Từ 1/3, chủ xe được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử
Cụ thể, theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 15/01/2021, khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngoài bản giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp như thường lệ, chủ xe có thể được cấp giấy chứng nhận điện tử. Nghị định 03/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 và thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Nghị định 214/2013/NĐ-CP.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận bản điện tử có thể liên hệ với cán bộ kinh doanh của các công ty bảo hiểm trên toàn quốc để được hỗ trợ.
Giấy chứng nhận bản điện tử có giá trị pháp lý tương tương với bản giấy, người tham gia giao thông có thể xuất trình nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng. Khách hàng, cảnh sát giao thông quét mã QR trên giấy chứng nhận để kiểm tra đầy đủ thông tin được ghi nhận trên giấy chứng nhận bảo hiểm và xác thực đơn bảo hiểm hệ thống lưu trữ của các công ty bảo hiểm…
Được biết, theo quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.
Mỗi xe cơ giới được cấp 1 giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại giấy chứng nhận bảo hiểm.
Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc có thỏa thuận với chủ xe cơ giới về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.
Đồng thời, giấy chứng nhận bảo hiểm phải bao gồm các nội dung gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ xe cơ giới; số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy; loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô; tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
Giấy giấy chứng nhận bảo hiểm cũng bao gồm: mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn; thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm; ngày, tháng, năm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
Cùng với đó là mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Việc triển khai Giấy chứng nhận bản điện tử được coi là điểm lợi thế của các doanh nghiệp bảo hiểm sẵn có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Được biết, một số công ty bảo hiểm như PJICO, BIC, LIAN… đều đã sẵn sàng triển khai và thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho các chủ xe cơ giới.