Thứ hai, 22/04/2024, 11:40 AM
Đầu tư   •   Thứ tư, 13/04/2022, 07:38 AM  •  13/04/2022, 07:38

Nhận định cổ phiếu ngày 13/4: FPT, VPB và ASM

Nhận định cổ phiếu đáng chú ý của một số công ty chứng khoán đưa ra trước phiên giao dịch ngày 13/4, bao gồm: FPT, VPB và ASM.

Nhận định cổ phiếu ngày 13/4: FPT, VPB và ASM

VCSC: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, giá mục tiêu 120.600 đồng

Quý I năm 2022, doanh thu của FPT tăng 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế tăng 26% - 28% so với cùng kỳ, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của VCSC. Mặc dù kết quả kinh doanh theo mảng chưa được công bố, VCSC tin rằng mức tăng trưởng của quý I năm 2022 chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của FPT là Xuất khẩu Phần mềm, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông.

Đáng chú ý, Đại hội cổ đông cũng đã bầu ra Hội đồng quản trị mới cho nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 2 thành viên độc lập mới có nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ CNTT - ông Hiroshi Yokotsuka (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thông tin Nhật Bản) và ông Hampapur Rangadore Binod (nguyên giám đốc công ty Dịch vụ CNTT Ấn Độ Infosys).

Theo ban lãnh đạo, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chi tiêu của Chính phủ ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh. Tính đến đầu năm 2022, 54 trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đã công bố quy hoạch tổng thể về chuyển đổi số. Theo FPT, chuyển đổi số sẽ chiếm ít nhất 1% ngân sách hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 5 năm tới. Năm 2021, FPT đã làm việc với 40 tỉnh thành, thành phố và ký kết hợp đồng chiến lược với 14 tỉnh thành. Ngoài ra, FPT đang nhận được nhu cầu rất lớn từ các tập đoàn tư nhân như MSN, Sovico (một tập đoàn tư nhân bất động sản), DXG và CTD.

Bên cạnh đó, FPT đang tìm kiếm cơ hội mua lại các công ty tư vấn bổ sung để nâng cao năng lực đầu cuối của công ty - tương tự như thương vụ mua lại công ty tư vấn Intelinet của Mỹ vào năm 2018. Theo ban lãnh đạo, xung đột Nga-Ukraine mang lại cho FPT nhiều mục tiêu M&A hơn khi tình hình căng thẳng này ảnh hưởng năng lực làm việc với khách hàng nước ngoài của các công ty CNTT ở cả Nga và Ukraine - vốn là những trung tâm dịch vụ CNTT lớn trên toàn cầu. Đối với mục tiêu M&A trong nước, FPT sẽ đầu tư vào các công ty sản phẩm phần mềm dựa trên nền tảng đám mây tương tự như Base.vn (được mua lại vào năm 2021).

Ngoài các công nghệ chính hiện tại của chuyển đổi số – đám mây/cloud và trí tuệ nhân tạo/AI - FPT nhận thấy nhu cầu cho công nghệ blockchain và metaverse sẽ gia tăng trong vài năm tới. Công ty đã tích cực xây dựng các sản phẩm trong các lĩnh vực này cũng như nâng cao các kỹ năng cần thiết cho nhân viên của công ty. Cũng liên quan, gaming - vốn gắn liền với metaverse - có thể là một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng của FPT và đã được đưa vào các chương trình đào tào của Đại học FPT.

VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, giá mục tiêu 120.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 9,8% so với giá đóng cửa ngày 12/4/2022.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.

Agriseco: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu 50.000 đồng

Năm 2021, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPB đạt 18,9%. Trong đó, con số này tại ngân hàng mẹ là 20,2% cùng mảng dư nợ cho vay tại FE Credit đã hồi phục cuối năm 2021, tăng 14,2% sau đà giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ dịch. Agriseco kỳ vọng trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của VPB sẽ hồi phục mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận khi nền kinh tế dần trở về bình thường, đặc biệt tại mảng tín dụng tiêu dùng. Ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022 ấn tượng đạt mốc 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ.

