Nhận định cổ phiếu ngày 14/4: DGW, VIC và TNG
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DGW, giá mục tiêu 164.000 đồng
Vừa qua, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (HoSE: DGW) công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt đạt 20,9 nghìn tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ) và 655 tỷ đồng (tăng 145% so với cùng kỳ), hoàn thành 138% và 218% kế hoạch năm 2021. Tất cả các mảng hoạt động đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, cụ thể: máy tính xách tay tăng 81%; điện thoại di động tăng 54%; thiết bịvăn phòng tăng 85%; và hàng tiêu dùng tăng 42%.
Công ty đặt ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 26,3 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) và 800 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ). Trong quý I năm 2022, ban lãnh đạo dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7 nghìn tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ) và 210 tỷ đồng (tăng 97% so với cùng kỳ). Máy tính xách tay là một trong những mảng sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tăng 62% so với cùng kỳ, mặc dù chậm lại so với mức tăng mạnh 179% trong quý IV năm 2021. Điện thoại di động tăng 36% so với cùng kỳ bất chấp sự cạnh tranh gay gắt hơn từ nhà phân phối mới gia nhập thị trường, FPT Synnex. Thiết bị văn phòng tăng 12% so với cùng kỳ, trong khi hàng tiêu dùng giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I năm 2022.
Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành ESOP tối đa 2,5% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 vượt 25% so với cùng kỳ. Cổ phiếu ESOP có thể bị giới hạn giao dịch trong 1 năm. ESOP theo kết quả kinh doanh năm 2020 được phát hành trong năm 2021 sẽ được giao dịch vào cuối tháng 5/2022.
DGW gần đây đã trở thành nhà phân phối các sản phẩm ESD (Phân phối phần mềm điện tử) cho Microsoft. Nhu cầu về phần mềm của Microsoft sẽ tăng lên cùng với nhu cầu máy tính xách tay tăng cao, cùng với việc đổi mới hoặc nâng cấp hàng năm. ESD có thể vượt trội hơn so với FPP (thường được bán dưới dạng CD-ROM hoặc DVD tại cửa hàng), vì các nhà bán lẻ không cần phải chịu chi phí lưu trữ. Hàng tồn kho có thể có sẵn 24/7. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ thuận tiện hơn khi mua các sản phẩm của Microsoft mà không cần đến cửa hàng.
Uớc tính doanh thu từ thiết bị văn phòng đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (tăng 129% so với cùng kỳ, so với ước tính trước đó là 6 nghìn tỷ đồng), nhờ vào danh mục sản phẩm mới và thương hiệu mới; và xu hướng số hóa đang diễn ra.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu DGW của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
Mirae Asset: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VIC, giá mục tiêu 97.700 đồng
Năm vừa qua, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) cho biết do tác động của đại dịch, tập đoàn lần đầu tiên báo cáo lỗ (lỗ 7,6 nghìn tỷ đồng, giảm 147% so với cùng kỳ), mặc dù doanh thu tăng nhẹ lên 125,7 nghìn tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ). Đại dịch Covid khiến nhiều mảng phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa trong thời gian dài như Vincom Retail, Vinpearl. Ngoài ra việc đóng cửa bất ngờ mảng sản xuất ô tô xăng để tập trung vào xe điện cũng khiến chi phí tăng lên, bên cạnh đó Vingroup cũng chi 6,1 nghìn tỷ đồng trong năm để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Năm ngoái, Vinhomes thu về 79,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10,1% so với cùng kỳ) nhờ bàn giao sản phẩm của 3 đại dự án. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này tăng đáng kể (56% vào năm 2022 so với chỉ 36% trong năm 2021), nhờ vào hoạt động bán sỉ vốn chiếm một nửa tổng doanh thu. Vinhomes dự kiến sẽ tung ra 3 dự án mới vào năm 2022, đồng thời bàn giao phần còn lại của 3 đại dự án, với doanh thu từ bán sỉ tiếp tục chiếm đa số. Dự báo mảng này sẽ tăng trưởng 14% trong năm nay, với doanh thu đạt 91,6 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2021, Vinfast đã bàn giao 35.700 xe (trong khi đó chỉ giao 24.100 xe trong năm 2020), hầu hết là các mẫu xe xăng. Vừa qua Vingroup tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động sản xuất xe xăng (cùng với các sản phẩm điện tử khác) để tập trung vào mảng xe điện và thâm nhập thị trường ô tô Mỹ. Tuy mảng này báo lỗ kỷ lục 3,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Điểm sáng trong năm qua là các mẫu xe điện được đón nhận nồng nhiệt với hơn 40.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, Vingroup cũng có kế hoạch huy động 2 tỷ USD thông qua IPO trong nửa cuối năm nay để tài trợ cho nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ, với công suất giai đoạn 1 lên đến 150.000 xe mỗi năm.
Đại dịch buộc các thành phố lớn và nhiều điểm nóng du lịch trên cả nước phải đóng cửa, khiến hoạt động của Vincom Retail và Vinpearl bị đình trệ, dẫn đến kết quả kinh doanh không như mong đợi (giảm lần lượt là -19,5% và -33,5% so với ck). Tuy vậy tình hình đã được cải thiện đáng kể trong IV với doanh thu cho Vincom Retail và Vinpearl lần lượt đạt 8,3 nghìn tỷ đồng và 7,8 nghìn tỷ đồng.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VIC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tại đây.
Agriseco: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu TNG, giá mục tiêu 43.600 đồng
Năm 2021, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid gây ra. Cụ thể, TNG ghi nhận kết quả kinh doanh 2021 với doanh thu đạt 5.444 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 526,3 tỷ đồng (tăng 51% so với năm trước) nhờ Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu phục hồi; Tăng trưởng công suất qua mở mới các chuyền may.
Định hướng của TNG là gia tăng tỷ trọng đơn hàng FOB để thay thế cho các đơn hàng CMT (đặt hàng sản xuất may gia công), qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận. Theo cập nhật mới nhất từ phía doanh nghiệp, tổng doanh thu tháng 3/2022 đạt 412,85 tỷ đồng, tăng 26,16% so với năm trước và qua đó doanh thu lũy kế quý I năm 2022 đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022 .
Theo ban lãnh đạo, TNG sẽ tiếp tục đầu tư để tăng công suất trong giai đoạn 2022 năm 2026. Cụ thể, số lượng chuyền may dự kiến trong năm 2022 của TNG là 324 so với 278 trong năm 2021, tăng tương ứng 17% cùng kỳ và dự kiến có thể hoạt động với hiệu suất 90% khi đưa vào vận hành từ quý II năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu chính của TNG như Mỹ hay EU (chiếm tỷ trọng lần lượt 40% và 39%) được dự báo tăng trưởng tốt trong năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát. Các khách hàng lớn của TNG như Decathlon, The Children Palace hay Nike đều có kết quả kinh doanh phục hồi ấn tượng trong 2021 và kỳ vọng có giá trị đơn hàng tiếp tục tăng trong 2022. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, hiện nay các đơn hàng đã được ký đến hết tháng 10 năm 2022. Trong đó, đối tác lớn nhất là Decathlon (chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu) kỳ vọng đạt 81,82 triệu USD giá trị đơn hàng trong 2022, tăng 22% so với năm trước.
TNG đặt kế hoạch kinh doanh 2022 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 5.990 tỷ đồng và 279 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10% và 20% cùng kỳ (chưa bao gồm mảng bất động sản). Bên cạnh đó, TNG cũng dự kiến chi trả 16% cổ tức từ vốn điều lệ,với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu cụ thể sẽ được thông qua trong đại hội cổ đông sắp tới.