DHG so với 8% đối với toàn ngành, theo IQVIA) do DHG có sự hiện diện thấp tại kênh bệnh viện vốn đang tăng trưởng nhanh hơn, vốn chỉ chiếm khoảng14% doanh thu của DHG vào năm 2020.

DHG đang xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh theo tiêu chuẩn GMP Nhật Bản để mở rộng thị trường tiêu thụ tại kênh bệnh viện. Nhà máy này sẽ cho phép công ty tham gia vào đấu thầu thuốc tại các Nhóm chất lượng cao (Nhóm 1 và Nhóm 2). Tuy nhiên, nhà máy mới này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024; do đó, chúng tôi không kỳ vọng doanh thu từ kênh bệnh viện của DHG sẽ cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

IMP: Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ công nghệ sản xuất hàng đầu và công suất dồi dào [KHẢ QUAN +11,3%]

Chúng tôi dự báo IMP sẽ đạt CAGR EPS 24% giai đoạn 2020-2023 nhờ vào lợi thế cạnh tranh về công nghệ sản xuất đạt chuẩn EU-GMP và môi trường chính sách thuận lợi. Chúng tôi dự báo hiệu suất hoạt động của các nhà máy EU-GMP của IMP sẽ tăng từ khoảng 25% vào năm 2020 lên khoảng 50% vào năm 2023 và biên LN gộp sản phẩm tự sản xuất của IMP sẽ tăng từ 41,0% vào năm 2020 lên 42,6% vào năm 2023 trong khi ROIC sẽ tăng từ 16,3% năm 2020 đến 27,0% năm 2023.

Triển vọng mạnh mẽ tại kênh bệnh viện thể hiện qua giá trị trúng thầu tăng cao của IMP. Trong 6 tháng đầu năm 2021, IMP đã giành được 1,1 nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng trong gói thầu thuốc bệnh viện. 97% giá trị này đến từ thuốc Nhóm 1 và 2 - bậc cao nhất về chất lượng thuốc trong kênh bệnh viện. Theo quan điểm của chúng tôi, bất chấp những khó khăn hiện tại từ dịch COVID-19, thực tế là giá trị trúng thầu của IMP trong 6 tháng 2021 tương đương với 120% giá trị trúng thầu của cả năm 2020 là chỉ báo tốt cho tăng trưởng trung hạn của công ty. Chúng tôi dự báo tỷ trọng đóng góp của kênh bệnh viện vào tổng doanh thu sẽ tăng từ 41% vào năm 2020 lên 64% vào năm 2023.

FRT: Triển vọng sinh lời rõ ràng hơn từ mảng nhà thuốc [KÉM KHẢ QUAN -15,0%]

Chuỗi Long Châu đang nhìn thấy triển vọng sinh lời rõ ràng hơn. Mặc dù tăng số lượng cửa hàng lên 268 trong nửa đầu năm 2021 so với năm 200 cửa hàng tính đến cuối 2020 và 70 cửa hàng vào cuối năm 2019, chúng tôi ước tính doanh thu hàng tháng/cửa hàng của Long Châu đã cải thiện từ 750 triệu đồng trong năm 2020 lên 1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 trong khi chi phíbán hàng và quản lý/ doanh thu giảm từ 25,8% trong năm 2020 xuống 21,7% trong 6 tháng đầu năm 2021. Chúng tôi cho rằng những cải thiện này một phần là do tăng trưởng doanh thu tích cực của các cửa hàng mới - đặc biệt là các cửa hàng mở vào năm 2020. Chúng tôi cho rằng chuỗi Long Châu có thể đạt được điểm hòa vốn vào khoảng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, được hỗ trợ bởi biên LN gộp gia tăng nhờ quy mô lớn hơn và cơ cấu sản phẩm tốt hơn, sự trưởng thành của các cửa hàng mới và đòn bẩy hoạt động. Theo dự báo của chúng tôi, Long Châu sẽ đóng góp 35%/42% vào doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS năm 2025 của FRT.

Quan điểm thận trọng của chúng tôi về FRT dựa trên triển vọng kinh doanh mảng di động vốn đang chững lại. Mảng kinh doanh di động của FRT đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng của ngành chững lại cũng như sự cạnh tranh gia tăng từ công ty dẫn đầu thị trường là MWG, vốn đangtiếp tục gia tăng điểm bán điện thoại di động qua các cửa hàng điện máy tiêu dùng. Với tình hình này và việc FRT chưa có các kế hoạch rõ ràng để thúc đẩy SSSG, chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức một chữ số thấp trong trung hạn cho mảng kinh doanh di động của FRT. Dựa trên quan điểm này, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của FRT (P/E 2021/2022 là 41,7/25,5 lần) là khá cao".


Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Cổ phiếu lao dốc đồng loạt, VN-Index mất hơn 13 điểm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:57 AM
Áp lực xả hàng từ nhà đầu tư khiến sắc đỏ lan tràn hầu hết khắp thị trường. VN-Index chốt phiên mất 13,14 điểm, đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Bột giặt NET muốn trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 50%

Đầu tư   •   Thứ tư, 03/04/2024, 09:43 AM
CTCP Bột giặt Net dự tính chi khoảng 112 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông sau một năm kinh doanh thuận lợi với kết quả cao kỷ lục.

IDI lên kế hoạch chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Đầu tư   •   Thứ hai, 01/04/2024, 16:39 PM
Ban lãnh đạo IDI đề xuất chia cổ tức năm 2022 và năm 2023 là 20% vốn điều lệ (hơn 455 tỷ đồng), lên kế hoạch lãi sau thuế 276 tỷ đồng.

FPT dự kiến chia cổ tức 20% bằng tiền mặt

Đầu tư   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:48 PM
FPT sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%, trong đó công ty đã chi trả 10% trong năm vừa qua và dự kiến sẽ trả 10% còn lại sau khi ĐHCĐ phê duyệt.

KBSV: Xác suất chỉ số VN-Index vượt đỉnh đang giảm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 22/03/2024, 16:47 PM
Sự suy yếu của lực cầu và sự thiếu nhóm dẫn dắt sẽ khiến cho xác suất vượt đỉnh của chỉ số VN-Index ngày càng giảm và rủi ro đảo chiều ngày càng tăng.