Nhận định cổ phiếu ngày 1/12: VPB, DRC và NTC
SSI: Khuyến nghị trung lập với VPB, giá mục tiêu 44.530 đồng/cổ phiếu
Quý III, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái) do thu nhập lãi giảm (giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và dự phòng tăng (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả kinh doanh thể hiện sự tương phản giữa ngân hàng mẹ và FeCredit. Trong khi ngân hàng mẹ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ (2,9 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ tổng thu nhập hoạt động bền vững (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái) và kiểm soát chặt chi phí (giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái), FeCredit lỗ ròng 264 tỷ đồng do biên lãi ròng (NIM) giảm và chi phí tín dụng tăng mạnh.
Đáng chú ý, lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 11,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 71% kế hoạch tại đại hội cổ đông, trong đó Ngân hàng mẹ và FeCredit tương ứng đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái) và 895 tỷ đồng (giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái).
Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận 2021 là 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước), với ước tính lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng mẹ và FeCredit lần lượt là 14,5 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm trước) và 1,4 nghìn tỷ đồng ( giảm 63% so với cùng kỳ năm trước). Việc điều chỉnh này chủ yếu do giả định về NIM giảm và chi phí tín dụng tăng tại FeCredit.
Bước sang năm 2022, SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của VPBank là 19,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Chính vì vậy, SSI tăng giá mục tiêu 1 năm lên 44.530 đồng/cổ phiếu (từ 39.300 đồng/cổ phiếu), tiềm năng tăng giá 16% và khuyến nghị TRUNG LẬP đối với VPB.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VPB của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DRC
Quý III năm 2021 là một quý có kết quả kinh doanh thấp do COVID-19, nhưng sản lượng bán hàng của lốp bias 9 tháng đầu năm 2021 vẫn phục hồi khi tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng kết quả kinh doanh tích cực này là do Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đang phải đối mặt với ít cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất lốp lớn của Trung Quốc, tập trung vào các sản phẩm lốp radial và lốp bias phân khúc phổ thông thay vì lốp bias tùy chỉnh - thị trường ngách mà DRC đang tận dụng.
VCSC kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ đối với phân khúc lốp radial của DRC sẽ tiếp tục trong quý IV/2021 và 2022 vì lốp radial của DRC không bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tại các thị trường xuất khẩu chính (như Brazil và Mỹ). Do đó, dự báo sản lượng tiêu thụ lốp bias và lốp radial năm 2021 của DRC sẽ tăng lần lượt 5,8% và 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt điều chỉnh giảm 15,3% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 còn 303 tỷ đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước), do giả định biên lợi nhuận gộp thấp hơn của VCSC cho tất cả các phân khúc sản phẩm của DRC để phản ánh biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong quý III/2021 và tăng 31,7% trong dự báo chi phí bán hàng & quản lý của VCSC.
Trong năm 2022, VCSC dự báo doanh thu đạt 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 419 tỷ đồng (tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước). VCSC kỳ vọng doanh thu tăng chủ yếu do nhu cầu tăng cao đối với lốp radial của DRC; trong khi đó, lợi nhuận sẽ được củng cố bởi biên lợi nhuận gộp của lốp radial cải thiện và chi phí bán hang, hành chính quay về mức bình thường từ mức cơ sở cao vào năm 2021.
Bước sang giai đoạn 2023-2028, VCSC nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế thêm 6,5% chủ yếu nhờ vào việc tăng tốc phát triển nhà máy sản xuất lốp radial giai đoạn 3 của DRC, mà dự báo sẽ bổ sung thêm 200.000 sản phẩm/năm, với công suất hiện tại là 600.000 chiếc/năm bắt đầu từ nửa cuối 2022 và thêm 200.000 chiếc/năm khác từ năm 2024. Do đó, VCSC kỳ vọng nhà máy lốp radial của DRC sẽ đạt lần lượt 82%, 90%, 95%, 98%, 100% trong tổng số công suất 1.000.000 chiếc/năm, vào các năm 2023, 2024, 2025, 2026, 2027.
Vì vậy, VCSC đưa ra giá mục tiêu là 37.700 đồng/cổ phiếu và duy trì đánh giá khả quan đối với Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC).
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu DRC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt tại đây.
MASVN: Khuyến nghị mua NTC với giá mục tiêu 279.600 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh top đầu của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR). Từ khi thành lập năm 2006, chỉ sau 10 năm hoạt động NTC đã cho thuê toàn bộ 229 ha đất công nghiệp tại khu công nghiệp NTC1 và 288 ha đất khu công nghiệp NTC2 (Dự án mở rộng).
Trước các thành công trên, năm 2016, NTC tiếp tục được phép thực hiện dự án mở rộng (NTC3) với quy mô 346 ha. Sau khi nhận bàn giao đất vào năm 2019 – 2020, NTC đã hoàn thành đầu tư và sẵn sàng đưa vào khai thác dự án NTC3 trong năm 2022.
Bên cạnh đó, với diện tích đất thương phẩm 288.52 ha, giá thuê thương phẩm tại khu vực này ước tính 100 – 110 USD/m2/chu kỳ thuê, MASVN nhận định NTC có khả năng cho thuê toàn bộ quỹ đất tại NTC3 trong 5 năm và mang lại nguồn doanh thu gần 7.400 tỷ đồng. NTC đã thanh toán gần hết khoản nợ vay để đầu tư dự án và cũng là khoản nợ vay duy nhất của doanh nghiệp thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, NTC là doanh nghiệp có tỷ lệ chia cổ tức rất cao, luôn duy trì mức trên 80% vốn điều lệ bằng tiền mặt mỗi năm (tương đương 65-73% lợi nhuận sau thuế) cho thấy chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp luôn ở mức cao và tạo ra dòng tiền mạnh.
Vì vậy, MASVN khuyến nghị mua với NTC với giá mục tiêu 279.600 đồng/cổ phiếu, tăng 46,5% so với giá đóng cửa ngày 29/11/2021, được xác định dựa trên phương pháp giá trị tài sản ròng.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu NTC của Công ty Chứng khoán Mirae Asset tại đây.