Top 3 mô hình kinh tế phổ biến
Thị trường là nơi nhu cầu của người mua và hàng hóa của người bán gặp nhau. Giá của hàng hóa và nguồn lực bao gồm lao động, máy móc, đất đai và năng lượng được điều chỉnh để đảm bảo rằng các nguồn lực khan hiếm được sử dụng để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ mà xã hội mong muốn. Tiến trình phát triển của xã hội từ trước đến nay đã trải qua 3 mô hình kinh tế thị trường phổ biến bao gồm nền kinh tế hoạch hóa tập trung, nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế hỗn hợp.
Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung
Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là mô hình kinh tế đặc trưng đã từng tồn tại ở nhiều nước Xã hội Chủ nghĩa cũ trước năm 1990. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước sở hữu các nguồn lực như nhà máy, đất đai và đưa ra các quyết định trọng yếu bao gồm sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào và quyết định giá cả của các loại hàng hóa được phân bổ trên thị trường.
Mô hình kinh tế thị trường tự do
Mô hình tiếp theo trong 3 mô hình kinh tế phổ biến là nền kinh tế thị trường tự do. Trong thị trường tự do, các cá nhân mưu cầu lợi ích của bản thân họ không thông qua sự can thiệp hay chỉ đạo của chính phủ. Nói các khác, thị trường tự do là thị trường ở đó vai trò của chính phủ gần như không có. Theo nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith, tác giả cuốn " Của cải của các dân tộc" (1776), trong thị trường tự do, các cá nhân mưu cầu lợi ích của bản thân mình sẽ được dẫn dắt bằng "bàn tay vô hình" để làm những việc vì lợi ích toàn xã hội.
Ví dụ một người muốn trở thành triệu phú và trăn trở với những ý tưởng phát minh ra một thứ gì đó như đĩa DVD. Mặc dù được thúc đẩy bằng động cơ cá nhân, người đó sẽ làm cho xã hội trở nên tốt hơn bằng việc tạo ra những cơ hội và việc làm mới. Cá nhân sẽ làm cho đường giới hạn sản khả năng sản xuất của xã hội dịch chuyển ra phía bên ngoài - cùng số lượng nguồn lực nhưng làm ra nhiều hàng hóa với chất lượng tốt hơn đồng thời trở thành triệu phú trong quá trình đó.
Mô hình kinh tế hỗn hợp
Nền kinh tế tự do cho phép các cá nhân mưu cầu lợi ích riêng mà không có sự can thiệp của chính phủ, nền kinh tế mệnh lệnh thu hẹp phạm vi tự do kinh tế của các cá nhân, các quyết định kinh tế được đưa ra bởi chính phủ thì nền kinh tế hỗn hợp là nền kinh tế nằm giữa hai thái cực này.
Trong một nền kinh tế hỗn hợp, khu vực chính phủ và khu vực tư nhân cùng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế. Chính phủ can thiệp vào các quyết định thông qua đánh thuế, trợ cấp và cung cấp các dịch vụ miễn phí như quốc phòng và an ninh. Chính phủ cũng thực hiện điều tiết mức độ mà các cá nhân có thể mưu cầu lợi ích.
Phần lớn các nước trên thế giới có nền kinh tế hỗn hợp. Một số nước có nền kinh tế gần với kinh tế mệnh lệnh hơn và một số khác gần với kinh tế thị trường tự do hơn. Ví dụ như Mỹ có nền kinh tế gắn với thị trường tự do rộng rãi hơn nhưng vẫn có những mức độ nhất định về phương thức hoạt động của chính phủ trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng, phân phối lại thu nhập thông qua thanh toán và chuyển nhượng đồng thời điều tiết thị trường.