Nhận định cổ phiếu ngày 28/12: VNM, TNG và QTP
Yuanta: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM, giá mục tiêu 100.255 đồng
Qúy III năm 2021, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần 16.194 tỷ đồng (tăng 4,1% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 2.961 tỷ đồng (giảm 5,7% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2021, VNM ghi nhận doanh thu 45.100 tỷ đồng (giảm 0,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 8.420 tỷ đồng (giảm 6,4% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 73% kế hoạch về doanh thu và 75% kế hoạch về lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay của VNM suy giảm do đầu ra bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát COVID mặc dù trong các đợt bùng phát trước, ngành tiêu dùng các sản phẩm sữa ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngành FMCG khác. Theo đó, doanh thu 9 tháng năm 2021 giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, Yuanta đánh giá đây là một thành quả khá tốt của VNM trong bối cảnh này, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 6,4% chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay như sữa bột nguyên kem (tăng 24% so với cùng kỳ), đường (tăng 43% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III năm 2021 đã cải thiện hơn nhờ nới lỏng giãn cách sau COVID và giá đầu vào như giá sữa bột nguyên kem giảm nhẹ. Biên lợi nhuận gộp quý III đạt 42,9%, thấp hơn mức 46,7% cùng kỳ và cũng thấp hơn mức 43,6% của quý I và quý II năm 2021 vì sức cầu tiêu dùng suy giảm mạnh trong quý III do giãn cách khiến VNM không thể tăng giá bán. Điểm tích cực là VNM đã quản lý tốt chi phí hoạt động doanh nghiệp (giảm 14,1% so với cùng kỳ), tăng chi phí bán hàng (tăng 0,7%) để góp phần giúp tăng doanh thu (tăng 4,1% so với cùng kỳ).
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự phóng VNM sẽ tiếp tục suy giảm kết quả kinh doanh trong quý IV năm 2021 trước khi quay lại đà tăng trưởng từ quý I năm 2022 do: mức giá chốt đầu vào thấp hơn chi phí thực tế quý III năm 2021 nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng như sức cầu tiêu dùng vẫn chưa hồi phục mạnh ngay trong quý IV; một lưu lượng người lao động rời bỏ khu vực thành thị hiện vẫn chưa quay lại làm việc cho đến Tết Nguyên Đán trong khi các điểm bán lẻ và kênh phân phối của VNM phần lớn ở khu vực thành thị.
Yuanta dự phóng doanh thu quý IV năm 2021 của VNM sẽ tăng nhẹ 2,68% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu hồi phục và giá bán cải thiện so với quý III năm 2021. Lợi nhuận sau thuế sẽ tiếp tục giảm 6,31% so với cùng kỳ từ mức nền cao quý IV năm 2020.
Yuanta kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ quay lại từ quý I năm 2022 nhờ: mức nền thấp quý I năm 2021; biên lợi nhuận gộp 2022 sẽ cải thiện nhờ giá bán đầu ra tăng khi nhu cầu phục hồi và giá nguyên liệu đầu vào giảm khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát ở các nước; và hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế 800 nghìn tỷ của Chính phủ có thể giúp VNM tăng cả sản lượng lẫn giá bán ra.
Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng VNM kỷ lục trong năm 2021 và đã có dấu hiệu chững lại. VNM chứng kiến đà bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại trong 2021 là do: kết quả kinh doanh suy giảm trong 2021; thị phần VNM hiện đạt mức gần 40% toàn ngành sữa nên giảm kỳ vọng tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài; theo giá hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lãi lớn VNM; và nhiều quỹ phòng hộ và quỹ nhỏ phải đóng cửa và chịu áp lực rút vốn từ 2020 khiến các quỹ này phải bán bớt các cổ phiếu như VNM.
Trong 6 năm qua, tổng khối lượng bán ròng lũy kế tương đương mức 3,19% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành, là mức kỷ lục nhiều năm qua và đã có dấu hiệu chững lại tại mức này.
