7 cách nhà đầu tư nên làm để bảo vệ bản thân trước thời kì lạm phát
Chúng ta sẽ phải chung sống với sự tăng lên của giá cả trong thời kì lạm phát. Vậy cần làm gì để bảo vệ các khoản đầu tư và hạn chế các khoản chi phí của bạn trong thời kì tồi tệ này?
Khi nền kinh tế xảy ra lạm phát, tất cả mọi thứ thiết yếu như giá xăng, dầu, vật liệu xây dựng và bất động sản đều tăng cao, một số lạm phát còn tồn tại trong thời gian khá dài. Tuy thời kì này mức lương của chúng ta tăng lên, nhưng chi phí tiêu dùng hàng ngày cũng tăng lên bởi giá cả thực phẩm, xăng dầu tăng.
Vậy nên làm gì để bảo vệ bản thân và đảm bảo các danh mục đầu tư của bạn không bị lỗ trong thời kì giá cả tăng cao?
Đừng quá bảo thủ trong thời kì lạm phát
Khi lạm phát tăng, các ngân hàng thường nâng mức lãi suất của mình cao hơn mức lạm phát. Các tài sản hữu hình của bạn như nhà ở, bất động sản sẽ tăng giá nhưng lợi tức bạn nhận được từ trái phiếu có thể không đủ để chống chọi lại sự ăn mòn của lạm phát. Điều cần đặc biệt lưu ý là một danh mục đầu tư quá thận trọng và an toàn sẽ khó theo kịp với lạm phát.
Tập trung vào các lĩnh vực có lợi cho lạm phát
Tại Mỹ, đã có một nghiên cứu về các thị trường mà lạm phát dự kiến sẽ tăng và phần nào của những thị trường đó hoạt động tốt nhất trong thời gian ấy. Nghiên cứu nhận thấy rằng trung bình nếu S&P 500 dự kiến tăng 0,45% thì lĩnh vực năng lượng dự kiến sẽ tăng 0,86%, ngoài ra hai lĩnh vực khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn bao gồm tài chính ở mức 0,68% và vật liệu ở mức 0,62%.
Hãy tăng mức độ tiếp xúc của bạn với các quỹ khác nhau, ETF hoặc cổ phiếu riêng lẻ trong các lĩnh vực đó có thể giúp danh mục đầu tư của bạn giữ được tốc độ tăng trưởng trong môi trường lạm phát.
Chủ động hơn trong việc quản lý các rủi ro
Tăng mức độ tiếp cận đa dạng là điều tốt, tuy nhiên điều đó yêu cầu bạn phải có một bộ quy tắc để quản lý rủi ro. Nếu bạn có một cố vấn tài chính, hãy hỏi họ về chiến lược quản lý sự biến động của các quỹ. Khi đầu tư vào một quỹ hoặc ETF, hãy xem xét chiến lược của mình liệu đã đủ tốt để có thể vượt qua các thị trường biến động hay chưa và điều chỉnh các phương pháp quản lý rủi ro phù hợp.
Nếu bạn đang mua một cổ phiếu hoặc quỹ ETF riêng lẻ, hãy đặt mục tiêu giá của riêng bạn. Có thể đặt các lệnh cắt lỗ để khóa lợi nhuận và hạn chế mức độ sụt giảm. Ví dụ, lệnh cắt lỗ 15% trên giá trị cổ phiếu 100 triệu sẽ bắt đầu bán ở mức 85 triệu, nhưng nếu cổ phiếu đó tăng giá trị lên 115 triệu, lệnh dừng lỗ sẽ đẩy lên 97,75 triệu. Lúc này, bạn vừa có được tỉ trọng cổ phiếu bạn muốn vừa có thể hạn chế rủi ro nếu thị trường di chuyển theo hướng khác.
Đừng quyết định dựa trên cảm xúc, hãy dùng lý trí và cân nhắc về chiến lược của bạn, tận dụng các cơ hội trên thị trường nhưng phải có kỉ luật trong việc quản lý mọi vấn đề phát sinh.
Cân nhắc đến lĩnh vực công nghệ để đa dạng hóa danh mục đầu tư
Công nghệ đang là lĩnh vực nổi bật và có tiềm năng phát triển lớn. Trong thời kì Covid, sự phát triển công nghệ dường như cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhiều công ty công nghệ trong thời gian gần đây có báo cáo thu nhập khá ổn định, vậy nên việc phân bổ đầu tư cho lĩnh vực này có thể là một quyết định sáng suốt.
Công nghệ cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng sinh lời trong môi trường lạm phát. Các công ty công nghệ thường dễ dàng hơn trong việc tăng giá và các mô hình kinh doanh của họ ít bị ảnh hưởng bởi giá cả và chuỗi cung ứng.
Trong giai đoạn biến thể Delta Covid-19 đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới, nguy cơ gián đoạn kinh doanh và chuỗi sản xuất cũng là một trong những lý do khiến các công ty công nghệ trở thành sự lựa chọn lý tưởng của bạn.
Điều chỉnh kì vọng của bản thân
Đương nhiên, các nhà đầu tư đều muốn có hiệu suất và lợi nhuận tuyệt đối, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải xem xem lạm phát có thể ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch tài chính của bạn như thế nào? Trong ngắn hạn, thu nhập của bạn có cần tăng lên để thích ứng với sự tăng lên của giá cả hàng hóa và chi phí dịch vụ hay không? Kế hoạch tài chính của bạn đã tính đến lạm phát hay chưa và liệu danh mục đầu tư có thể theo kịp các khoản phí gia tăng không? Cách tốt nhất là bạn nên tìm tới một cố vấn tài chính và hỏi xem liệu kế hoạch của bạn đã ổn chưa, có phù hợp với kì vọng của bạn và lạm phát cao hay không.
Đánh giá lại các kế hoạch dài hạn
Lạm phát có thể có tác động tích cực đến giá trị tài sản ròng hiện tại của bạn vì hầu hết giá tài sản đều tăng, điều đó có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chuyển tới một ngôi nhà nhỏ hơn hay sắp xếp lại ngôi nhà của mình. Nhưng nếu lạm phát tiếp tục kéo dài, việc giảm quy mô bất động sản có thể khiến việc theo kịp lạm phát trở nên khó khăn hơn vì ngôi nhà nhỏ hơn của bạn sẽ không có mức gia tăng giá trị bằng ngôi nhà to hơn trước đây.
Trì hoãn việc mua sắm cho đến khi thích hợp
Lạm phát có thể là tạm thời, nhưng ở một vài thời kì và một vài khu vực, lạm phát có thể sẽ kéo dài hơn. Bạn cũng nên cân nhắc đến việc trì hoãn mua hàng hóa hoặc dịch vụ bởi trong giai đoạn này giá cả chung đều tăng lên do nguồn cung bị gián đoạn. Ví dụ bạn có thể trì hoãn việc tu sửa nhà hoặc trì hoãn việc mua ô tô, trì hoãn một chuyến du lịch… Trì hoãn có thể là một chiến thuật bởi vì việc tăng giá chỉ là tạm thời.
Tóm lại, lạm phát là một vấn đề lớn, các nhà đầu tư cần nhận thức được các cơ hội và rủi ro khi đầu tư trong môi trường lạm phát.