Lập kế hoạch tài chính hưu trí để nghỉ hưu an nhàn.
Tính đến cuối năm 2022, Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 5,1 triệu người.
Bên cạnh đó, những người có điều kiện tài chính không cao, thu nhập bấp bênh chính là những người cần có chỗ dựa tài chính như lương hưu khi về già nhất thì lại có ít cơ hội được đảm bảo tài chính bằng hình thức này.
Chính vì thế, việc chủ động lập kế hoạch tài chính cho cuộc sống khi về hưu rất cần thiết để bạn có thể an tâm tuổi về hưu mà không còn áp lực tài chính.
Sau đây là một số bước mà bạn có thể tham khảo để chuẩn bị kế hoạch tài chính hưu trí cho mình.
Bước 1: Rà soát tổng giá trị tài sản và đánh giá tình hình tài chính hiện tại của bản thân
Trước tiên, bạn cần nắm được tổng giá trị tài sản mình có. Nó sẽ bao gồm: tiền mặt; tài khoản ngân hàng; tài khoản đầu tư; vàng và nhà đất… Ước lượng tài sản trừ đi các khoản nợ sẽ ra giá trị tài sản ròng của bạn. Sau khi đưa ra được con số chính xác về tài sản hiện có của bản thân. Bạn sẽ quyết định được cần bao nhiêu tiền để về hưu: sống an nhàn với tích lũy đã có hay tiếp tục làm việc để kiếm thêm thu nhập.
Bước 2: Xác định nhu cầu tài chính: cần bao nhiêu tiền để về hưu?
Bạn cần xác định bạn sẽ cần bao nhiêu tiền cho chi tiêu khi bạn không còn làm việc nữa. Thường bạn sẽ cần số tiền bằng 60% đến 70% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Ví dụ: khi còn đang lao động, mỗi tháng bạn kiếm được 15 triệu đồng thu nhập mỗi tháng, thì khi về hưu bạn sẽ cần khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng để đảm bảo ổn định tài chính. Do đó, càng liệt kê cụ thể các khoản mục với những con số ước lượng chính xác; bạn càng có định hướng rõ ràng hơn cho việc sẽ làm gì khi nghỉ hưu. Điều này giúp bạn có một cuộc sống an nhàn và không phải suy nghĩ quá nhiều về đồng tiền.
Bước 3: Thực hiện kế hoạch tài chính hưu trí như thế nào?
Nhằm sớm đạt được mục tiêu tài chính tuổi về hưu, bạn hãy bắt tay vào thực hiện càng sớm càng tốt. Thông thường sẽ có 2 cách: giảm chi tiêu hoặc tăng thu nhập.
Để giảm chi tiêu, cần có tính kỷ luật và áp dụng nguyên tắc “tiết kiệm trước, chi tiêu sau”. Các chuyên gia tài chính thường khuyên tỷ lệ tiết kiệm hàng năm 15-20% thu nhập, trong đó có thể trích ra 5-10% cho mục tiêu hưu trí.
Vài cách giảm chi tiêu gợi ý như: cắt giảm bớt các thú tiêu khiển tốn kém hay những buổi đi chơi không cần thiết; tận dụng tối đa các phiếu giảm giá trong các dịp mua sắm.
Để tăng thu nhập, bạn có thể tranh thủ kiếm các nguồn thu nhập chủ động như làm thêm, nỗ lực để được trả lương cao hơn hoặc có thể tăng thu nhập thụ động bằng các hình thức đầu tư như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm,vàng...Điều quan trọng là mỗi người phải lựa chọn kênh đầu tư an toán, tránh rủi ro.