Vì vậy, Yuanta khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM, giá mục tiêu 100.255 đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 16,44% so với giá đóng cửa ngày 27/12/2021.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VNM của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị mua cổ phiếu TNG, giá mục tiêu là 43.600 đồng
Tháng 11 năm 2021, TNG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 433,91 tỷ đồng và 20,69 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 37% và 162% so với cùng kỳ. Qua đó, lũy kế 11 tháng năm 2021 doanh thu đạt 4.978,8 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 213,9 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ). Kết quả kinh doanh ghi nhận tích cực bởi nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ và EU. Đồng thời doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động các chuyền may mới ở nhà máy Võ Nhai 2, Phú Bình mở rộng.
Trong năm 2021, TNG đã đưa vào vận hành các nhà máy mới để gia tăng công suất cũng như đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó có nhà máy Võ Nhai 2 được đưa vào hoạt động từ tháng 7 năm 2021 với 20 chuyền may; dây chuyền bông số 03 hoạt động từ tháng 8 năm 2021; nhà máy Phú Bình mở rộng hoạt động từ tháng 11 năm 2021 với 22 chuyền may sản xuất lều trại; nhà máy Sông Công mở rộng hoạt động từ tháng 12 năm 2021 với 22 chuyền may sản xuất găng tay. Tổng giá trị đầu tư các dự án này lên đến 480 tỷ đồng, nâng công suất của TNG lên khoảng 30% so với trước đó. Trong các năm 2022-2023, các nhà máy mới như Đồng Hỷ 2 và Đại Từ 2 cũng dự kiến đưa vào hoạt động với thêm 42 chuyền may.
Sau thời gian bị dồn nén bởi đại dịch Covid 19, nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ hay EU đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các hiệp định tự do thương mại như EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp TNG gia tăng lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ khác trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp cho biết họ đã kín đơn hàng cho tới hết quý II năm 2022, thậm chí các khách hàng lớn như Decathlon đã ký đơn hàng cho tới tháng 9 năm sau.
Đáng chú ý mảng bất động sản đang có rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm với diện tích 70 ha có thể đạt được tỉ lệ lấp đầy 100% và mang về doanh thu đột biến với 1.500 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là dự án khu công nghiệp nằm ở vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm gần cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác. Bên cạnh đó, TNG cũng tham gia đấu thầu nhiều dự án bất động sản thương mại tiềm năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2022.
Do đó, Agriseco khuyến nghị mua TNG với giá mục tiêu 43.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa phiên 27/12 khoảng 29%.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) tại đây.
VCBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu QTP, giá mục tiêu 24.700 đồng
9 tháng năm 2021, doanh thu QTP đạt 6.238 tỷ đồng (giảm 7,5% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch năm), sản lượng điện đạt 4.883 triệu kWh. Biên lợi nhuận gộp đạt 29,4% so với cùng kỳ chỉ đạt 8,3% chủ yếu do giá điện thị trường cao hơn và giảm chi phí khấu hao từ quý IV năm 2020. Doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn gấp 2 lần cùng kỳ chủ yếu do lãi tiền gửi. Chi phí tài chính giảm mạnh (giảm 40% so với cùng kỳ) chủ yếu do giảm chi phí lãi vay. Các chi phí khác biến động không nhiều. Lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 40 tỷ đồng, vượt 24,6% kế hoạch năm).
Đáng chú ý, nguồn điện ở khu vực phía Bắc tăng trưởng khá thấp. Cụ thể, công suất đặt ở miền Bắc tăng trưởng rất chậm trong giai đoạn 2015 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 3,8% do phát triển nhanh các dự án điện than từ 2014 trở về trước. Hiện tại công suất vẫn đủ đáp ứng cho phụ tải điện nhưng nếu không phát triển thêm các dự án mới sẽ xảy ra hiện tượng thiếu điện cục bộ từ 2022 trở đi.