Việc gia hạn thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền bancassurance với AIA lên 19 năm dự kiến sẽ đem lại nguồn thu nhập đột biến ngoài lãi từ khoản upfront fee cho VPB. Bên cạnh đó, việc mua 97% cổ phần Chứng khoán ASC vừa qua cùng dự định sẽ mua lại công ty bảo hiểm OPES (công bố trong tài liệu Đại hội cổ đông) sẽ giúp ngân hàng mở rộng đa dạng hóa hệ sinh thái và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Đáng chú ý, VPB dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 80 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 50%, phát hành riêng lẻ thêm 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài và phát hành ESOP tỷ lệ 0,675%. Điều này sẽ đưa VPB trở thành một trong những ngân hàng có Vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống, thúc đẩy mạnh mẽ hệ số an toàn vốn CAR và mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Qúy IV năm 2021, chất lượng tài sản ngân hàng mẹ có sự cải thiện với tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm còn 1,51% (từ mức 1,98% đầu năm) nhưng lại suy giảm tại FE Credit khi NPL tăng lên 13,6% (từ mức 6,6% đầu năm). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 2021 của VPB đạt 3,6% tăng so với 2,9% cuối năm 2020. Agriseco đánh giá con số này sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới (đặc biệt tại FE Credit) khi tình hình dịch dần được kiểm soát. Bên cạnh đó, VPB đã tăng cường trích lập dự phòng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 60,9% năm 2021 từ 48,9% (quý III năm 2021) sẽ tạo bộ đệm an toàn hơn về chất lượng tài sản.

Agriseco khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 28,2% so với giá đóng cửa ngày 12/4/2022.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VPB của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank tại đây.

MASVN: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ASM, giá mục tiêu 35.200 đồng

ASM là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam với doanh thu thuần năm 2021 đạt 11.398 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) chủ yếu đến từ thương mại cá tra và phụ phẩm cá tra (88%), năng lượng mặt trời (5%) và bất động sản (5%) và du lịch. Tuy doanh thu thuần của ASM 2021 giảm nhẹ do các tác động của COVID-19, tập đoàn vẫn đạt lợi nhuận ròng 600 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ nhờ giá cá tra và phụ phẩm cá tra xuất khẩu tăng mạnh khi các thị trường xuất khẩu Nam Mỹ và Châu Á phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Năm 2022 được đánh giá tiếp tục là một năm thuận lợi cho ASM khi các mảng kinh doanh chính đều có tăng trưởng tốt. Cá tra và phụ phẩm cá tra sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh Nga – Ukraina khi mà các lệnh cấm vận từ Mỹ, Châu Âu lên Nga trong gia đoạn hậu chiến được dự báo sẽ làm cho nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng từ các nguồn ngoài Nga trong đó có Việt Nam tăng lên. Bên cạnh cá tra, mảng điện mặt trời và du lịch của ASM sẽ có sự phục hồi tốt nhờ nhu cầu điện của các khu công nghiệp và nhu cầu du lịch nội địa bật tăng mạnh từ mức thấp 2021 khi COVID-19 đăng dần được coi là bệnh đặc hữu.

MASVN dự phóng năm 2022 mảng cá tra của ASM có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 18% so với cùng kỳ, lên 11.841 tỷ đồng nhờ giá xuất khẩu cao được duy trì cả năm 2022 so với 6 tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ khách sạn, du lịch được dự báo tăng 120% so với cùng kỳ lên 243 tỷ đồng từ mức thấp 2021 còn điện mặt trời kỳ vọng mang về 714 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu điện tại các khu công nghiệp phục hồi từ mức thấp 2021. Như vậy, doanh thu thuần 2022 ASM được kỳ vọng đạt 13.522 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự phóng đạt 816 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. EPS pha loãng dự phóng đạt 2.069 đồng/cổ phiếu.

MASVN khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ASM, giá mục tiêu 35.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 55,75% so với giá đóng cửa ngày 12/4/2022.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu ASM của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) tại đây.

Văn Kiên

Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nằm la liệt, VN-Index giảm 18 điểm

Đầu tư   •   Thứ bảy, 20/04/2024, 13:27 PM
Trong phiên hôm nay (19/4), với hơn 400 mã giảm giá trong đó cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nằm la liệt khiến VN-Index giảm 18,16 điểm, tiếp đà trượt dốc trong những ngày qua, xuống còn 1.174,85 điểm.

Lợi nhuận Home Credit lao dốc 68%, về mức thấp kỷ lục

Đầu tư   •   Thứ bảy, 20/04/2024, 13:27 PM
Năm 2023, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 375,3 tỷ đồng, giảm 68,4% so với năm 2022.

Cổ phiếu lao dốc đồng loạt, VN-Index mất hơn 13 điểm

Đầu tư   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:57 AM
Áp lực xả hàng từ nhà đầu tư khiến sắc đỏ lan tràn hầu hết khắp thị trường. VN-Index chốt phiên mất 13,14 điểm, đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Bột giặt NET muốn trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 50%

Đầu tư   •   Thứ tư, 03/04/2024, 09:43 AM
CTCP Bột giặt Net dự tính chi khoảng 112 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông sau một năm kinh doanh thuận lợi với kết quả cao kỷ lục.

IDI lên kế hoạch chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Đầu tư   •   Thứ hai, 01/04/2024, 16:39 PM
Ban lãnh đạo IDI đề xuất chia cổ tức năm 2022 và năm 2023 là 20% vốn điều lệ (hơn 455 tỷ đồng), lên kế hoạch lãi sau thuế 276 tỷ đồng.