Nhận định cổ phiếu ngày 22/3: VNM, VIB và PVD
KBSV: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM, giá mục tiêu 105.700 đồng
Cả năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đạt 61.012 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) – đạt 98,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.633 tỷ đồng (giảm 5,3% so với cùng kỳ) – đạt 94,6% kế hoạch năm. Tính riêng trong quý IV năm 2021, doanh thu thuần của VNM đạt 15.819 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), đây là mức tăng trưởng tốt nhất theo quý trong vòng 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế trong quý IV năm 2021 đạt 2.213 tỷ đồng. Việc biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng thời gian qua khiến Lợi nhuận sau thuế đi ngang so với cùng kỳ 2020 mặc dù doanh thu có tăng trưởng tốt trong quý IV năm 2021.
Cả năm 2021, biên lợi nhuận gộp đạt 43,1%, giảm 3,26 điểm% so với cùng kì 2020. Tính riêng trong quý IV năm 2021, lợi nhuận gộp hợp nhất của VNM ở mức 42,5%, giảm 0,9 điểm% so với 9 tháng năm 2021 và 364 bps so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, biên gộp của VNM đã bị ảnh hưởng đáng kể do giá cả cước phí vận chuyển và đặc biệt là nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong năm 2021. Theo ước tính của KBSV, trung bình giá bột sữa sử dụng làm nguyên liệu đầu vào tăng lần lượt 22,6% (SMP) và 29,2% (WMP) trong năm 2021.
Vào thời điểm quý III năm 2021, phía công ty cũng đã chốt giá nguyên vật liệu đầu vào (bột sữa) cho hết quý I năm 2022. Tuy nhiên, theo biểu đồ 5 phía trên, giá nguyên liệu đầu vào chính vẫn tiếp tục có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu năm 2022. Cụ thể, giá sữa bột tách kem (SMP) tăng 21% từ đầu năm đến nay và giá sữa bột nguyên kem (WMP) tăng 18% từ đầu năm đến nay.
Năm 2022, KBSV dự phóng doanh thu thuần của VNM đạt 62.090 tỷ đồng (tăng 1,92% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 11.000 tỷ đồng (tăng 3,45% so với cùng kỳ). Cho năm 2023, doanh thu thuần đạt 63.617 tỷ đồng (tăng 2,46% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ đạt mức 11.318 tỷ đồng.
Vì vậy, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM, giá mục tiêu 105.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 36,2% so với giá đóng cửa ngày 21/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VNM của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tại đây.
MASVN: Khuyến nghị tăng tỉ trọng đối với cổ phiếu VIB, giá mục tiêu 51.800 đồng
Kết thúc năm 2021, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) công bố lợi nhuận trước thuế vượt 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 15.000 tỷ đồng, (tăng 33% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi 12.000 tỷ đồng, (tăng 39% so với cùng kỳ). Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng trước thuế trong quý IV năm 2021 – mức cao nhất trong lịch sử một quý mà VIB đạt được – đã giúp lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB giữ trên 30% trong liên tiếp 2 năm 2020 và 2021 (2 năm liền dẫn đầu khối top ngân hàng thương mại cổ phần).
Đáng chú ý, biên lãi ròng (NIM) 2021 đạt 4,82% tăng mạnh so với mức 4,5% của 2020 và cao hơn mức 4,26% mà MASVN dự phóng. Theo VIB, ngân hàng đã tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020. Dư nợ tái cơ cấu cũng được giảm mạnh so với cuối quý III năm 2021. Bên cạnh đó cũng có thông tin VIB đang đàm phán lại phí trả trước cho Hợp đồng Banca với đối tác. Dự kiến ghi nhận trong năm 2022.
Trong 2021, dự nợ bán lẻ của VIB tăng trưởng 24%, kể cả trong giai đoạn dịch, đạt 178 nghìn tỷ đồng, chiếm 87% tổng dư nợ. Tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng 54% trong đó của khách hàng cá nhân tăng 63%. Hoạt động Banca vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 với thị phần 12% Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉ lệ nợ xấu của VIB đang ở mức 1,75% (tính luôn phần tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn) và 2,32% (chỉ tính phần cho vay khách hàng – tăng khá so với mức 1,74% đầu năm).
Do đó, MASVN khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VIB, giá mục tiêu 51.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15,6% so với giá đóng cửa ngày 21/3/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VIB của Công ty Chứng khoán Mirae Asset tại đây.
VCSC: Cập nhật về Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD)
Dù thị trường khoan dầu đã bắt đầu ấm lên trong thời gian gần đây, PVD chia sẻ rằng một số hợp đồng khoan đã được ký vào cuối năm 2021 với mức giá thấp hơn so với mức giá thị trường hiện tại là 65.000 - 70.000 USD (ví dụ: hợp đồng 1 năm của PVD I với Vietsovepetro (khách hàng trong nước) với giá thuê ngày là 50.000 - 55.000 USD; hợp đồng 1 năm của PVD III với Repsol (Malaysia) với giá thuê ngày là 60.000 - 65.000 USD). Trong khi đó, PVD II và PVD VI không hoạt động trong quý I năm 2022, dẫn đến lợi nhuận thấp trong quý.
Theo PVD, công ty đang tìm việc làm cho các giàn JU PVD II và PVD VI trong 6 tháng cuối năm 2022 và nhận thấy khả năng cao để các giàn khoan này đạt được mức giá thuê ngày trên 70.000 USD tại các thị trường quốc tế do nhu cầu cao từ Malaysia và Indonesia. Do đó, VCSC đã ghi nhận tiềm năng về giá thuê ngày cao của giàn JU trong 6 tháng cuối năm 2022 và tăng dự báo giá thuê ngày trung bình năm 2022 thêm 6,4% lên 63.100 USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ). Ngoài ra, VCSC tăng dự báo giá thuê ngày giai đoạn 2023 - 2026 thêm trung bình 13,1%. Do đó, VCSC tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi giai đoạn 2023 - 2026 thêm 16,9%.
Giàn TAD bắt đầu hợp đồng khoan 10 năm cho Shell tại Brunei vào đầu năm 2022. Do đó, ban lãnh đạo kỳ vọng giàn khoan này có thể đóng góp dòng tiền sau 5 năm không hoạt động. Tiến độ này phù hợp với kỳ vọng và VCSC duy trì dự báo rằng giàn TAD sẽ đóng góp trung bình khoảng 12% vào EBITDA của PVD trong giai đoạn 2022-2026.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu PVD của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.