Trong giai đoạn cao điểm mùa khô ởkhu vực phía Bắc tháng 6 năm 2021, công suất đỉnh mới của miền Bắc là 18.700 MW trong khi đó công suất đặt chỉ đạt khoảng 25.000 MW. Trong đó, thủy điện chiếm tới hơn 50%, nếu thiếu hụt nước và hoạt động với công suất thấp khoảng 30% – 35% thì công suất của thủy điện sẽ đạt thấp khiến cho phải tăng cường huy động điện than và truyền tải điện từ miền Trung ra.
Theo EVN, tới tháng 11, lượng nước tích trữ tại các thủy điện Sơn La, Hòa Bình chỉ đat khoảng 67% dung tích hữu ích, thiếu hụt khoảng 4,19 tỷ m3. Hồ Hòa Bình thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 10,38m. Khu vực miền Bắc nói chung đang thiếu hụt 20 – 30% so với trung bình nhiều năm. Mực nước các hồ lớn ngoài mục đích phát điện còn phải phục vụ cho hoạt động tưới tiêu trong mùa khô năm sau nên ngay từ quý IV năm 2021 đã phải tăng cường tích nước để đủ phục vụ cho vụ Đông – Xuân. Chính vì vậy, nhiệt điện sẽ được tăng cường huy động từ quý IV đến hết mùa khô năm 2022.
Bên cạnh đó, hiện tại vẫn đang xảy ra La Nina và khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đang được hưởng lợi với lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 20 – 30% và chứng kiến lượng nước tích trữ tại các hồ lớn như Hàm Thuận, Thác Mơ, Trị An cao hơn cùng kỳ 4 – 6m. Các hồ tại Tây Nguyên cũng đươc hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy nhiên, thời tiết sẽ về pha trung tính và xác suất El Nino sẽ quay trở lại tăng lên gần 30% từ tháng 8 năm 2022 trở đi.
Kể từ năm 2020, QTP đã thay đổi chính sách khấu hao đối với lò hơi, turbine thuộc nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 từ 10 năm lên 15 năm. Qua đó giảm hơn 740 tỷ đồng khấu hao/năm, làm cho lợi nhuận tăng một khoản tương ứng. Thời gian khấu hao nhà máy sẽ kéo dài tới 2025 – 2026. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2021, mặc dù doanh thu giảm mạnh giảm 14,6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp của QTP vẫn tăng trưởng mạnh với 438 tỷ đồng (tăng 94,3% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, giá than Australia đã đạt mức cao lịch sử với 236 USD/tấn vào tháng 9 năm 2021 tức tăng gấp hơn 3 lần so với đầu năm do nhu cầu tăng mạnh của Trung Quốc và các nước Châu Âu khi kinh tế hồi phục và tồn kho khí rất thấp kết hợp với sản lượng gió thấp khiến cho thiếu hụt điện phải tăng sử dụng nhiệt điện than. Giá than cuối tháng 11 đã hạ nhiệt về mức 154 USD/tấn khi nguồn cung tăng trở lại.
Tuy nhiên, đối với QTP, do đã ký hợp đồng bao tiêu với TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Giá than ổn định quanh mức 1,5 triệu đồng/tấn do dùng nhiều than nội địa, chi phí sản xuất không tăng nhiều khiến giá thành không tăng. Theo ước tính của VCBS, giá than có thể tăng 10% - 15% trong năm 2022 khi nguồn hàng than trộn tồn kho cũ giá thấp đã hết và phải nhập với giá cao hơn. Tuy nhiên, giá than tăng cũng ít ảnh hưởng bởi giá bán điện trên thị trường điện cạnh tranh dự kiến năm sau cũng tăng mức tương ứng khi sản lượng thủy điện thấp và huy đông các nguồn điện khí, than tăng.
Vì vậy, VCBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu QTP với giá mục tiêu đạt 24.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 31% so với giá đóng cửa phiên 27/12.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu QTP của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tại đây.